Những pha sang đường kỳ lạ của người Thủ đô

05:57, 24/07/2012
|

(VnMedia)Đầu giờ sáng, trên đường Giải Phóng (Hà Nội), các phương tiện đang lao vun vút, chợt giật thót mình trước cảnh một thanh niên đang trèo qua dải phân cách cứng giữa đường. Cách đó không xa, một nhóm 3 cô gái đang chui qua khe hở của hàng rào sắt để sang đường.

>>>Giao thông càng hiện đại càng có cơ hội... phạm luật?!

>>>Hà Nội náo loạn với "cuộc chiến" giành đường

>>>Báo động đỏ văn hóa giao thông Thủ đô?!
 
Câu chuyện thiếu ý thức khi tham gia giao thông ở Thủ đô không chỉ bộc lộ qua việc hễ cứ tắc đường là phóng xe lên vỉa hè, động va chạm giao thông là “chiến” hay vượt đèn chờ, lấn làn đường… mà còn thể hiện khá rõ qua việc sang đường khá tùy tiện, tiện đâu băng đó của một số người đi bộ khi tham gia giao thông.
 
Ngăn đường thì trèo qua hàng rào
 
Sáng đầu tuần tháng 7, dòng người điều khiển phương tiện đang lao vun vút trên mặt đường để đến công sở cho kịp giờ làm việc. Đang điều khiển xe phóng nhanh, nhiều người bỗng giật thót mình trước cảnh, tại dải phân cách cứng giữa đường, một nam thanh niên đang trèo qua hàng rào bằng thép để chuẩn bị sang đường. Cách đó một đoạn, người tham gia giao thông lại chứng kiến, nhóm 2-3 cô gái có cách sang đường “an toàn” khá kỳ lạ là lách qua khe hở của hàng rào thép ở giữa dải phân cách để sang đường.
 
Chuyện là trên tuyến này, để đảm bảo an toàn cho xe cộ và hạn chế người đi bộ băng đường không đúng nơi quy định, Hà Nội cho dựng hàng rào bằng thép cao khoảng 1,2 mét tại dải phân cách giữa đường, đồng thời bố trí các điểm sang đường cho người đi bộ tại các ngã ba, ngã tư có kẻ vạch ưu tiên.
 
Thế nhưng, bất chấp “vật cản” trên, nhiều người khi có nhu cầu sang đường trên tuyến này sẵn sàng băng cắt mặt đường ở bất cứ điểm nào và khi gặp hàng rào thép chắn ngang đường thì trèo qua. Số khác không trèo được thì tìm các khe hở để lách qua.
 
Quan sát của VnMedia cho thấy, trên tuyến đường này, đoạn gần cây xăng Giải Phóng là hay có người đi bộ trèo và chui qua dải phân cách cứng để sang đường nhiều nhất. Do gần vị trí này, có 2 bến xe buýt ở 2 bên đường, cho nên mỗi lần chuyển bến xe buýt, đa phần các bạn trẻ số thì tìm khe hở ở hàng rào phân cách để chui sang đường, số thì trèo qua dải phân cách để sang bến buýt đối diện cho nhanh.

 Ảnh minh họa

Thói quen sang đường không giống ai của người Thủ đô. Ảnh: Ngọc Lân


“Cách bến buýt một đoạn chỉ khoảng 100 mét có ngã ba có vạch vôi dành cho người đi bộ sang đường nhưng không hiểu sao một số người cứ trèo qua dải phân cách để sang đường. Nhiều hôm đi làm qua đoạn đường này, chứng kiến cảnh các bạn trẻ trèo qua dải phân cách sang đường mà tôi cứ thót cả tim”, chị Minh Thùy, nhà phố Định Công (Hà Nội) lắc đầu khi chứng kiến cảnh một nam thanh niên trèo qua dải phân cách trên đường Giải Phóng để sang đường.
 
Không chỉ xảy ra với đường Giải Phóng, thời điểm này, việc người đi bộ mỗi khi sang đường trèo qua dải phân cách cứng xuất hiện khá nhiều ở một số tuyến đường khác: Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học….
 
Giống như đường Giải Phóng, tại các tuyến đường trên, để hạn chế người đi bộ băng đường tùy tiện gây nguy hiểm cho tính mạng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cho dựng hàng rào bằng thép cao từ 50cm -1,2 m giữa đường. Thế nhưng, nhiều người vẫn coi những hàng rào này như không, họ vẫn cứ băng đường bất cứ chỗ nào họ muốn.
 
Khoảng 9h sáng 20/7, có mặt trên phố Tôn Đức Thắng nửa tiếng, VnMedia chứng kiến khoảng 4-5 trường hợp cả nam lẫn nữ trèo qua dải phân cách cứng bằng sắt cao khoảng 50 cm để sang đường. Theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến này cứ khoảng 100 -200 mét lại có một chỗ sang đường với vạch vôi ưu tiên dành cho người đi bộ nhưng nhiều người cứ tiện đâu băng đó, bất chấp dải phân cách đường cao hay thấp.
 
Thích băng đường hơn đi cầu vượt
 
Không chỉ chui hay trèo qua dải phân cách cứng giữa đường, nhiều người ở Thủ đô có thói quen “thích” băng đường cắt mặt ô tô, xe máy đang lao đi vun vút hơn là đi trên cầu vượt.
 
Vài năm trở lại đây, để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông cho người đi bộ sang đường, Hà Nội đã cho xây dựng một loạt cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường tại một số tuyến phố. Thế nhưng, không phải ai cũng có thói quen sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ khi qua đường.
 
Đầu giờ chiều trung tuần tháng 6, có mặt trên đường Tây Sơn, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp người đi bộ phớt lờ cầu vượt khi sang đường. Tại tuyến đường này, ngay trước cổng Đại học Công Đoàn có một cây cầu vượt dành cho sinh viên và người dân khi đi bộ sang đường sử dụng nhưng một số sinh viên vẫn vô tư băng đường bất chấp nguy hiểm. 

 Ảnh minh họa

 Người đi bộ phớt cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Xuân Tùng


Buổi chiều hôm đó, có mặt tại điểm cầu này nửa tiếng, VnMedia ghi nhận 5-6 trường hợp sinh viên và người dân phớt lờ cầu vượt khi sang đường. Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi kết thúc ca học sang đường bắt xe buýt về nhà, do muốn đi thẳng sang bến xe buýt nên đã không sử dụng cầu vượt mà băng cắt mặt đường mặc cho tiếng còi xe bấm liên hồi phía sau. Trong khi đó, một số hộ dân sống mặt phố khi cần sang đường thì cũng đi cắt đầu ô tô, xe máy để sang bên kia đường mặc dù cầu vượt chỉ cách khoảng 100 mét.

Tham gia giao thông trên tuyến này, chứng kiến cảnh người đi bộ phớt cầu vượt, bác Nguyễn Văn Phúc cho biết, tôi từng đi nước ngoài nhiều. Ở một số nước như Hồng Kông hay Singapore người ta sang đường rất tuân thủ pháp luật. Đi đúng vạch đường. Tại các điểm sang đường chỉ cần thấy người đi bộ đứng chờ sang đường là các phương tiện tham gia giao thông nhường đường cho người đi bộ chứ không đâu sang đường bừa bãi như ở Việt Nam. Tiện đâu sang đó.
 
“Nhiều người Việt Nam rất lạ. Khi ở nước ngoài thì sang đường rất đúng nơi quy định, đi đúng vạch vôi, đúng tín hiệu đèn ưu tiên. Thậm chí, đi bộ hàng trăm mét để tìm vạch sang đường nhưng không hiểu sao cứ về nước là tiện đâu băng đó. Cứ tham gia giao thông tùy tiện như vậy thì làm sao ý thức văn hóa giao thông của ta khá lên được”, bác Phúc lắc đầu.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc