(VnMedia) - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội hiện có 35 cơ sở có yếu tố nước ngoài đã được cấp phép, tuy nhiên, số cơ sở khám chữa bệnh đã ngừng hoạt động là 21. Trong số đó, hiện chỉ có duy nhất 1 bác sĩ Trung Quốc hành nghề…
>>Bác sĩ chui ngang nhiên khám ở Maria đã lâu
Tại Hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy chiều 24/7, Giám đốc Sở y tế Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến ngày 15/7/2012, số cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài đang hoạt đông thực tế là 14, trong đó có 3 cơ sở là các phòng chẩn trị y học cổ truyền và 1 phòng khám đa khoa, 1 cơ sở phòng khám đa khoa có người Trung Quốc tham gia giúp việc, 9 cơ sở là bệnh viện, phòng khám đa khoa và chuyên khoa có các bác sĩ, điều dưỡng người nước ngoài đến từ các nước Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ucraina, Nga, Canada, Nhật Bản tham gia khám chữa bệnh và giúp việc.
Sau đó, đến ngày 23/7/2012, sở Y tế ra quyết định đình chỉ hoạt động của phòng khám Đa khoa Maria ngày 16/7./2012, nên số cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài chỉ còn là 13.
Cũng theo ông Hiền, tổng số bác sĩ nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh và giúp việc tại các cơ sở là 27 người, trong đó có 7 bác sĩ có quốc tịch Trung Quốc tham gia khám bệnh, chữa bệnh và 20 bác sĩ nước ngoài quốc tịch khác tham gia khám bệnh, chữa bệnh; 3 điều dưỡng quốc tịch Nga tham gia giúp việc tại bệnh viện Việt Nga.
Qua công tác kiểm tra 6 tháng đầu năm 2012, Sở Y tế đã xác định, thực tế trên địa bàn Thành phố chỉ còn 5 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bác sỹ Trung Quốc, trong đó có 3 phòng chẩn trị Trung hoa cổ truyền và 2 phòng khám đa khoa; có 5 bác sĩ là người Trung Quốc còn đang tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, 3 phòng chẩn trị y học cổ truyền bao gồm phòng chẩn trị y học cổ truyền số 58 Sơn Tây có bác sĩ Lý Hồng Văn; phòng chẩn trị Y học cổ truyền số 298 Nguyễn Trãi có bác sĩ Thẩm Thụ Nhân và bác sĩ Hoàng Thế Hưng; Phòng chẩn trị y học cổ truyền số 108 Trần Phú – Hà Đông có bác sĩ Liêu Thiệu Phồn.
Tuy nhiên, mới đây, hôm 12/7, Sở Y tế đã nhận được đơn xin nghỉ phép về nước của bác sĩ này. 2 bác sĩ còn lại thuộc phòng khám Maria là bác sĩ Hoàng Đỉnh Lập và bác sĩ Lôi Hồng, nhưng phòng khám này cũng đã có quyết định đình chỉ hoạt động.
Như vậy, thực tế, hiện chỉ còn phòng khám đa khoa 709 đường Giải Phóng có bác sĩ Trung Quốc là ông Lý Đức Nghĩa.
Theo ông Giám đốc Sở Y tế, có một hiện tượng là hiện nay, 9 cơ sở có bác sĩ là người Trung Quốc đã thôi không hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (về nước hoặc chuyển đi nơi khác) nhưng các cơ sở chưa báo cáo với Sở Y tế. Trong số đó, 5 cơ sở đã ngừng hoạt động khám chữa bệnh nhưng chưa trả giấy phép là: Phòng chẩn trị y học cổ truyền 29 Quốc Tử Giám (bác sĩ Đàm Thế Vỹ); phòng chẩn trị Y học cổ truyền 1G Bích Câu (bác sĩ Hoàng Văn Cầu); phòng chẩn trị Y học cổ truyền 84 Trần Đại Nghĩa (bác sĩ Đàm Hiếu Kiệt); phòng chẩn trị Y học cổ truyền 77 Giải phóng (bác sĩ Hoàng Thiệu Vũ); phòng chẩn trị Y học cổ truyền số 70 E Thuỵ Khuê, Tây Hồ (bác sĩ Hà Chấn Đông).
4 cơ sở còn lại có bác sĩ Trung Quốc đã thôi không tham gia khám chữa bệnh là phòng khám đa khoa 620 Hoàng Hoa Thám (Bác sĩ Vĩ Kim Dục); phòng chẩn trị Y học cổ truyền 604 Trường Chinh (bác sĩ Phùng Triều Thông); phòng chẩn trị Y học cổ truyền 124 Láng Hạ (bác sĩ Ngũ Tổ Chí); phòng chẩn trị Y học cổ truyền số 981 đường Giải phóng I (bác sĩ Đàm Mẫn Kiện).
Hàng loạt sai phạm
Nhận định về hoạt động của các phòng khám có yếu tố nước ngoài, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, về cơ bản,các cơ sở có bác sỹ, điều dưỡng quốc tịch nước ngoài cơ bản chấp hành tốt công tác khám, chữa bệnh và thực hiện các cơ chế chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra 22 cơ sở thì phát hiện 8 cơ sở có sai phạm và bị xử phạt với số tiền là 189,2 triệu đồng, trong đó hầu hết là các phòng khám có bác sĩ quốc tịch Trung Quốc.
Cụ thể, phòng khám chẩn trị y học cổ truyền 604 Trường Chinh bị phát hiện khám chữa bệnh không đúng với phạm vi chuyên môn đã được cấp phép; sử dụng dược phẩm chưa được phép của Bộ Y tế cho bệnh nhân; có niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng lại thu tiền cao hơn giá niêm yết và thu tiền một số dịch vụ khi chưa niêm yết giá.
Phòng khám thuộc bệnh viện Nam Á 223 Thuỵ Khuê có người nước ngoài làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở Y tế. Đây cũng là sai phạm được phát hiện tại phòng chẩn trị y học cổ truyền 981 Giải Phóng và phòng chẩn trị Y học cổ truyền 455 Giải Phóng.
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền ở 58 phố Sơn Tây có sai phạm là chỉ định điều trị bằng ngôn ngữ khác, không phải là tiếng Việt nhưng chưa đăng ký sử dụng.
Tại nhà thuốc của phòng khám đa khoa 709 đường Giải Phóng bị phát hiện kinh doanh thuốc không còn nguyên bao bì xuất xứ.
Trong khi đó, phòng khám đa khoa Maria 65-67 Thái Thịnh bị phát hiện quảng cáo giới thiệu phòng khám không đúng với nội dung đăng ký đã được Sở Y tế phê duyệt; ghi chép sổ khám bệnh không đầy đủ. Đặc biệt, phòng khám này kể từ khi được cấp phép đến nay, phòng khám đa khoa Maria 65 - 67 Thái Thịnh đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 4 lần, với tổng số tiền phạt là 42,500 triệu đồng. Hiện phòng khám này đã bị đình chỉ.
Phòng khám đa khoa 59 Khương Trung bị phát hiện có người nước ngoài làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở Y tế; có niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng lại thu tiền cao hơn giá niêm yết và thu tiền một số dịch vụ khi chưa niêm yết giá.
Vẫn chỉ… dọa rút giấy phép
Theo Thanh tra Sở y tế Hà Nội, phòng khám 59 Khương Trung đã bị xử phạt 2 lần, với tổng số tiền phạt là 48,750 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi hành chính là đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ quốc tịch Trung Quốc tại phòng khám này cho đến khi được cấp phép hoạt động.
Thanh tra đã có tờ trình Giám đốc Sở, đề xuất, đối với phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung: Giám đốc Sở giao cho phòng quản lý hành nghê Y dược tư nhân yêu cầu phòng khám chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, đồng thời phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám để đảm bảo việc phòng khám phải chấp hành nghiêm túc.
Sau khi phòng khám khắc phục xong các tồn tại nêu trong biên bản kiểm tra ngày 17/7/2012 thì có báo cáo về Sở Y tế, phòng quản lý hành nghề có trách nhiệm kiểm tra lại việc khắc phục đầy đủ các tồn tại, đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh thì trả lại giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để phòng khám hoạt động đúng quy định.
Đồng thời với việc phạt tiền các cơ sở có vi phạm hành chính, thanh tra Sở Y tế đã đình chỉ tại chỗ các hành vi vi phạm của cơ sở, yêu cầu cơ sở khắc phục chấn chỉnh các vi phạm, tồn tại, có cam kết cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù có hàng loạt sai phạm tại các phòng khám, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng nhưng cho đến nay, mới chỉ có phòng khám Maria 65-67 Thái Thịnh là bị đình chỉ sau khi đã có bệnh nhân tử vong.
Ngay cả đối với phòng khám đa khoa 59 Khương Trung, mặc dù phát hiện rất nhiều sai phạm và Sở Y tế đã có đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động, nhưng cũng là để... dọa cho cơ sở này khắc phục tồn tại để sau đó cho hoạt động trở lại. Còn hầu hết các phòng khám khác đều được nhắc nhở và… dọa sẽ rút giấy phép nếu tái phạm.
Điều này khiến nhiều người lo lắng về hiệu quả của những lời dọa này, bởi trên thực tế, cách đây 1 năm, Sở Y tế cũng đã triệu tập các phòng khám có yếu tố nước ngoài để chấn chỉnh và... dọa, nhưng rồi, đâu vẫn vào đấy. Ngay chính bà Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cũng thừa nhận, khi đến kiểm tra thì rất khó bởi trụ sở của công ty và phòng khám nằm trong cùng một tòa nhà. Khi thấy có đoàn kiểm tra đến thì họ chỉ việc... trốn lên tầng trên.
Câu hỏi đặt ra là, việc rút giấy phép của các phòng khám có sai phạm phải chăng là quá khó? Điều gì đang cản trở việc quản lý cũng như xử lý nghiêm khắc những vi phạm của các phòng khám này?
Ý kiến bạn đọc