Tranh luận “nảy lửa” về vốn trái phiếu Chính phủ

20:33, 11/06/2012
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc bổ sung một số dự án vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2015, sáng nay 11/6, đã có 2 luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này.
 
Theo đó, một số ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị nên rút kinh nghiệm lần sau, nhiều ý kiến khác lại đề nghị không nên, bởi trong 63 tỉnh thành, tỉnh nào cũng có dự án, những công trình cấp thiết.
 
Địa phương nào cũng cấp bách!

Mở đầu phần phát biểu của mình, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) đã “xin lỗi 5 tỉnh được đề nghị bố trí dự án bổ sung” và chia sẻ: “nếu như nhất trí bổ sung 5 dự án này, chúng tôi tự đặt chúng tôi vào tình thế rất khó xử… Vì sao 5 dự án kia được vào, vì sao dự án nơi chúng tôi ứng cử cũng rất bức xúc lại không được vào bổ sung? có phải chúng tôi không chịu phát biểu ý kiến hay không chịu liên hệ, quan hệ với các cơ quan ở Chính phủ không? cho nên bây giờ bảo chúng tôi nhất trí thì chúng tôi rất băn khoăn”.
 
Đại biểu tỉnh An Giang còn “kết tội” rằng, cách phân bổ trái phiếu Chính phủ không được minh bạch, công bằng. “Tôi đọc dự kiến mà Bộ kế hoạch và Đầu tư cho in ấn rồi, tức là Chính phủ quyết định phân bổ 225 ngàn tỷ trái phiếu Chính phủ trong 5 năm tới, An Giang khoảng hơn 800 tỷ. Tôi cứ chia 225 ngàn tỷ cho 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh cũng được trên 3000 tỷ. Tại sao trong suốt 5 năm tới An Giang chỉ được chưa tới 1000 tỷ? vì không biết đi xin? Chúng tôi đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, có được thì trình luôn ra kỳ họp này các tiêu chí để xác định 5 dự án này thực sự thuyết phục để chúng tôi ấn nút.”
 
Ngay sau khi đại biểu tỉnh An Giang phát biểu, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngoc Bảo cho rằng, “nếu chúng ta bàn như vậy thì sẽ bàn rất nhiều dự án, không phải 5 dự án đó mà là hàng trăm cái, địa phương nào cũng rất cần.”
 
Vì vậy, đại biểu thành phố Hà Nội đề nghị, “không phải cứ bổ sung sau đó chúng ta lại xin biểu quyết của Quốc hội.”.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về bổ sung một số dự án vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ


Nghị quyết phải “bất di bất dịch”

Trong khi đó, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) thẳng thắn: “Tôi thấy mới Kỳ họp thứ 2, Chính phủ trình ra Quốc hội để Quốc hội có Nghị quyết gần như "bất di bất dịch". Tôi nghe Nghị quyết lúc đó, tôi rất tin tưởng là lần này không có chuyện làm tùy tiện nữa… Nhưng không hiểu vì sao chỉ có mấy tháng sau khi chúng ta chưa làm xong việc phân bổ cho các tỉnh, thành, địa phương thì chúng ta lại đề nghị bổ sung thêm 5 dự án thành phần nữa?”.
 
Đồng quan điểm với đại biểu tỉnh An Giang, đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng, để đảm bảo tính nghiêm túc của nghị quyết vừa ra mấy tháng, “nên chăng Chính phủ cân đối để lấy từ các nguồn khác”.
 
“Trái phiếu Chính phủ chúng ta thống nhất đúng như nghị quyết kỳ họp thứ hai đã thông qua để khỏi phải bàn xôn xao. Cũng như đồng chí Lê Việt Trường nói, chúng tôi sẽ trả lời như thế nào với cử tri? Khi chúng tôi rà lại trái phiếu Chính phủ  thì thấy rằng, ngay các tỉnh phía Bắc có những tỉnh rất nhỏ thì được trái phiếu đứng đầu toàn quốc, nhưng có những tỉnh lớn như Hải Dương không có một đồng trái phiếu Chính phủ.” - đại biểu tỉnh Hải Dương tranh thủ “kể khổ.”
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) “nhắc nhở”: “Tôi nhớ lại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa qua, khi Chính phủ báo cáo về tình hình đầu tư công, nợ công giai đoạn 2002 - 2011 có cho biết một thông tin là trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn đó đã quyết vượt hơn 10 lần so với nghị quyết của Quốc hội đề ra năm 2002.
 
“Điều đáng nói ở đây là tất cả các công trình vượt này đều do Chính phủ trình và các kỳ họp Quốc hội chúng ta lần lượt thông qua. Như vậy là chính Quốc hội cũng đã thực hiện không đúng nghị quyết của Quốc hội và cũng đã góp một phần để tăng phần nợ công.”
 
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) gay gắt: "Tôi cho rằng ai cũng biết dự án thì nhiều, tổng số tiền có 225 ngàn tỷ, điều kiện như thế này thì ai “chạy” giỏi thì làm trước. Đây là lỗ hổng tiêu cực nếu ta tiếp tục làm cách này. Nếu chúng ta công khai, minh bạch thảo luận một cách nghiêm túc theo tinh thần các tiêu chí đưa vào, cắt ra một cách rõ ràng, minh bạch thì cách chúng ta làm sẽ khác!.”

 Ảnh minh họa

Cầu Năm Căn - một trong 5 dự án bổ sung vừa được Chính phủ trình Quốc hội


Đại biểu phải khách quan

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) đồng ý rằng, 5 dự án Chính phủ trình bổ sung là rất cấp thiết. “Tôi thấy những công trình, những dự án mà Chính phủ trình ra tất nhiên cũng đã có thẩm định, đã qua thực tế và có chọn lọc. Cho nên, chúng ta nên chia sẻ.”
 
Đối ngược lại với các ý kiến trên, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói: “Chúng tôi là đại biểu Quốc hội, tôi đại diện cho cử tri 63 tỉnh thành, không phải chỉ đại diện cho nơi tôi sinh ra, không phải chỉ đại diện cho nơi làm việc, mà là cử tri của tất cả. Tôi phải có trách nhiệm với 63 tỉnh thành để cân nhắc như thế nào trong chuyện bấm nút biểu quyết ngân sách cho các tỉnh.”
 
Đại biểu An cho rằng, cần phải có tiêu chí, có cơ sở để các đại biểu xem xét cân nhắc và so sánh trước khi lựa chọn thông qua. “Đưa ra cụ thể như thế này nếu tôi phản đối thì lại bảo không yêu mến tỉnh A, không yêu quý tỉnh B cho nên tôi nghĩ việc này chúng tôi chỉ có thể quyết định khách quan trên cơ sở chúng tôi có cả một danh mục đầy đủ về sự cấp thiết của chúng tôi so sánh các vùng từng mảng một.” – đại biểu Bùi Thị An nói. 
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải chia sẻ với Chính phủ là đất nước ta còn nghèo. Gia đình nghèo lại đông con cho nên việc phân bổ nguồn vốn rất khó khăn. Vậy, chúng ta phải tập trung cho việc chính đã, chúng ta phải giàu lên thì lúc đó mới có đủ nguồn kinh phí để chia sẻ”. 
 
Tham gia giải trình về vấn đề “hóc búa” này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng “than” rằng, đây là vấn đề rất “khó xử”: “Chính phủ bảo nếu không làm 5 con đường này thì nhà máy điện không cam kết được với Nga, với Nhật Bản. Chúng tôi khó xử quá, trình ra Chính phủ, Chính phủ bảo xin ý kiến Quốc hội” – ông Vinh nói.
 
Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm về 5 dự án này. Theo ông, “ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất xác đáng”. Tuy nhiên, ông cho biết, “Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc rất kỹ, thận trọng, nhìn nhận một cách toàn diện, cũng rất lo lắng lúc phải trình ra Quốc hội về việc bổ sung 5 dự án này”
 
“Sự cân nhắc đó đặt trong tổng thể để đổi mới đầu tư công, để chấn chỉnh lại và có cắt giảm bớt nhiều danh mục, nhưng lại bổ sung một số danh mục mà Quốc hội đã có chủ trương và lần này bổ sung gì thì bổ sung nhưng tại phiên họp này chúng ta chưa xem xét tổng số 225.000 tỷ, bổ sung này cũng nằm trong 13.000 tỷ dự phòng chưa phân bổ của 225.000 tỷ, 225.000 tỷ còn 13.000 tỷ bổ sung trong số đó, sự cân nhắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tinh thần đó.” – Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm.

Theo đề nghị của Chính phủ, 5 dự án mới chưa có trong Danh mục quy định tại Nghị quyết 12/NQ-QH13 cần được bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 là dự án cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), dự án nhà ở sinh viên Đại học Trà Vinh, dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng và cụm năm dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc