Khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIV: Báo cáo của Thủ đô vẫn “hơi hồng”

17:33, 10/07/2012
|

(VnMedia) - Thảo luận về báo cáo của Thành phố, một số đại biểu cho rằng, báo cáo vẫn chưa đánh giá đúng so với tình hình thực tế, còn "hơi hồng"...

Sáng 10/7, Hà Nội đã khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố khoá XIV, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đây là phiên họp giữa năm, với nhiều nội dung quan trọng nhằm thống nhất những giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; đồng thời kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trên địa bàn Thành phố.

 

Theo báo cáo của UBND TP, những tháng đầu năm 2012, trong điều kiện kinh tế trong nước tiếp tục có những khó khăn, thách thức lớn, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo và mức tăng của các năm trước.

 

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 7,6%, cao hơn mức tăng dự kiến của cả nước nhưng thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước.

 

Tuy vậy, UBND vẫn nhận định, tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn, với tổng sản phẩm quý II ước tăng 7,9%, cao hơn mức tăng của quý I (7,3%); thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 69.062 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán HĐND Thành phố giao; CPI tháng 6 chỉ tăng 2,57% so với tháng 12/2011.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội của Thủ đô còn những tồn tại hạn chế: Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Sản xuất nông nghiệp giảm so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với dự báo, nhiều sản phẩm công nghiệp giảm mạnh, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng. Thị trường bất động sản đóng băng; công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp vẫn xảy ra.


 Ảnh minh họa

 Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 10/7


Báo cáo vẫn “hơi hồng”

 

Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND Thành phố đã tiến hành phiên họp tổ, thảo luận về báo cáo của Thành phố. Một số đại biểu cho rằng, báo cáo vẫn chưa đánh giá đúng so với tình hình thực tế.

 

Theo đại biểu quận Hai Bà Trưng Phạm Thị Thanh Mai, về vấn đề giải quyết việc làm, báo cáo cho thấy số liệu tương đối mâu thuẫn với bối cảnh kinh tế hiện tại. Đại biểu này nghi ngại nói: “Doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể, phá sản nhưng việc làm lại khả quan, tới 75% giải quyết nhu cầu việc làm. Khi thẩm tra, chúng tôi băn khoăn và thấy cần làm rõ cách tính số lao động của ngành Thương binh xã hội như thế nào. Trong bối cảnh này mà tạo việc làm lại khả quan như vậy thì rất băn khoăn chỉ tiêu này.”

 

Đại biểu quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND Thành phố phân tích kỹ lưỡng về chỉ tiêu này để ra được vấn đề: “Tổng cục thống kê chỉ tiêu này mang tính điều tra mẫu chứ không phải là tổng điều tra dân số. Trong điều tra mẫu của họ qua hơn 900 doanh nghiệp thì số lượng bị mất việc làm là rất lớn, số việc làm được trong các khu công nghiệp thực sự là không cao. Nếu chúng ta tạo được 72.600 việc làm mới thì cần xem lại.” - đại biểu này băn khoăn.

 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng đặt câu hỏi: “Nhìn vào thực trạng sức khỏe của nền kinh tế Hà Nội 6 tháng vừa qua, đánh giá của chúng ta đã toàn cảnh chưa? Chính xác chưa? Điều này thể hiện qua số liệu các doanh nghiệp đã phá sản, đang chờ phá sản, đang ngồi im để bảo toàn vốn và thậm chí biến mất không biết ở đâu…”

 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng phân tích sâu hơn rằng, gắn với việc doanh nghiệp bị phá sản là số người thất nghiệp và gia đình của các doanh nghiệp đó.

 

“Vấn đề này nói ra không phải để bi quan mà để khi thực hiện nghị quyết 13 của Chính phủ, Thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, giải quyết hàng tồn đọng ra sao…” - ông Nam nói.

 

Liên quan tới tiền thuê đất, giãn giảm thuế, hỗ trợ đầu ra, kích cầu thị trường, ông Nam khẳng định: “Những vấn đề này, Thành phố phải đánh giá hơn nữa, tháo gỡ hơn nữa thì mới thực sự thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về vấn đề này, nhưng báo cáo mới chỉ là các nội dung cũ, các giải pháp cũ. Trong khi Hà Nội phải đi đầu chuyện này.” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

 

Đại biểu này cho rằng, thống kê báo cáo theo kiểu cập nhật số liệu từ địa phương “Xác nhận vào đơn xin việc 3-4 lần nhưng chưa chắc họ đã có việc làm, nên số người thất nghiệp chưa chính xác, hơi hồng, chưa đúng với thực trạng bệnh của Thành phố hiện nay.”


Doanh nghiệp - ngân hàng: Cần nhà nước làm trung gian

Đồng tình với đánh giá cho rằng báo cáo chưa nói hết bức tranh toàn cảnh, chưa đánh giá sâu sắc thực trạng nền kinh tế, nhưng
Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương cho rằng, thành tích năm nay không phải tô hồng mà là thực trạng. “7,6% GDP, trong đó dịch vụ 8,5%, Công nghiệp 8,1%, nông nghiệp âm. Được như thế là rất tốt.” - Viện trưởng nói và thêm rằng, còn một mặt “được” khác, đó chính là Hà Nội đã cân đối được ngân sách.

Trong khi đó, đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, doanh nghiệp hiện nay khó khăn nhất là vốn. "Tuy  nhiên, ngân hàng không cho vay vì không tin doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp làm ăn chắc chắn thì lại không dám vay vì lo không trả được, không biết kinh doanh có lãi không" - ông Thắng nói.

Theo đại biểu này, đây là lúc cần đến vai trò của nhà nước, của Thành phố. "Lúc này điều cần thiết là nhà nước đứng ra làm trọng tài hỗ trợ để hai bên gặp gỡ nhau nhanh hơn. Trong báo cáo, Thành phố sẽ có tiếp xúc giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng theo tôi cần có giúp đỡ sâu hơn. Đã đến lúc Thành phố cần trao đổi với ngân hàng để hỗ trợ một số doanh nghiệp. Tôi khẳng định ngân hàng không thiếu vốn, lãi suất cũng chịu đựng được." - đại biểu Nguyễn Hữu Thắng phân tích.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc