(VnMedia) - Kể từ ngày 1/5/2013, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Đây là một trong những điểm mới trong Luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua chiều 18/6.
Với 93,39% đại biểu có mặt biểu quyết, Luật lao động sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Đây là một bộ luật được đánh giá là tiến bộ, được nhiều người quan tâm với những quy định tiến bộ về mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động, tuổi nghỉ hưu và đặc biệt là thời gian nghỉ sinh con của nữ lao động.
Nghỉ sinh con: 6 tháng
Điều 157 của Luật Lao động sửa đổi quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng; Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Luật cũng quy định rõ, trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Luật cũng quy định, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, Điều 158 của Luật lao động sửa đổi còn quy định, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này. Trường hợp việc làm cũ của lao động nữ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Cũng liên quan đến chế độ cho nữ lao động khi trong vấn đề thai sản, Điều 159 của Luật quy định: Thời gian nghỉ việc khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Phụ nữ sinh con sẽ được nghỉ 6 tháng |
Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại
Một trong những điều dư luận quan tâm ở Luật lao động sửa đổi lần này, đó là quy định về tuổi nghỉ hưu. Trước đó, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu tranh luận về quy định này.
Điều 187 của Luật lao động sửa đổi vẫn giữ nguyên như Luật lao động hiện hành, theo đó người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Tuy nhiên, có một điểm mới tại Luật lao động sửa đổi, đó là với những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm và do Chính phủ quy định chi tiết.
Làm thêm giờ vào ngày lễ hưởng ít nhất 300%
Tiền lương, tiền làm thêm... luôn là vấn đề được người lao động quan tâm hàng đầu. Theo Điều 97 của Luật lao động sửa đổi, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Luật cũng quy định, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Trong trường hợp phải ngừng việc, nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương; nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, bệnh dịch nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Điều 91 Luật lao động sửa đổi quy định: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. |
Ý kiến bạn đọc