(VnMedia) - Sáng 12/7, Hội đồng Nhân dân Hà Nội bước vào phiên chất vấn, với phần mở đầu của Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi về việc sử dụng và quản lý các hồ và công viên.
>>>“Hà Nội có cái khó riêng trong chống ùn tắc”
Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã báo cáo tóm tắt về việc quản lý và sử dụng một số công viên và hồ lớn theo chất vấn của các đại biểu.
Về Công viên Tuổi trẻ, ông Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, công viên này được UBND thành phố phê duyệt cuối năm 2000 có quy mô 26,4 ha với tính chất là công viên cấp thành phố, phục vụ nhu cầu văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, nghỉ ngơi của nhân dân.
Công viên có diện tích 249.783 m2, tới nay đã hoàn thành hơn 180.000 m2, gồm: 2 hồ nước có diện tích là: 103.083 m2 và diện tích đất khu vực giáp phố Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn với diện tích là 77.688m2 .
Trên diện tích đã GPMB, hiện đã đầu tư một số hạng mục công trình như: bể bơi, công viên nước, tượng đài Võ Thị Sáu, nhà hát ngoài trời, sân thi đấu tennis có mái che, cầu qua hồ, nhà hàng ven hồ, kè hồ và đường dạo quanh hồ, cổng và hàng rào tại các khu vực giáp phố Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn, cây xanh thảm cỏ, điện chiếu sáng…
Theo ông Phó Chủ tịch, song song với quá trình đầu tư, nhiều hoạt động trong công viên đã bước đầu đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và thanh niên. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công viên có một số hạn chế, tồn tại, sai phạm gây bức xúc trong nhân dân: Các hạng mục xây dựng trong công viên từ những năm 2001 - 2007 phần lớn không có giấy phép xây dựng; tổng số 29 hạng mục đầu tư trong giai đoạn này có 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục.
"UBND thành phố đang chỉ đạo quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 dự án, xây dựng khu tái định cư, hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2013.", ông Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết.
Về Công viên Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, công viên có quy mô 20 ha, được khánh thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Tới nay, một số tồn tại trong quá trình quản lý khai thác sử dụng hư hỏng phát sinh đã được các nhà thầu thực hiện chế độ bảo hành, khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình. Các hạng mục thuộc công viên Hòa Bình đã được vận hành tốt, không để xảy ra sự cố nào.
|
Đại biểu HĐND chất vấn các vấn đề nóng của Thủ đô. Ảnh: Xuân Tùng |
Tuy nhiên, do lượng khách đến công viên ngày càng đông, ý thức của một số người dân chưa tốt nên còn hiện tượng xả rác trong công viên gây ảnh hưởng cảnh quan chung; một số các trường hợp lấn chiếm hè đường, bên ngoài để dựng lều lán để kinh doanh, buôn bán, dịch vụ không đúng qui định, làm mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ngoài khu vực Công viên Hòa Bình.
Sau phần trả lời của ông Khôi, nhiều đại biểu đã đăng ký tái chất vấn. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Tấn Thịnh, Trần Thị Vân Hoa… đều hỏi vị Phó Chủ tịch thành phố về những sai phạm trong quy hoạch hai công viên nói trên.
“Các sai phạm của công ty quản lý công viên đã diễn ra 10 năm, thành phố đã 2 kỳ chất vấn và hứa sẽ thay thế chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hiện các sai phạm đang có dấu hiệu phạm pháp hình sự, thành phố có giải pháp gì?”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Hà Nội chất vấn.
Trả lời trong phần tái chất vấn, ông Khôi không trả lời thẳng vào vấn đề mà cho biết, xã hội hoá công viên ở Hà Nội hiện nay đang hết sức khó khăn. Ngay Công viên Thống Nhất có 3 nhà đầu tư tham gia nhưng nếu thực hiện sẽ phá vỡ quy hoạch. Các công viên khác nhà đầu tư khi vào cũng xin điều chỉnh quy hoạch phục vụ kinh doanh nên phá vỡ quy hoạch cho nên không thực hiện được. Sở dĩ như vậy là do đầu tư theo hình thức xã hội hoá buộc phải có dự án để bù đắp chi phí khi thực hiện.
“Hiện nay, thành phố chỉ có 2 công viên thực hiện theo hình thức xã hội hoá thành công là Dịch Vọng và Yên Sở. Công viên Dịch Vọng thì đã hoàn thành và đưa vào sử dụng rất tốt còn Công viên Yên Sở đang trong quá trình hoàn thành”, ông Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định.
Với Công viên Tuổi trẻ, ông Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết: “Vấn đề dẫn đến quản lý lỏng có nhiều nguyên nhân nhưng có sự phân cấp. Với những sai phạm trong công viên Tuổi trẻ, còn nhiều hạng mục sử dụng sai mục đích, UBND thành phố đã chỉ đạo trong quý IV/2012 sẽ xử lý dứt điểm và giải toả xong các công trình sai phạm. Tháng 11/2012, thành phố sẽ chuyển đổi mô hình quản lý công viên này theo mô hình quản lý công ích nhà nước”.
Sau phần trả lời về Công viên Tuổi trẻ, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi trả lời lướt qua về những sai phạm và biện pháp xử lý sai phạm tại các công viên: Thủ Lệ và Hoà Bình. Không hải lòng với phần trả lời của vị Phó Chủ tịch UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đã đặt câu hỏi tái chất vấn và yêu cầu “Chủ tịch HĐND cho đồng chí Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc trả lời tôi cho sâu hơn câu hỏi tái chất vấn về hồ Thành Công và Công viên Tuổi trẻ”.
Sau khi Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi tiếp tục trả lời về những sai phạm trong Công viên Tuổi trẻ, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội trả lời bổ sung. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: hồ Thành Công đã được UBND thành phố phê duyệt cuối 2004, cho đến nay các lô đất vẫn giữ đúng ranh giới theo quy hoạch. Do trả lời lòng vòng nên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đã bị Chủ tịch HĐND nhắc “cần trả lời đúng vào câu hỏi”.
“Công viên Tuổi trẻ, tên sao lại chuyển thành Trung tâm Thanh thiếu niên sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nhưng có thể khẳng định là vẫn giữ nguyên tính chất của công viên theo quy hoạch ban đầu”, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định kết thúc phần trả lời của mình.
Quá không hài lòng về 2 phần trả lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, đại biểu Lê Văn Hoạt bức xúc: "Câu hỏi của đại biểu nêu rất rõ, rất cụ thể nhưng qua hai lần trả lời vừa rồi tôi thấy chưa rõ trách nhiệm. Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì nếu chúng ta không thay đổi thì sau phiên chất vấn này sẽ không giải quyết được việc gì. Phải xác định rõ trách nhiệm của các UBND, các quận, huyện trong việc để xảy ra các sự việc như vậy".
Ý kiến bạn đọc