(VnMedia) - Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về phí bảo trì đường bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, phí này đã có từ lâu và nay chỉ thay đổi phương thức thu...
Sáng nay 15/3, Quốc hội tiến hành phiên chất trực tiếp tại hội trường đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây cũng là phiên chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII.
Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đó là đề xuất thu phí bảo trì đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: “Xin Phó Thủ tướng cho biết : Điều 5, Khoản 23 của Nghị định 18 quy định 2 khoản: Một là nguồn ngân sách phân bố hàng năm; Hai là các khoản thu liên quan đường bộ và thu khác của pháp luật. Hai nội dung này ở Điều 5 quy định rõ Khoản 2 và Khoản 3 nhưng Nghị định lại thêm Khoản 1 là các loại phương tiện. Đây là vấn đề có phù hợp pháp lý hay không? Đề nghị Phó Thủ tướng nói về pháp lý.”
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đồng thời quan tâm đến việc nếu thu phí bảo trì giao thông đường bộ thì có bỏ trạm thu phí không.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng khẳng định, phí xây dựng đường bộ không phải là một loại phí mới mà đã được quy định tại danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh về phí và lệ phí, Số 38 ngày 28 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X. Hiện nay phí xây dựng đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí theo quy định tại Thông tư số 90 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đường bộ.
Phó Thủ tướng cũng giải thích thêm: “Nghị định số 18 vừa nêu trên tại Khoản 1, Điều 5 quy định phí xây dựng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông đường bộ chỉ thay đổi phương thức thu, chế độ thu so với hiện thành. Vì chế độ hiện hành đang thu ở các trạm thu phí. Việc thay đổi phương thức, chế độ thu thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh về phí và lệ phí...”
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Mức phí sử dụng đường bộ được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu, đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện, do đó phí sử dụng đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới như băn khoăn của đại biểu Trần Du Lịch, cái này có cơ sở pháp lý và phí này có từ năm 2001 đến nay, bây giờ chuyển lại theo Luật đường bộ mà Quốc hội vừa thông qua mà thôi.” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Đánh giá trả lời của Phó Thủ tướng là rất trực diện, rất rõ, nhưng đại biểu Trần Du Lịch vẫn băn khoăn. “Xin kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu kỹ lại phương thức thu bằng đánh vào phương tiện xe cơ giới, dù hợp lý nhưng không hợp tình. Tôi kiến nghị tha thiết Chính phủ xem lại phương thức thu này để được lòng dân.” - đại biểu Trần Du Lịch đề nghị.
Kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Chất vấn tại hội trường sáng nay, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến những khó khăn thách thức của nền kinh tế và những giải pháp mà Chính phủ sẽ thực hiện để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý.
"Xin Phó Thủ tướng cho biết nhận định nền kinh tế nước ta liệu có rơi vào suy giảm hay không? Mức độ như thế nào? Nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa" - đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) thẳng thắn đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết: “Năm 2012, kinh tế khó khăn, khủng hoảng thế giới, nhưng Quý I chúng ta vẫn tăng trưởng 4%. Đây là mức tăng thấp nhất, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, thất nghiệp lớn trong cả đất nước. Quý II chúng ta thấy tăng trưởng khá hơn, số doanh nghiệp của tháng 5 ít giải thể, phá sản hơn, hàng tồn kho ít hơn.”
Phó Thủ tướng giải thích: “Tôi cho rằng đánh giá của nền kinh tế có thể có 3 tiêu chí rất quan trọng, một là chỉ số phát triển công nghiệp bao gồm sản xuất, tiêu thụ của đất nước, của doanh nghiệp, thứ hai là xuất nhập khẩu và thứ ba là tổng mức bán lẻ của nền kinh tế.”
“Như vậy có thể nói căn cứ vào các tiêu chí này thì đất nước chúng ta trong tháng 5 đã có tình hình tốt hơn về kinh tế so với tháng 4 và đặc biệt là quý I về các chỉ số này. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, chính vì vậy chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt.” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Ý kiến bạn đọc