Chủ tịch nước phát động phong trào vệ sinh yêu nước

17:01, 01/07/2012
|

(VnMedia) - Sáng nay (1/7), tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước - nâng cao sức khỏe nhân dân” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu và tổ chức thực hiện tích cực, có hiệu quả của ngành y tế, những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng bằng nhiều phong trào. Nhiều chiến lược chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 
Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những việc làm được, cùng với những hạn chế, thói quen cũ chưa được khắc phục, ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường.

Ảnh minh họa

Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Lễ phát động “Vệ sinh yêu nước - nâng cao sức khỏe nhân dân”.


Chủ tịch nước nhấn mạnh, lễ phát động “Phong trào vệ sinh yêu nước” ngày hôm nay là hết sức có ý nghĩa. Đây là việc làm thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phong trào “Vệ sinh yêu nước,” đồng thời với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội.
 
Chủ tịch nước kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng đồng bào cả nước ra sức thi đua, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, năng động, sáng tạo; làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của từng cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
 
Chủ tịch nước tin tưởng phong trào “Vệ sinh yêu nước - nâng cao sức khỏe nhân dân” và lấy ngày 2/7 hàng năm là ngày toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào sẽ tạo ra một nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân, xã hội. Chủ tịch nước cảm ơn các nước, các tổ chức, bạn bè quốc tế đã tích cực giúp Việt Nam trong các hoạt động vệ sinh môi trường và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến hệ quả, hiện nay bên cạnh việc chúng ta đang phải vừa giải quyết những dịch bệnh mới phát sinh lại vừa phải chiến đấu với bệnh cũ đang có xu hướng quay trở lại như bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh không nhiễm gia tăng... Do đó, việc khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” là việc làm rất có ý nghĩa nhằm huy động các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tham gia công tác vệ sinh để nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tại Việt Nam, hiện nay môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải trong sinh hoạt, trong sản xuất và phát triển kinh tế. Thêm vào đó, nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, tập quán sinh hoạt cũng như vệ sinh môi trường thích hợp cho sự phát triển và lây nhiễm các mầm bệnh ký sinh trùng, trong đó đặc biệt là các bệnh giun, sán ở cả người lớn và trẻ em.
 
Theo báo cáo tổng hợp số liệu điều tra từ năm 2006-2010 của Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương, tỉ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất ở cộng đồng cao, tại đồng bằng sông Hồng là hơn 58%; trung du và miền núi phía Bắc khoảng hơn 65%; đồng bằng sông Cửu Long khoảng 12%-14%. Trong đó, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ từ 2-5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có tỉ lệ cao. Tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất ở trẻ 2-5 tuổi tại Nghệ An lên đến 78%, Thanh Hóa hơn 76%...; tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất ở phụ nữ trong tuổi sinh sản rất cao, Yên Bái 76%, Sơn La 68%, Hà Nội hơn 20%.

Phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nhiễm giun truyền qua đất sẽ ảnh hưởng tới thời kỳ mang thai: Gây thiếu máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi; có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân; tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
 



Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc