(VnMedia) - Mặc dù được giao vận hành gầm cầu Thanh Trì để trông giữ ô tô, xe máy nhưng sau khi tiếp nhận, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tự đổ đất, phế thải xây dựng, ngăn dòng thoát lũ của sông Hồng. Vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm qua, cho dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc, với hàng loạt văn bản...
>>Xẻ thịt đê điều vì mục đích cá nhân
Vi phạm kéo dài và… gian nan xử lý
Ngày 20/5/2011, Sở GTVT đã có quyết định giao cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tạm tiếp nhận, quản lý, duy trì và vận hành diện tích khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì để sử dụng vào mục đích trông giữ xe ô tô, xe máy. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, công ty này đã tự ý đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng mà chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Điều đáng nói, đây là vị trí nằm trong khu vực thoát lũ.
Trước tình hình đó, ngày 13/7/2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản số 1157/SNN-ĐĐ khẳng định không chấp thuận dự án xây dựng điểm đỗ xe khu vực gầm cầu Thanh Trì từ trụ số 31 đến trụ số 44 thuộc bãi sông Hồng, Phường Thanh Trì quận Hoàng Mai. Việc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tự đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng là vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần, với hàng loạt văn bản, sự việc vẫn "đâu đóng đấy". Bất lực trước tình trạng vi phạm kéo dài của Công ty này, sau đó hơn nửa năm, ngày 23/4/2012, UBND quận Hoàng Mai đã 2 lần gửi văn bản “cầu cứu” UBND thành phố Hà Nội “chỉ đạo Công an, Thanh tra Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông vận tải thống nhất xem xét tình hình vi phạm của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tại khu vực gầm cầu Thanh Trì để xử lý theo quy định”.
Đến ngày 18/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì buổi họp với các đại diện của Công an Thành phố, Sở GTVT, Ban chỉ huy PCLB quận Hoàng Mai, Chi cục đê điều và PCLB Hà Nội. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất giao Chi cục đê điều và PCLB Thành phố làm việc với Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để thông báo về các vi phạm và biện pháp xử lý.
Một tổ công tác do đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã được thành lập để thu thập chứng cứ và đề xuất xử lý. Trong lúc đó, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thanh Trì được giao nhiệm vụ tiếp tục duy trì trực chống đổ phế thải tại chân cầu Thanh Trì.
Tuy nhiên, tất cả những việc làm trên vẫn không có kết quả. Đến lúc này, quận Hoàng Mai đã phải đề nghị UBND Thành phố có biện pháp để xử lý dứt điểm vi phạm của công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, ra “tối hậu thư” là sau ngày 15/7/2012, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội không tự khắc phục bốc xúc toàn bộ đất, phế thải đã đổ trái phép… thì cho phép tổ chức cưỡng chế.
Đoạn gầm cầu Thanh Trì này trước đây rất trũng, nhưng nay đã bị đổ phế thải lấp cao. Trong ảnh: việc xúc đất, hoàn trả lại dòng chảy đang được thực hiện hôm 17/7 |
Thành phố lại yêu cầu... dừng vi phạm
Trước tình hình vi phạm kéo dài với hàng loạt văn bản của các cơ quan chức năng nhưng không hiệu quả nói trên, ngày 11/7, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND quận Hoàng Mai, Công an Thành phố, Sở GTVT hoàn thiện hồ sơ về sự vi phạm pháp luật đê điều; tổ chức cưỡng chế nếu Công ty này tiếp tục vi phạm, xong trước ngày 31/7/2012.
Sau khi cưỡng chế, bốc xúc toàn bộ đất phế thải, nếu Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tiếp tục đổ đất, phế thải xây dựng trong khu vực được giao quản lý, Công ty Thành phố sẽ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, theo kết luận kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn toàn bộ khu vực gầm cầu đã được san phẳng, đầm chặt, cao hơn mặt đê bối khoảng 2m, mặt rộng khoảng 30m (như một tuyến đập chắn ngang dòng chảy lũ.)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, hành vi trên đã vi phạm khoản 7, khoản 10 Điều 7, Điều 26 Luật Đê điều; Điều 14 Pháp lệnh phòng chống lụt bão, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thoát lũ của Sông Hồng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm đã không được ngăn chặn kịp thời.
Kết luận trên có lẽ đã được minh chứng bởi sau hơn một năm được giao quản lý gầm cầu, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã liên tục vi phạm pháp lệnh đê điều, nhưng cho đến thời điểm này, quyết định của UBND Thành phố Hà Nội vẫn chỉ là yêu cầu dừng vi phạm và khắc phục hậu quả. Như vậy cũng có nghĩa là, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục được giao nhiệm vụ quản lý gầm cầu Thanh Trì sau tất cả những vi phạm nói trên.
Mất tiền tỉ để khắc phục hậu quả |
Hành trình giải quyết vụ việc |
Ý kiến bạn đọc