Phát triển đô thị không hợp lý làm tăng nguy cơ lũ lụt

06:48, 26/07/2012
|

(VnMedia_ - Thành phố Quy Nhơn những năm gần đây đang có kế hoạch phát triển đô thị về phía hạ lưu sông Hà Thanh. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, điều này càng làm trầm trọng thêm tác động của cơn lũ lịch sử tháng 11/2009…


Nghiên cứu do TS. Michael DiGregorio và ThS. Huỳnh Cao Vân thực hiện theo yêu cầu của Văn phòng Điều phối về Biến đổi Khí hậu (CCCO) tỉnh Bình Định là một trong nhiều hợp phần của một dự án nghiên cứu tác động tương hỗ của chế độ thủy văn và đô thị hóa đối với một khu vực hạ lưu sông.

 Ảnh minh họa

 Quy Nhơn đang phát triển đô thị về phía Hạ lưu sông Hà Thanh, điều này được cho là làm trầm trọng thêm tác động của cơn lũ lịch sử năm 2009


Nghiên cứu này ở Quy Nhơn cũng được giới thiệu trong hội thảo chương trình Cộng đồng Hành động Thích ứng với biến đổi khí hậu ở thành phố Đà Nẵng ngày 25/07/2012.


Theo dự báo của Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường thì biến đổi khí hậu sẽ khiến bão xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn ở khu vực miền Trung Việt Nam, và vì thế, ông Đinh Văn Tiên, phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc CCCO tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là nghiên cứu rõ về những nguyên nhân và tác động của một cơn lũ lịch sử mới xảy ra gần đây, năm 2009 và dự báo sẽ thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.”

   

"Chúng ta biết rằng biến đổi khí hậu là một hiểm họa nghiêm trọng đối với cuộc sống và hoạt động kiếm sống của người dân Việt Nam nhưng rất nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà chúng ta phải đối mặt hiện nay đang trở nên ngày càng trầm trọng hơn do việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, và khu sản xuất công nghiệp ở những địa điểm không phù hợp,”TS. DiGregorio phát biểu.

 Ảnh minh họa

ThS. Huỳnh Cao Vân đang đứng trên con đường được cho là góp phần làm ngăn dòng chảy của nước, làm gia tăng tình trạng ngập lụt ở Quy Nhơn


Càng chặn dòng nước, càng tăng ngập lụt

 

Kết hợp phỏng vấn người dân địa phương với các hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã minh họa lại trên bản đồ diễn biến của cơn lũ tháng 11/2009 ở khu vực hạ lưu sông Hà Thanh, và dựa vào các phát hiện của dự án, tiến hành đánh giá hệ thống kiểm soát lũ và chống lụt của thành phố, đánh giá các tác động của những thay đổi về địa hình, địa vật gần đây trong khu vực, và đánh giá tính phù hợp của bản Quy hoạch xây dựng phường Nhơn Bình và Quy hoạch Tổng thể xây dựng hiện nay của thành phố Quy Nhơn.

 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, vào mùa lụt hàng năm thường xuyên có nước chảy tràn qua nơi cư trú và sản xuất của người dân sinh sống ở vùng hạ lưu nên họ đã biết trước và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các trận lụt theo mùa.

 Ảnh minh họa

 Khu đất này được san lấp để làm một nhà máy xử lý nước thải cho Thành phố, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nó làm ngăn dòng chảy vốn giúp cho nước lũ thoát ra khỏi thành phố nhanh hơn


 
“Đó là quy luật của tự nhiên,” TS. DiGregorio phát biểu, trích lời ông Trần Văn Trí, một nông dân ở Luật Lễ. TS. DiGregorio còn cho biết, khi chưa có nhiều công trình cản nước như đường xá và các khu đô thị mới trong vùng chảy tràn mùa lụt, nước lũ sẽ nhanh chóng thoát ra đầm Thị Nại.

 Ảnh minh họa

Anh Trần Văn Giải Phóng, Chuyên gia kỹ thuật của ISET tại Việt Nam đang đứng bên cạnh một khu đầm ở hạ nguồn mà người ta bơm cát lấp đầm để xây khu đô thị


“Phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi, cũng là điều mà người nông dân ở khu vực hạ lưu sông Hà Thanh đã biết rất rõ từ nhiều thế kỷ nay là: Bất cứ cái gì chặn dòng chảy của nước vào đầm Thị Nại cũng sẽ làm tăng ngập lụt. Tháng 11/2009, nước lũ đã không chảy tràn đều trên mặt đất và thoát vào đầm Thị Nại, mà tràn ngược trở lại do bị chặn bởi các con đê và đường xá." TS. DiGregorio nói.

Ông còn thêm rằng: “Chúng ta phải coi trọng kinh nghiệm của những người dân đã sinh sống ở đây cả đời, bởi những bằng chứng từ trận lụt năm 2009 cho ta thấy rằng họ đã đúng.” Ra đến gần 200m bên ngoài đê Đông, trên một khu vực bằng phẳng và tương đối mở ở gần đầm Thị Nại, mức lũ đã rút đi một nửa. Đến khi chảy ra đến bờ đầm ở cổng Hưng Thạnh, nước lũ chỉ ngập sâu 40 cm.

 

"Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa đối với Quy Nhơn mà nó còn chỉ ra những vấn đề chung đối với rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam. Ông Trần Văn Giải Phóng, Chuyên gia kỹ thuật của ISET tại Việt Nam, Giảng viên trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế phát biểu. “Vấn đề là ngay cả khi cố gắng bảo vệ các khu vực này bằng cách xây đê kè, người ta chỉ có thể đẩy nước lũ đi và chuyển nguy cơ ra một khu vực khác.” - ông Phóng nói thêm.

 

Những người sinh sống ở Quy Nhơn hẳn không bao giờ quên cơn lũ lịch sử tháng 11/2009, khi chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã nhấn chìm thành phố nằm ngay ven biển này trong nước lũ cao hàng mét. 7 người đã thiệt mạng và thiệt hại vật chất ước lên tới 22 triệu USD chỉ tính riêng ở thành phố Quy Nhơn.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc