Vụ quay clip: "Người lớn không được định kiến!"

06:45, 08/06/2012
|

(VnMedia) - “Em học sinh này đúng là có lỗi. Nhưng xử lý như thế nào để em tự nhận thấy lỗi và sửa lỗi. Quan trọng nhất là người lớn phải khách quan, không được định kiến.” - đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói.

 

- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về vụ clip quay cảnh sử dụng phao thi ở Bắc Giang?

 

Tôi cho rằng, những người mắc sai phạm (giám thị - PV) thì phải chịu trách nhiệm rồi, nhưng tôi nghĩ mức độ không đến mức như mọi người đánh giá. Quan trọng ở đây chính là phải đánh giá những người quản lý, tổ chức cái hội đồng thi đó.

 

- Nhiều người đang đặt nặng vấn đề xử lý thí sinh quay clip, vậy quan điểm của bà như thế nào? Làm như vậy có đáng không?

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Bùi Thị An

Tôi cho rằng đây là một hiện tượng không hay, cần phải triêt tiêu. Tuy nhiên, muốn xử lý học sinh quay clip thì phải xem tác hại của việc này đến đâu. Qua báo chí, tôi thấy tác hại của việc này (quay clip - PV) không lớn.

 

- Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến việc học sinh phải tự “ra tay” quay clip mặc dù biết việc đó có thể dẫn đến những hậu quả không hay cho bản thân?

 

Có thể một phần là do sự không bình đẳng giữa những học sinh như mong muốn của xã hội. Trẻ nhận thức nông nên có thể có phản ứng tiêu cực như quay clip…

 

- Nhưng, bà có cho rằng tiêu cực xảy ra quá lâu, quá phổ biến mà không được xử lý thích đáng nên các em đành phải tự mình làm điều đó?

 

Thật ra, lỗi để xảy ra tiêu cực tại các nhà trường dưới nhiều dạng, kể cả trong thi cử hay bạo lực học đường. Nói hơi nặng thì nó có tính chất hệ thống, xuất hiện trong nhiều năm rồi và mọi người chưa cố gắng giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Họ không cố gắng làm cách nào để mà triệt tiêu nó bằng những giải pháp gốc. Họ vẫn đi màng màng, vẫn tổ chức học thêm, vẫn chạy theo thành tích.

 

Phải giải quyết tận gốc, tức là dạy kiến thức thật cho học sinh, rèn luyện phẩm cách cho học sinh để các em có thể ra đời, làm người và có thể tự lập bằng chính những kiến thức. Đây là cái quan trọng nhất. Kể cả gia đình cũng có cái sai là con cái phải thành ông nọ bà kia,

 

- Theo bà, tại sao thi đại học thì lại nghiêm túc mà thi tốt nghiệp THPT thì hiện tượng tiêu cực lại xảy ra tràn lan, công khai như vậy? Phải chăng, người ta không coi trọng việc thi tốt nghiệp, cho rằng đây là điều không cần thiết nên mới dễ dãi như vậy?

 

Về lâu dài thì tôi cho rằng cần phải bỏ thi tốt nghiệp. Trước mắt, trong hoàn cảnh mình đánh giá chưa chuẩn, việc kiểm định chất lượng trong các trường thông qua việc cho điểm thì có thể vẫn cần.

 

- Thế nhưng, nếu vẫn là kiểu “thi để cho đỗ” như thế này, khi mà cứ thi đỗ 90-100% thế này thì kể cả trước mắt, liệu có cần thiết hay không, thưa bà?

 

Đó chính là vấn đề. 90, thậm chí có nơi 100% đỗ nhưng chất lượng không đảm bảo, đó là do bệnh thành tích. Cho nên, phải sửa tận gốc, phải đánh giá được hiệu quả đào tạo của từng trường, phải xem sau một số năm, trường đó có bao nhiêu em có công ăn việc làm ổn định, chứ không phải bao nhiêu em đỗ tốt nghiệp.

 

- Như vậy, có nên để dài hạn hơn việc thi tốt nghiệp này không, thưa bà?

 

Có thể nói là trong dài hạn, nhưng thực tế thì không nên kéo dài quá việc thi tốt nghiệp như hiện nay. Phải cải cách lại giáo dục. Tôi vẫn nhắc lại, quan trọng nhất là phải đi từ gốc, phải dạy cho các em làm người, dạy kiến thức thật và dạy cho các em tự sống bằng sức của các em.

 

Thầy, bây giờ vẫn còn nhiều thầy tốt, nhưng cũng có nhiều thầy tắc trách, chỉ dạy cho qua. Kể cả gia đình các em cũng vậy. Vì xã hội bây giờ có hiện tượng không bình đẳng trong hưởng thụ, và hưởng thụ lại không thực sự chân chính lắm, cho nên cả học sinh, cả gia đình đều định hướng theo “cái đấy”, cái bề ngoài hào nhoáng.

 

- Trở lại vụ quay clip ở Bắc Giang, theo bà, hình phạt nào là phù hợp với thí sinh quay clip?

 

Theo tôi, em học sinh này đúng là có lỗi. Nhưng tương lai của em còn rất dài. Xử như thế nào để em tự nhận thấy lỗi và sửa lỗi. Quan trọng nhất là người lớn phải khách quan, không được định kiến. Không được nghĩ rằng, vì hành động của em ảnh hưởng đến trường mà làm mạnh thì không nên.

 

- Xin cảm ơn bà!

 

Phải nghiêm khắc với hội đồng thi

 

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 7/6, đại biểu tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến cho biết, Bộ giáo dục sẽ xử lý nghiêm khắc hội đồng thi này.

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến

“Tôi cho rằng nững việc vừa rồi xảy ra ở Bắc Giang là đáng tiếc vì đã có rất nhiều văn bản các quy chế các chỉ thị của bộ Giáo dục và Đào tạo rằng kỳ thi phải tổ chức nghiêm túc. Nó xảy ra như thế trước hết là điều đáng tiếc, rõ ràng cái này cần khâu quản lý và tổ chức thi của địa phương, đặc biệt là của hội đồng thi đó đã để việc thi cử không có kỷ cương, thoải mái quay cóp, thoải mái ném bài cho nhau rồi trao đổi trong phòng thi với nhau như cái chợ.

 

“Tôi cho là từ hội đồng thi đến giám thị đã bỏ qua vai trò của mình chính là vai trò thầy cô làm giám thị. Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng nói đã có chỉ thị và sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc với hội đồng thi này.

 

“Việc thi cử, lâu nay ngành Giáo dục nói bệnh thành tích, cái đấy là cái gốc nhất. Các trường khác đỗ 80-90% thì trường tôi cũng phải đỗ, phải đạt khá giỏi. Đây là các biểu hiện của bệnh thành tích.

 

“Một kỳ thi nghiêm túc là phải thực hiện các quy định, quy chế mà Bộ đề ra, như là phải tổ chức hội đồng thi nghiêm túc, giám thị nghiêm túc, học sinh phải có ý thức nghiêm túc. Còn ở Bắc Giang, chính cô giáo, thầy giáo mang bài vào hướng dẫn các em, cái mất nghiêm túc đó không xuất phát từ học sinh mà từ giáo viên, từ những người dạy bảo phải ngiêm túc thì làm sao mà dạy bảo được học sinh?”


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc