(VnMedia) - Tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) nặng và chết người ngày một tăng. Năm 2010 xảy ra 14 TNLĐ nặng, làm 2 người tử vong. Năm 2011 xảy ra 22 vụ TNLĐ nặng làm chết 3 người. 5 tháng đầu năm 2012 xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 3 người.
Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được Nhà nước luật hóa trong chương IX Bộ Luật Lao động năm 1995. Đây là cơ sở pháp lý buộc các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”, không ngừng chăm lo đến yếu tố con người, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong lao động sản xuất, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên nhìn tổng quan công tác ATVSLĐ của tỉnh Yên Bái vẫn còn không ít các doanh nghiệp coi thường pháp luật. Các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nặng và chết người ngày một gia tăng đã để lại nỗi đau quá lớn cho người lao động và gia đình…
Nỗ lực vì người lao động
Dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn chủ động và tăng cường phối hợp với các ngành chức năng như: Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường (gọi chung là liên ngành), đã có nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN).
Một trong những điểm nhấn phát động quần chúng và người sử dụng lao động (NSDLĐ) nâng cao nhận thức và hành động trong công tác bảo hộ lao động là hàng năm đều tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ&PCCN” từ cấp tỉnh đến ngành, huyện, thị xã, thành phố và cơ sở. Từ năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ&PCCN trong CNVC- LĐ; tổ chức 23 lớp tập huấn pháp luật về lao động cho 1.087 người lao động và NSDLĐ; kiểm tra, thanh tra, tư vấn ATVSLĐ đối với 275 loại hình doanh nghiệp.
Với chức năng của tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh vừa chủ động vừa tăng cường với việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và bảo hộ lao động của Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tập huấn cho ban cán bộ công đoàn về lý luận, nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động và tổ chức Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Liên ngành đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra đối với 122 doanh nghiệp có nhiều nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ là khai thác mỏ, chế biến khoáng sản, lâm, nông sản.
Qua đó, đã kiến nghị và xử lý 873 trường hợp vi phạm ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục mang tính hướng luận cao về thực hiện chế độ bảo hộ lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ và cháy nổ.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Những nỗ lực của các ngành chức năng hướng về cơ sở, không ngừng chăm lo đến sức khỏe, tính mạng người lao động trên địa bàn tỉnh đã có điểm sáng về ATVSLĐ. Song vẫn còn không ít các doanh nghiệp coi thường pháp luật, sờ đến đâu vi phạm đến đó”.
Doanh nghiệp nhờ "thuốc" ...
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Yên Bái, liên ngành đã kiểm tra công tác ATVSLĐ&PCCN ở các loại hình doanh nghiệp có nhiều nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ và cháy nổ. Từ ngày 7/3/2011 đến ngày 15/4/2011 liên ngành kiểm tra 30 doanh nghiệp, đã phát hiện 3 doanh nghiệp không hoạt động hoặc dừng hoạt động: Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Dương Thịnh, Công ty TNHH Hùng Lộc, Công ty TNHH khai thác và chế biến đá Anh Anh.
Qua kiểm tra 27 doanh nghiệp, đang quản lý sử dụng 1.943 lao động cho thấy, chỉ có 3/27 doanh nghiệp thành lập hội đồng bảo hộ lao động. 7/27 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện định kỳ quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn cho người lao động. 3/27 doanh nghiệp có phương án PCCN, 1.368 lao động chưa cấp sổ lao động chiếm 95%. Tỷ lệ công nhân được khám sức khỏe định kỳ chỉ đạt 38%. Các doanh nghiệp nợ đọng BHXH 27,764 triệu đồng…
Từ ngày 27/4/2011 đến 24/5/2011 liên ngành kiểm tra 10 đơn vị khai thác khoáng sản cho thấy, điều kiện làm việc của người lao động rất nặng nhọc, nguy hiểm, song Công ty cổ phần Cường Thịnh, Hợp tác xã Văn Thịnh giao kết hợp đồng lao động bằng miệng với người lao động, vi phạm điều 28 Bộ Luật Lao động. Đa số các đơn vị khai thác mỏ không xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và tổ chức huấn luyện định kỳ quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn cho người lao động. Trên hiện trường không có biển báo, tiêu lệnh, nội quy nhắc nhở người lao động chấp hành an toàn lao động. Từ ngày 19/3/2012 đến 19/4/2012 liên ngành kiểm tra 20 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp dừng hoạt động là Công ty TNHH Thạch Lâm, Công ty cổ phần Thủy sản Yên Bái.
Qua kiểm tra 18 doanh nghiệp đang quản lý sử dụng 3.128 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 34%, cho thấy, các doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho công nhân. (Công ty cổ phần May Yên Bái, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái, Công ty cổ phần Mông Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Thành Hương, Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến). 10 doanh nghiệp đang sử dụng 277 máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, trong đó, 24 thiết bị, máy móc chưa đăng ký theo quyết định của pháp luật, chủ yếu ở Công ty cổ phần Mông Sơn, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến.
Điều đáng nói là có 7/18 doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền 3,240 tỷ đồng. Trong đó Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, Công ty cổ phần Đá trắng Vinaconex… nên 145 lao động vẫn chưa được thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, với tổng số tiền 131,766 triệu đồng..
Những sai phạm về ATVSLĐ &PCCN trong các doanh nghiệp là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các vụ TNLĐ trên địa bàn.
Nỗi đau bất hạnh...
Qua điều tra, thống kê của LĐLĐ tỉnh, tần suất TNLĐ nặng và chết người ngày một tăng. Năm 2010 xảy ra 14 TNLĐ nặng, làm 2 người tử vong. Năm 2011 xảy ra 22 vụ TNLĐ nặng làm chết 3 người. 5 tháng đầu năm 2012 xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 3 người.
Theo ông Lê Văn Lương - Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Số vụ TNLĐ nặng và chết người vẫn là khiêm tốn khi trên địa bàn có trên 1.400 doanh nghiệp, gần 200 điểm mỏ thăm dò và khai thác; quản lý sử dụng hàng nghìn lao động. Việc doanh nghiệp không khai báo TNLĐ, vi phạm điều 103 Bộ Luật Lao động là không tránh khỏi”. Chúng tôi đến thăm một số gia đình công nhân bị TNLĐ…
Ông Bùi Văn Toản thường trú tại tổ 33 phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái đau xót: “Con tôi là Bùi Quang Trung, sinh năm 1985 là công nhân lái xe đổ bê tông thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đồng Tâm Xanh. Vào hồi 7 giờ 15 phút, ngày 20/12/2010, cháu chuẩn bị đổ bê tông mái nhà tầng 3 cho gia đình ông Nguyễn Công Bằng, tổ 13 thị trấn Yên Bình bị điện giật đã tử vong. Mặc dù Công ty lo hậu sự chu đáo, song vẫn để lại nỗi đau vô hạn đối với gia đình. Đặc biệt đối với vợ cháu là Trần Thị Cúc, lúc đó đang mang thai đứa con thứ 2. Hiện tại ba mẹ con ở cùng gia đình, cháu Cúc không có nghề nghiệp, hàng ngày bươn chải lo cuộc sống nuôi hai con…”.
Chị Lê Thị Hương thường trú tại tổ 19 phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái nói trong nước mắt: “Chồng em là Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1981 là công nhân bậc 4/7 thuộc Công ty Điện lực Yên Bái, làm việc tại chi nhánh điện Văn Yên.
Vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 13/9/2011, anh Hiếu được phân công nhiệm vụ, trèo lên trạm biến áp thôn 1 xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên) để kiểm tra. Do vi phạm khoảng cách an toàn điện, điện áp 35KV phóng điện cảm ứng gây tử vong. Tại nạn như “sét đánh” làm suy sụp quá lớn về tinh thần cho gia đình.
Điều đáng nói là chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xi măng Yên Bái liên tiếp xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng: ngày 6/3/2012 anh Lương Văn Dược sinh năm 1971 bậc thợ 6/7 thực hiện nhiệm vụ trực 2 băng tải 02.03 và 02.04. Vào khoảng 10 giờ 50 phút hết ca sản xuất, mọi người “giật mình” thấy anh Dược đã tử vong nằm kẹt trong hai băng tải.
TNLĐ đã để lại nỗi đau, “gánh nặng” cho chị Trần Thị Tình (vợ anh Dược). Chồng mất sớm, một nách nuôi hai con nhỏ và mẹ già 83 tuổi. Mới đây vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 20/5/2012 tại mỏ đá xã Mông Sơn (Yên Bình) đã bị sập mỏ vùi chết hai công nhân là Nguyễn Ngọc Lê sinh năm 1972 và Đặng Ngọc Bộ sinh năm 1985…
Thay lời kết
Để giảm thiểu thấp nhất về TNLĐ, không ngừng chăm lo đến sức khỏe, tính mạng người lao động, thời gian tới các ngành chức năng cần tiếp tục chủ động và tăng cường phối hợp đồng bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATVSLĐ&PCCN, siết chặt biện pháp xử lý các doanh nghiệp coi thường pháp luật lao động. Kiên quyết khởi tố doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng ATLĐ theo điều 227 Bộ Luật hình sự.
Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc