(VnMedia)- Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Yingluck Shinawatra và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm 2012 (WEF Đông Á 2012) tại Bangkok, Thái Lan.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, chuyến đi của Thủ tướng và đoàn đại biểu là dịp để quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF.
|
Tham gia đoàn có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Quốc Bảo.
Chủ đề của Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm nay là "Định hướng tương lai khu vực thông qua kết nối," tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Vai trò các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN trong tái cân bằng triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực; vai trò của các chính phủ và tổ chức trong đề xuất, triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm pháp, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa và tăng trưởng cân bằng; tận dụng lợi thế dân số và công nghệ trong khu vực để phát triển các mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới, cải thiện cơ chế huy động nhân tài, tinh thần kinh doanh và xây dựng kỹ thuật.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF được biết đến là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết các lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu...) và cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Ý kiến bạn đọc