(VnMedia)- Đây là bài viết của một người ông gửi cho các cháu yêu của mình. Vì lý do bố mẹ phải đi công tác nước ngoài, hai cháu bé Nghé và Bê hai năm nay chưa về Hà Nội. Gửi gắm của người ông với hai cháu ở xa cũng là những dòng tâm sự, gửi gắm của một người con hết mực yêu thương Hà Nội dành cho Hà Nội...
Lá thư gửi cháu, nhưng thật ra là sự hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của người ông, với những trò chơi, thú vui không bị chi phối bởi siêu nhân, rô bốt... VnMedia xin giới thiệu bài viết này:
Thư gửi cháu yêu nhân ngày Tết thiếu nhi
Hôm nay là ngày 1/6, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, cái ngày này có ý nghĩa gì với các cháu không ? Sao không thấy cháu nào hỏi hôm nay phải làm gì. Bây giờ Nghé theo bố mẹ xa Hà Nội 2 năm rồi, em Bê còn chưa về Hà Nội lần nào, đợi hết nhiệm kỳ công tác, các cháu sẽ thấy Hà Nội quê hương các cháu thế nào. Hay là kể chuyện Tết thiếu nhi Hà Nội ngày xưa nhé!
Những ngày đáng nhớ
Cái ngày xưa ấy cách đây gần nửa thế kỷ rồi, ngày ấy là “Mùng Một tháng Sáu/ Tết của Thiếu nhi/ Mẹ đưa em đi/Sắm quà mậu dịch/ Ô tô bình bịch/ Có cả đồ chơi/ Này các bạn ơi/ Ra đây vui nhé “… Đây là bài thơ viết trong cuốn sách tập đọc của lớp “ Vỡ lòng“ – loại lớp cho các bạn bắt đầu tới trường học chữ trong hệ giáo dục phổ thông 10 năm. Lớp “Vỡ lòng“ tại làng Trầm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, xa Hà Nội 30 km.
Cây đa, bến nước, sân đình, phần hồn không thể thiếu của làng quê Việt Nam. |
Ngày ấy Hà Nội có chiến tranh, có máy bay tới ném bom nên trẻ em phải tìm về các làng quê xa Hà Nội mới có lớp học, gọi là “lớp học nơi sơ tán”. Lớp học đặt trong ngôi đền cũ kỹ dưới gốc cây đa, nằm bên mương nước giữa hai làng. Nhà ngói ba gian nền đất và tường vôi trắng, nền cao hơn sân đến 9 bậc thang. Trong lớp kê mấy hàng ghế cho hơn hai chục bạn. Gian giữa vẫn còn bàn thờ xây gạch, lúc nào lớp học cũng rất sạch. Mỗi sáng có bà cụ già lưng còng từ trong làng ra mở cửa, đóng cửa và quét dọn lớp rồi lại quét sân. Quét xong cụ vào lớp chắp tay “chào ông giáo“. Ông giáo gật đầu chào cụ. Bà cụ lặng lẽ ra về giữa lũ trẻ ồn ào, nhưng ai cũng biết cụ rất hiền.
Trong ngôi nhà sơ tán buổi tối chỉ có 2 ngọn đèn dầu dành cho hai đứa trẻ học “vỡ lòng” tập viết. Các anh chị lớn muốn học bài thì dậy sớm mà đọc sách… Tất cả các việc học chỉ vào buổi tối vì sau giờ học, tụi trẻ em ở quê có nhiều việc, các bạn ở phố thì đi theo vừa giúp việc nhà, vừa là đi chơi. Chỗ chơi thì nhiều vô kể: nơi bãi cỏ chăn trâu, chăn ngỗng ven chân đê, nơi ấy thả diều, chạy nhảy thỏa thích.
Sân Đình thì rộng mênh mông, sau Đình là Chùa làng cũng có sân rộng, tụi trẻ chia làm hai: con trai đá bóng đánh khăng; con gái chơi “ ô ăn qua “ hay nhảy dây. Thích nhất là hồ ao nhiều lắm, nước thì rất sạch trong veo, chỗ nào cũng có thể nhẩy ùm xuống bơi lội, bạn nào nhát quá thì bơi cạnh người lớn chỗ cầu ao xây gạch. Chung quanh làng có nhiều mương nước và ruộng lúa cũng đầy nước. Ngày ấy cá tôm cua ếch nhiều lắm. Những đêm mưa rào, ông chủ nhà có đèn soi cả đêm, gần sáng là đầy giỏ ếch. Bữa cơm sáng sớm tụi trẻ ở quê hay phố, đứa nào cũng được chén đùi ếch om tương thơm nức.
Tụi trẻ chỉ biết đến ngày “Tết của thiếu nhi“ qua bài tập đọc trong sách vỡ lòng. Ở nơi sơ tán không có “cửa hàng mậu dịch“ nên cũng chẳng có đồ chơi nhưng lại có vô số đồ chơi tự chế: con châu chấu, cái cánh quạt gió bằng lá dừa, những khẩu súng, cung tên bằng cành cây, đất sét thì làm pháo nổ, nặn con gà con vịt, hòn bi. Trẻ hàng phố có mấy lọ thủy tinh, đến các mương nước bắt mấy con cá cờ tuyệt đẹp, thả vào chậu rửa mặt xem nó chọi nhau. Các bạn ở quê cho nhiều cá quá, chơi chán lại đổ tất cả xuống ao…
Những năm đi học sơ tán, tụi trẻ không nhớ mấy phải học hành thế nào, nhưng ai cũng được lên lớp. Bây giờ về Đông Anh thấy rất nhiều người làm chủ tịch, bí thư huyện xã, bác sĩ kỹ sư cũng nhiều. Thầy cô giáo trong các trường đại học đến lớp mẫu giáo… họ đều bắt đầu từ các lớp “ vỡ lòng “ như thế đấy.
Trẻ con đang chơi với một giếng nước trên vỉa hè |
Còn ngày Tết thiếu nhi thì tổ chức thế nào?
Không ai tổ chức cả vì quanh năm ngày tháng, ngày nào cũng là những ngày vui, mỗi ngày là ngày đến lớp học bài, vừa chơi, vừa học, giúp việc nhà vui vẻ.
Rồi ngày hòa bình cũng đến, trẻ hàng phố trở về Hà Nội, chúng vẫn ham chơi như ngày nào. Còn học thêm là chuyện xa lạ. Cả thành phố là sân chơi khổng lồ. Buổi tối chơi chạy đuổi từ phố Bà Triệu ra tận Lò Đúc, ban ngày thì vỉa hè mênh mông chơi bi chơi đáo, sân bóng tung hoành. Công viên Thống Nhất là nơi tìm ve sầu, đổ hang bắt dế…
Bí nhất là bể bơi, cả Thành phố chỉ có mấy nơi: Tăng Bạt Hổ, Cung thiếu nhi, Quan Thánh… Bù lại là các hồ và sông Hồng, nước sạch, rộng rãi, tự do nhưng rất nguy hiểm. Bố mẹ lo lắng thì tốt nhất là dạy bơi cho con cái để có rơi xuống nước sâu thì cũng biết đường xoay sở… Nhiều đứa trẻ hàng phố biết bơi bằng cách ấy.
Ngày hè ở phố là có các anh chị phụ trách từ các trường lớn hơn tình nguyện đến hướng dẫn sinh hoạt. Sáng dậy sớm ra công viên, trưa và chiều đến thư viện khối phố mượn sách về đọc. Quản lý thư việc là các cụ về hưu, ghi chép sách mượn sách trả… chán nhất là ít truyện hay nên mượn sách của thư viện thì ít mà mượn lẫn nhau thì nhiều. Có bạn mượn được cuốn nào hay lại giữ lâu nên phải cử người đi đòi, bạn nào hăng hái nhất thì được cụ phụ trách thư viện thưởng cho quả bóng bàn. Cả xã hội nghèo nghèo nhưng thương nhau và trẻ con thì được thương yêu một cách bình dân như vậy, không có hội thảo, khẩu hiệu hay loa đài oang oang “ tất cả vì trẻ thơ “ ra quân rầm rộ rồi hả đâu vào đâu như bây giờ.
Bạn nào thích học đàn, học hát múa hay học vẽ thì lên Cung Thiếu nhi ở trên phố Lý Thái Tổ, trên ấy có tòa nhà đẹp nhất Hà Nội, có thang máy và sân chơi rợp bóng cây. Có thầy Thẩm Đức Tụ, thầy Ngọc, thầy Thúy dạy vẽ. Họa sĩ Thành Chương, Trần Lương, Đoàn Hồng là học sinh đội vẽ. Ca sĩ Hồng Nhung , Thanh Lam cũng là đội viên của đội Họa My hay Sơn Ca của cung Văn hóa.
KTS Lê Văn Lân kể là xây ngôi nhà ấy khi thành phố còn nghèo lắm, từng cân sắt, viên gạch cũng phải nhiều thủ tục khó khăn. Nhưng KTS có thể lấy bao nhiêu viên gạch gốm sứ đẹp nhất, lấy thanh sắt nào tốt nhất, kính nào trong nhất, huy động người thợ giỏi nhất để làm.
Ông Trần Vĩ – Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc ấy động viên KTS và các đơn vị xây dựng từng ngày từng giờ. Cung Thiếu nhi liền vách với Trụ sở Ủy ban Thành phố, nên ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch Thành phố rất hay đi bộ sang chơi hỏi thăm thầy trò thân thiết lắm. Ngày Tết thiếu nhi ở Thành phố cũng bình lặng vì thiếu nhi ngày nào được chơi ấy là ngày Tết.
Chuyện xưa là thế, bây giờ cu Nghé, em Bê ở xa, nơi thành phố cũng nhiều chỗ chơi nhưng khác Hà Nội xưa lắm, chỗ nào cũng to lớn, hào nhoáng, ồn ào nhưng các con chả thấy bạn bè. Bao người qua lại mà vẫn thấy trống vắng dửng dưng.
Nhưng về Hà Nội bây giờ thì các cháu sẽ chơi ở đâu?
Bể bơi Tăng Bạt Hổ, đi qua thì thấy toàn ô tô đỗ, mấy bể bơi thu tiền trên Hồ Tây đông người mà nước nhiều hóa chất, chắc chẳng dám cho cháu lên. Vỉa hè thì không còn là nơi chạy nhảy an toàn, xe máy lúc đông họ rồ lên cháu chạy vào đâu.
Ông qua Cung văn hóa Thiếu nhi thì thấy ô tô đỗ đông lắm, sân chơi chẳng còn bao nhiêu. Có chỗ hành lang thoát hiểm, họ dựng vách để làm lớp học thêm tiếng Anh với kỹ năng sống. Thật kinh khủng, nhỡ có cháy thì con trẻ chạy vào đâu!?.
Công viên Thống Nhất những dịp này họ cũng bầy lắm trò nhưng chỉ tính thu tiền thôi, mấy ai nghĩ đến cách nào cho con trẻ tìm thấy niềm vui trọn vẹn. Hà Nội bây giờ mở rộng lớn lắm, để hôm nào hỏi các KTS đang vẽ tương lai Hà Nội rằng, có chỗ nào dành cho con trẻ vui chơi thoải mái như… ngày xưa không?. Nhân tiện hỏi luôn các vị có con nhỏ, cháu nhỏ trong nhà để một ngày nhìn ra phố mà giật mình: hiếm nơi chơi cho con trẻ quá!
Nhớ cháu lắm nhưng còn mấy năm nữa các cháu về Hà Nội, liệu ngày ấy có thêm chỗ chơi thỏa thích, hồn nhiên trong này Tết thiếu nhi không, giống như xưa thiếu nhi Hà Nội từ quê đến phố ngày nào cũng chơi, chỗ nào cũng chơi được.
* Tiêu đề và tít phụ do VnMedia đặt
Ý kiến bạn đọc