(VnMedia) - Với 100% số đại biểu có mặt tán thành, sáng 11/7, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Thành phố cần cụ thể hơn giải pháp về vốn, làm sao để vốn ưu đãi đến được với doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch.
Theo đó, các đại biểu đề nghị, trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, kiên quyết hạ lãi suất về dưới 15% đối với tất cả các khoản vay cũ và mới, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh vừa qua giá điện tăng thêm 5% làm doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.
Cùng với đó, các đại biểu khuyến nghị UBND Thành phố ban hành các giải pháp để tăng tổng cầu xã hội, kích cầu đầu tư nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bởi phát triển nông nghiệp sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, bình ổn một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm…
Đối với 6 tháng cuối năm, HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục tổ chức các buổi tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; ưu tiên bảo đảm ổn định điện cho sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu và các mục tiêu an sinh xã hội; phát triển thị trường nội địa, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Trước đó, trong chiều 10/7, thảo luận tại tổ, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, giải pháp cuối năm cần nhấn mạnh 3 điểm: thứ nhất, tác động vĩ mô cần làm thế nào để tăng tổng cầu. Theo đại biểu này, rất nhiều những dự án của các thành phần kinh tế có tính khả thi nhưng nhà nước cần tháo gỡ khó khăn thì mới thúc đẩy các dự án này lên được.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giúp các doanh nghiệp giải các bài toán tồn hàng, từ đó sẽ giải quyết được nợ xấu, công ăn việc làm.
“Chỗ này không có một tiền lệ nào cả, nhưng nhà nước nên hỗ trợ người Việt Nam dùng Việt Nam, hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp bán hàng tại các địa điểm xa, bán với giá thành hợp lý. Các Sở, Ngành cũng cần có giải pháp cụ thể.” – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội nói.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc