(VnMedia) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 4/6, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, phương án xử lý thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam phê duyệt.
Viện KH-CN sẽ xử lý phần thấm trên mặt nước, Viện Thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) sẽ xử lý phần thấm nằm dưới mực nước của hồ chứa.
Dự kiến khoảng 10 ngày tới sẽ làm xong các thủ tục và hai nhà thầu sẽ chính thức triển khai xử lý thấm. Theo tiến độ đã được phê duyệt, cuối tháng 8 trước khi vào mùa mưa lũ việc xử lý sẽ kết thúc.
Cùng ngày hôm qua (4/6), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sự cố này được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm đặc biệt là nhân dân huyện Bắc Trà My và khu vực hạ lưu.
“Cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện dự án để có những phương án bổ sung cụ thể. Đồng thời hết sức lưu ý tới những ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan để xem xét, thực thi, đưa ra kết luận có cơ sở về độ an toàn của công trình và qua sự cố này các cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học sâu sắc.” – ông Huy nói.
Theo đánh giá ban đầu, nước thấm với lưu lượng khoảng gần 80 lít/s chủ yếu qua 20 khe nhiệt |
Về phương án khắc phục mà EVN đưa ra, ông Huy cho biết, chủ đầu tư hiện rất tích cực trong việc thực thi giải pháp để hạn chế hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập, trong đó đáng kể là giải pháp dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu đập bằng các loại vật liệu chống thấm.
Theo đánh giá ban đầu, nước thấm với lưu lượng khoảng gần 80 lít/s chủ yếu qua 20 khe nhiệt, chiếm khoảng hơn 85% lưu lượng, còn lại là thấm qua thân đập và nền đập. Chủ đầu tư đã xác định có 10 khe nhiệt thấm nhiều, hiện nay đang đàm phán, chuẩn bị ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đến để thực thi các giải pháp khắc phục là dùng các vật liệu chống thấm, xử lý tại bề mặt đập phía thượng lưu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
“Điểm lưu ý trong việc thi công khắc phục sự cố này phải thực hiện ở trong môi trường nước vì theo tôi được biết đập Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. Do đó, cần giám sát thi công bằng các thiết bị theo dõi chuyên dụng dưới nước và đặc biệt phải có một quy trình nghiệm thu hết sức cẩn thận.” – ông Huy cho biết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường cũng nhấn mạnh, điểm quan trọng cần khẳng định với đơn vị thi công khắc phục sự cố là kết quả sau khi thi công, lưu lượng thấm nằm trong giới hạn cho phép và tuổi thọ của vật liệu. Công việc này phải triển khai rất khẩn trương vì mùa mưa lũ đang đến gần và chủ đầu tư báo cáo công việc này sẽ hoàn thành trước 31/7/2012.
“Ngoài ra, tôi quan tâm đến việc ảnh hưởng của sự cố này đối với cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu. Hiện nay vùng hạ lưu, gần nhất là huyện Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam, thiếu nước phục vụ mùa canh tác, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc xây dựng phương án di dân trong trường hợp cần thiết đặc biệt là là mùa mưa lũ sắp đến, nếu có những bất thường thì chúng ta đã có phương án chủ động ứng phó".
"Và xin nhắc lại đề nghị của tôi là khẩn trương thực hiện đánh giá toàn diện, độc lập đối với đập thủy điện này, từ đó sớm có kết luận cuối cùng, dựa trên những số liệu chính xác, khách quan, để thông tin cho xã hội và nhân dân được biết.” – ông Huy nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc