(VnMedia) - Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã không làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là việc quản lý các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài. Điều này khiến dư luận bức xúc, đặt câu hỏi....
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Nguyễn Khắc Hiền và các cộng sự như Chánh, Phó Thanh tra Sở thì cho rằng, họ đã làm “rất trách nhiệm” và theo đúng luật. Chỉ có điều, thực tế có nhiều bất cập và khó khăn mà bản thân các vị Thanh tra dù đã cố gắng hết mức với cả tâm và sức vẫn không thể làm hơn được.
Hàng loạt lý do…
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau khi Luật khám chữa bệnh số 40/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, một thời gian dài sau vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở trong việc thực hiện đăng ký xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho các thầy thuốc người nước ngoài.
Trong khi đó, việc thầy thuốc quốc tịch Trung Quốc về nước, thôi không hành nghề khám, chữa bệnh hoặc chuyển đến cơ sở khác nhưng không được các cơ sở báo cáo kịp thời với Sở Y tế, do đó gây khó khăn trong công tác thống kê, quản lý, thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế và các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ông Hiền cũng rằng, một số người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh và chủ đầu tư của các doanh nghiệp chưa nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam như: Cần phải có chứng chỉ hành nghề và giấy cho phép của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến tình trạng một số cơ sở tự động cho phép người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh dạng thử việc tại phòng khám mà chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa có thủ tục pháp lý đầy đủ và chưa được sự cho phép của Sở Y tế.
Ông Giám đốc Sở Y tế cũng nêu lên một thực tế khác, rất phổ biến, đó là các cơ sở hành nghề dành quá nhiều thời lượng cho quảng cáo, thực hiện quảng cáo quá vi phạm đã được phê duyệt.
Thêm vào đó, việc vi phạm các quy chế chuyên môn bao gồm việc thực hiện kê đơn thuốc không ghi rõ và đầy đủ danh pháp quốc tế, sử dụng thuốc chưa được Bộ Y tế phê duyệt, một số cơ sở thực hiện thu tiền dịch vụ y tế chưa được niêm yết giá hoặc thu tiền cao hơn mức giá đã niêm yết, vi phạm quy chế chuyên môn về bảo quản thuốc cũng được Sở Y tế nhìn nhận là một tồn tại và bất cập.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, việc quản lý về hộ tịch đối với người nước ngoài của các cơ quan chức năng còn thực hiện chưa được chặt chẽ cũng gây khó khăn cho Sở Y tế trong việc kiểm tra, quản lý các phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Mặc dù "kêu" đủ thứ khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra nhưng sau khi có nạn nhân tử vong, Sở Y tế lại dễ dàng kiểm tra và phát hiện, đình chỉ hoạt động của phòng khám 59 Khương Trung |
Trong 7 khó khăn và tồn tại, duy nhất một lý do chủ quan được ông Giám đốc Sở Y tế nêu ra, đó là công tác kiểm tra hậu kiểm của Sở này đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài chưa được thường xuyên và các hình thức xử phạt chưa có tính răn đe.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì đây lại chính là lý do quan trọng nhất dẫn đến hầu hết những tồn tại của các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài.
Với lý do thứ nhất, chẳng lẽ vì việc đăng ký xin cấp phép chứng chỉ hành nghề chưa có thông tư hướng dẫn nên các cơ sở đó đã ngang nhiên để những người nước ngoài chưa được cấp phép vào làm việc tại các phòng khám, vi phạm pháp luật Việt
Thứ hai, càng không thể nói vì các cơ sở không báo cáo kịp thời việc các “thầy thuốc” Trung Quốc về nước, thôi việc, chuyển cơ sở… nên khó khăn trong công tác thống kê. Nhiệm vụ của Sở Y tế là quản lý, vậy thì Sở này không thể chỉ ngồi để chờ báo cáo. Nếu các cơ sở tiếp tục không báo cáo thì Sở cũng… bó tay sao? Điều này đã được minh chứng trên thực tế, bởi dù vẫn những khó khăn đó, nhưng ngay sau khi có vụ nạn nhân Phong tử vong, Sở Y tế vào cuộc quyết liệt thì bức tranh toàn cảnh về các phòng khám có yếu tố nước ngoài đã được liệt kê chi tiết, rõ ràng.
Thứ 3, càng không thể chấp nhận cách lý giải là các chủ đầu tư hoặc những người phụ trách chuyên môn không nắm vững quy định của pháp luật rằng người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh tại Việt Nam phải có chứng chỉ hành nghề và giấy phép của Sở Y tế. Điều này quá ư “hoang đường”, bởi ai cũng biết, ngay cả một người Việt Nam, nếu không có giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề thì cũng không được phép tham gia khám chữa bệnh.
Thứ 4, việc các cơ sở này quảng cáo “vống” lên thì chỉ có những người cấp phép quảng cáo mới biết thực tế họ cấp nội dung gì, và việc thực hiện có quá hay không. Việc quảng cáo này công khai, ra rả trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, không thể nói là những người quản lý ngành y tế của Hà Nội không nghe, không xem và không biết.
Trong khi Sở Y tế kêu khó trong việc rút giấy phép hoạt động của các phòng khám khi phát hiện ra các sai phạm có tính hệ thống, kéo dài là do quy định của luật cũng là điều cần phải nhắc đến. Bởi, Sở Y tế không chỉ có mỗi nhiệm vụ đi kiểm tra, thực hiện phạt hành chính cho hết trách nhiệm, mà họ còn có chức năng tham mưu kịp thời về mặt chính sách.
Chí ít thì việc phát hiện các vi phạm về quy chế chuyên môn của các phòng khám cũng phải được Sở Y tế chủ động thông báo đến các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin cho người dân biết mà tránh xa cạm bẫy.
Đây cũng chính là điều mà nhiều nhà báo đã lên tiếng tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy hôm thứ 3 vừa qua. Theo đó, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” về “vấn nạn” phòng khám có yếu tố nước ngoài, thì tại cuộc gặp gỡ để “răn đe” các cơ sở khám chữa bệnh mới đây, các phóng viên báo đài đã không được mời tham dự.
Đến giờ phút này, sau khi xảy ra cái chết của nạn nhân Phong, và không thể tính được bao nhiêu tiền của của người dân đổ vào các phòng khám có yếu tố nước ngoài mà vẫn "tiền mất tật mang", sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ (dù trước đó rất nhiều báo đã cảnh báo) và cơ quan công an đã vào cuộc thì Sở Y tế mới kiến nghị rằng, khi phát hiện ra sai phạm sẽ phối hợp với báo chí để thông tin các sai phạm đó, cũng như đề xuất tùy theo sai phạm mà tước giấy phép ngay từ lần đầu tiên.
Nếu điều này được làm sớm hơn, kịp thời hơn thì biết đâu, chị Phong đã không đến khám ở phòng khám Maria và cái chết tức tưởi của chị đã không xảy ra? và bao nhiêu người đã không phải bán trâu bán nhà bỏ tiền vào các phòng khám đó.
Ý kiến bạn đọc