(VnMedia) - Không chỉ không tuân thủ luật giao thông, tranh thủ vượt đèn đỏ, trèo lên vỉa hè lúc tăng đường hay đi vào đường ngược chiều… khiến giao thông ở Thủ đô hỗn loạn, nhiều người còn sẵn sàng tranh cướp, cản đường xe cứu thương để đi nhanh hơn hoặc đơn giản chỉ là để cho… vui. Trong khi hành xử thiếu văn hoá như vậy, họ không biết rằng mình đang vô tình cản trở cơ hội được cứu sống của bệnh nhân, hay nói cách khác là họ đang “tiếp tay” cho thần chết…
Nhức nhối những sự vô cảm
3 giờ chiều, dù không phải là giờ tan tầm nhưng trên đường Khâm Thiên vẫn khá đông. Một chiếc xe cấp cứu vừa chạy nhanh, vừa hú còi inh ỏi. Người lái xe đang cố tranh thủ thời gian để chạy đua với thần chết vì có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đang chờ xe đến cấp cứu. Những người đi đường, một số từ từ dạt sang bên để nhường đường, nhưng rất nhiều người thì cố nhấn ga, chạy nhanh phía trước. Chiếc xe cấp cứu vì vậy vẫn phải chạy cầm chừng.
Bỗng một chiếc xe máy từ phía sau lách vào một khoảng hẹp, phóng vụt lên trước xe cấp cứu. Vài chiếc khác cũng bám đuôi theo, vượt lên, trong đó có cả những người phụ nữ, những bác trung niên. Đến ngã 4 Khâm Thiên - đường Giải Phóng, đèn đỏ, nhiều người đỗ lại ngay trước mũi xe cấp cứu. Nghe tiếng còi inh ỏi nhưng họ lúng túng không biết xử trí thế nào. Một cảnh sát giao thông ngay lập tức ra hiệu cho họ đi tiếp để mở đường cho xe cấp cứu. Có đường, chiếc xe vừa tăng ga định đi tiếp thì một chiếc xe máy từ phía sau bất ngờ tranh thủ lao lên “cướp đường”, tạt qua đầu xe cấp cứu để rẽ ra phía đường Giải Phóng. Quá bất ngờ, lái xe cấp cứu vội phanh gấp. Hú vía, chỉ tích tắc thôi là có thể một vụ tai nạn đã xảy ra.
Giờ tan tầm một chiều tháng 7, mưa rớt bão tầm tã. Tại nút giao thông Điện Biên Phủ - Trần Phủ, người đi lại đông như nêm cối. Ai cũng vội vàng, hối hả và căng thẳng tìm cách luồn lách để vượt lên trước người khác mong được về nhà sớm hơn. Nhưng sốt ruột nhất có lẽ là những người đang ngồi trên một chiếc xe cấp cứu. Lái xe hú còi liên tục nhưng chẳng có ai nhường đường. Không phải vì họ không muốn nhường, nhưng có lẽ, đường quá đông nên họ không biết dẹp đi đâu. Lái xe cấp cứu bất lực, thôi không bấm còi và chờ đợi dòng người nhích từng tí một. Người nhà nạn nhân nhìn ra đường trong ánh mắt đầy lo lắng, sốt ruột…
Đó là những cảnh không phải quá đặc biệt mà người ta vẫn thường thầy ở Hà Nội. Nhưng chính những cảnh có vẻ như bình thường đó lại cho thấy một điều thật nhức nhối: sự vô cảm với cả người có nguy cơ sắp chết!
Bất lực
7 năm làm lái xe cho Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, anh Đào Tuấn Anh không thể nhớ nổi có bao nhiêu lần mình phải đối mặt với những tình huống kiểu như trên, bởi đối với anh, chuyện bị chặn đường, cướp đường hay thậm chí… “cấm đường” là “chuyện hàng ngày ở huyện”.
Vừa nghe hỏi về vấn đề giao thông, dường như bị chạm đúng “nỗi đau” thường nhật, giọng khàn khàn, anh Tuấn Anh mở đầu bằng một câu đầy bất lực: “Giao thông của mình bây giờ ấy à, kinh khủng lắm. Chuyện tắc đường thì hàng ngày, còn chuyện bị len lách, tranh cướp đường, chặn đường… thì cũng xảy như cơm bữa… Họ không chỉ tranh đường với những người bình thường đang tham gia giao thông, mà còn cố tranh cả với xe cấp cứu.”
Không phải ai cũng có văn hoá nhường đường cho xe cấp cứu - ảnh Ngọc Lân |
Rồi với giọng buồn buồn, anh bắt đầu kể về những “chuyện thật như bịa” đó.
“Nói là chuyện gì để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất trong những lần đi cấp cứu thì tôi không thể nhớ được, bởi nó xảy ra hàng ngày, đến nỗi tôi đã quá quen với nó. Hầu như cứ 10 chuyến đi cấp cứu thì cũng có đến 5-6 chuyến có những tình huống nào đó xảy ra.
Chuyện tắc đường là điều dễ gặp nhất. Khi chúng tôi nhận lệnh của Trung tâm thì chỉ 2 phút sau là lên đường. Sưóng nhất là vào ban đêm, khi đường vắng chúng tôi đi rất nhanh mà vẫn an toàn. Nhiều khi đến nơi còn phải gọi cửa mãi người nhà mới ra mở cửa vì họ không ngờ mình đến nhanh thế. Nhưng vào giờ tan tầm thì để đến được nơi cần cấp cứu, chỉ trong khu vực nội thành thôi, cũng mất rất nhiều thời gian.
Đường Hà Nội đông như thế, nhiều khi họ có muốn nhường đường cũng chẳng biết tránh đi đâu. Và trong tình huống này thì chúng tôi đành chịu, người nhà bệnh nhân cũng đành chịu. Có sốt ruột, có lo lắng đến mấy thì cũng cứ ngồi yên trên xe mà chịu trận.
Tuy nhiên, bực nhất là những lúc đường không quá đông, nhưng chẳng ai chịu nhường đường cho xe cấp cứu.
Những kiểu phóng xe bạt mạng, vi phạm luật thì ai cũng biết là nó thường xảy ra. Nhưng ít nhất, đối với xe cấp cứu thì cũng phải khác. Đằng này, họ chả phân biệt gì. Xe cấp cứu thì được phép chạy nhanh, vì để cứu người mà. Thế nhưng, có những thanh niên, họ cố tình tranh đường, tạt ngang tạt dọc trước mũi xe. Anh em đi thì bức xúc nhưng không biết làm thế nào.
Có trường hợp, họ đi ngược chiều rồi lao thẳng vào trước mũi xe cấp cứu. Có người ngã ra, rồi lại dựng xe lên bỏ chạy. Nhưng có trường hợp họ lăn quay ra đấy. Dù trên xe của mình đang có bệnh nhân, nhưng rồi mình cũng phải xuống mà sơ cứu cho người ta. Nhiều lúc, anh em phải dừng chuyến cấp cứu đang thực hiện để đưa người ta vào viện cấp cứu.
Đường đông, xe cấp cứu muốn đi nhanh thì phải hú còi, nhưng người khó tính họ còn quát lên: còi gì mà còi lắm thế? Có nhiều người khác, họ thấy xe cấp cứu không có người ở trên xe nên không nhường đường. Họ cho rằng chúng tôi cứ hú còi bừa bãi. Nhưng đó là vì họ không hiểu. Bởi vì đó là lúc cực kỳ nguy cấp, khi xe cấp cứu đang đua tranh với tử thần. Chúng tôi càng đến nhanh, bệnh nhân càng có cơ hội được cứu sống.
Bức xúc ư, có chứ sao không. Mình là người lái xe. Trên xe, phía sau mình là người nhà bệnh nhân, lòng họ như lửa đốt, có khi còn đang khóc lóc vì sợ không kịp đến bệnh viện cấp cứu. Còn phía trước, trên đường đôi khi là những người vô cảm. Họ cứ dửng dưng với tiếng còi xe, chỉ coi chuyện phải đến cơ quan, phải về nhà của mình là quan trọng nhất. Phía sau họ, có người bệnh mà sự sống chết nhiều khi phụ thuộc vào chuyện đến bệnh viện nhanh hay chậm chỉ vài phút thôi. Thế mà họ coi như không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng chẳng lẽ dừng xe lại để đánh nhau với người ta? Thôi thì đành chịu. Xã hội bây giờ nó thế, biết làm thế nào được?
Nỗi lòng người thân bị cấp cứu
Mình chỉ là lái xe mà còn bức xúc như thế huống hồ người nhà bệnh nhân. Tôi nhớ có lần vào cấp cứu trong ngõ chợ
Còn ở chỗ đường hẹp, xe cộ lại để tràn xuống lòng đường, người nhà bệnh nhân nhiều khi phải xuống, tự tay mình dắt xe dẹp chỗ. Nhưng có khi đường không quá đông, họ cũng không nhường, cứ chen lên. Người trẻ có, người già có, đàn ông có, đàn bà có... Cứ thế, họ coi chiếc xe cấp cứu đang hú còi như chẳng liên quan gì đến họ. Có những trường hợp người nhà bức xúc quá, “khùng” lên, bảo dừng xe cho người ta xuống để “thế nọ thế kia”. Tuy nhiên, chúng tôi phải khuyên can, bởi mình mà dừng lại, họ đánh nhau thì có phải là phiền không?
Có những người không chịu nhường đường, nhưng có những lúc muốn nhường cũng chẳng biết tránh đi đâu. Phần đông, họ đều đang cố nhanh chóng để về nhà mình càng sớm càng tốt mà không biết rằng, họ đang vô tình tiếp tay cho thần chết - ảnh minh hoạ PL TPHCM |
Nhưng đúng là người ta bức xúc quá. Như một lần tôi đưa bệnh nhân về quê ở Sơn Tây. Bệnh nhân này do được tiên liệu xấu nên gia đình muốn đưa về nhà cho kịp. Ấy thế mà, trên đường, vài thanh niên cứ phóng xe lượn lờ trước mũi xe cấp cứu để trêu ngươi. Lúc họ đi nhanh thì mình đi nhanh được, lúc họ phanh lại, đi từ từ rồi lượn ra lượn vào, mình cũng phải đi từ từ. Trong lúc ấy, bọn chúng còn vừa lượn, vừa cười cợt có vẻ khoái trí lắm. Mình thì còi mà họ không tránh. Bệnh nhân này cuối cùng về đến nhà là tử vong. Chị bảo thế có đau lòng không?
Trường hợp chúng tôi đến mà bệnh nhân đã tử vong rồi thì không hiếm. Nhưng nói là họ chết vì xe cấp cứu đến muộn thì chẳng ai dám khẳng định. Người nhà cũng chỉ dám than thở: Sao các anh, các chị đến muộn thế? Chúng tôi chỉ dám nói một câu: Vâng, đường tắc quá! Chứ biết làm sao, nói sao vào lúc đó?
Nếu những ai từng phải chờ đợi xe cấp cứu đến đón người nhà trong vô vọng của giờ tan tầm, nếu những ai từng ngồi trên xe đưa người nhà đi cấp cứu mà phía trước, người ta cứ dửng dưng vô cảm không nhường đường hay thậm chí còn cố chen lên để tranh đường... có lẽ, họ sẽ thấu hiểu nỗi khổ của những người có cùng hoàn cảnh. Nhưng với những người có may mắn chưa từng ở vào hoàn cảnh đó, tôi ước gì họ cũng hiểu một điều: nhường đường cho xe cấp cứu là một hành vi văn hoá và một cách ứng xử có lương tâm!
Ý kiến bạn đọc