Tái cơ cấu nền kinh tế:: Xác định lại vai trò quan trọng của Tập đoàn nhà nước

18:38, 08/06/2012
|

(VnMedia) - “Đây là thời điểm rất tốt để minh bạch, công khai, lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội, một lần nữa phải xác định được vai trò rất quan trọng của các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước… ” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu.

 

Hôm nay (8/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây chính là vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.


Đa số ý kiến các đại biểu đều khẳng định việc cần thiết thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế do thời gian gần đây nền kinh tế nước ta đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại, tăng trưởng GDP đang có xu hướng chậm lại, lạm phát luôn ở mức khá cao, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao, nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng…

 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ xác định khung định hướng chung của tái cơ cấu kinh tế và nhóm các giải pháp chủ yếu thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà chưa nêu bật được điểm đặc trưng cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế, giải pháp cụ thể, cách thức, lộ trình thực hiện đề án, tác động khi thực hiện đề án…

 

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đề án phải xác định rõ trách nhiệm vai trò của từng người đại diện chủ sở hữu, vai trò của quản lý… và có cơ chế minh bạch giám sát, vấn đề huy động nguồn vốn như thế nào trong quá trình thực hiện tái cơ cấu…

 

Xác định vai trò của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước

 

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - (Hà Nội) cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế, mục đích chính là phải đạt được các mục tiêu về tăng trưởng cũng như nâng cao hiệu quả năng suất và năng lực cạnh tranh.

 

 Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội)

“Thực tế tái cơ cấu kinh tế hiện nay chúng ta đang làm và rất nhiều các doanh nghiệp và các tập đoàn trong cả nước hiện nay đang thực hiện. Đây là vấn đề sống còn của một doanh nghiệp cũng như sự phát triển của các tập đoàn kinh tế… Không phải bây giờ chúng ta mới bàn mà hiện nay, để những doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì trong thời gian qua đã tái cơ cấu rồi. Ở đây chúng ta đang bàn đến tái cơ cấu nền kinh tế mang tính quốc gia.” - đại biểu thành phố Hà Nội nói.

 

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, một việc quan trọng khi tái cơ cấu nền kinh tế là phải xây dựng và hoàn thiện được hành lang pháp lý.

 

“Hiện tại, chúng ta có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang thực hiện rất tốt trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển. Nhưng trên thực tế, chúng ta cũng đang bị dư luận của xã hội và cử tri trong cả nước thiếu sự tin tưởng, có nhiều hoài nghi về tính hiệu quả. Tôi cho rằng có tình trạng như vậy là do chúng ta đã có một số sự cố của các Tập đoàn, các Tổng công ty đã làm mất lòng tin, mất vốn, hoạt động sai mục đích dẫn đến nhiều tiêu cực và quan trọng nhất là đã đánh mất được lòng tin đối với nhân dân.” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.

 

“Đây là thời điểm rất tốt để chúng ta minh bạch, công khai, để chúng ta lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội, một lần nữa phải xác định được vai trò rất quan trọng của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước… ” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

 

Cũng liên quan đến việc tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị, khi triển khai đề án, cần xác định thứ tự ưu tiên theo các ngành, lĩnh vực, vùng, chủ thể thực hiện và có lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm ngành, lĩnh vực, vùng trọng điểm.

 

“Ngành, vùng nào, lĩnh vực nào thực hiện trước, thực hiện đồng thời hoặc thực hiện sau ở khâu đột phá từng vùng, từng tỉnh, từng ngành trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển tổng thể, không đầu tư tràn lan và kém hiệu quả.” - đại biểu tỉnh Tiền Giang đề nghị.

 

Trong khi đó, đại biểu Phùng Văn Hưng cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế là rất cần thiết, tuy nhiên, chưa nên tái cơ cấu các Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay vì các đơn vị này vẫn đang trong giai đoạn hoạt động thí điểm, cần phải được tổng kết, đánh giá.

 

Cần làm rõ chi phí, ảnh hưởng của đề án tái cơ cấu

 

 Ảnh minh họa
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh)
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (thành phố Hồ Chí Minh), Đề án tái cơ cấu kinh tế tức là phân bổ nguồn lực của quốc gia, của xã hội vào những ngành, những nghề, những lĩnh vực, những vùng lãnh thổ góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu nhất.

 

“Do đó, tôi đề nghị trong đề án chúng ta cần làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia của chúng ta sẽ được phân bổ như thế nào, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của nhà nước, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của xã hội để làm. Thời gian vừa qua có thể nói nguồn lực nhà nước đã được thể hiện, được huy động vào phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư công và việc đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ vai trò nguồn lực nhà nước giữ vị trí như thế nào trong tổng thể quá trình tái cơ cấu.” - đại biểu thành phố Hồ Chí Minh nói.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà cũng đề nghị phải làm rõ những khoản nguồn lực kinh phí cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu là bao nhiêu. “Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội gói kinh phí này cần bao nhiêu và được phân bổ trong bao nhiêu năm. Mỗi năm phân bổ như thế thì ảnh hưởng đến ngân sách chung, ngân sách các Bộ, Ngành như thế nào, ngân sách các địa phương ra sao.” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà đặt câu hỏi.

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân - (Bình Dương)

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị Chính phủ dự báo và phân tích, đánh giá sâu hơn sự tác động của đề án ở các mặt đến đời sống kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. “Chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào khi sức khỏe của nhân vật chính, thành tố trung tâm là các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp nói chung trực tiếp vận hành công việc tái cơ cấu đang gần như kiệt sức. Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu được tới đâu khi nguồn vốn hạn hẹp, tồn kho đầy ắp cùng với thị trường đầu ra trầm lắng.” - đại biểu tỉnh Bình Dương băn khoăn.

 

Đại biểu này cũng nhấn mạnh thêm, không nên quá kỳ vọng rằng đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn. “Theo tôi, giai đoạn đầu, trên hết phải nhắm tới mục tiêu khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế. Phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ.” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

 

Đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị: “Nên chăng chúng ta cần phải đặt vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế dài hạn với tầm nhìn 30 năm, 50 năm. Rồi căn cứ vào đó chúng ta hoạch định tái cơ cấu cho từng giai đoạn. Tôi cho rằng tái cơ cấu từ nay đến năm 2015 là tiền đề rất quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.”

 

Lý giải cho đề nghị trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích: “Trong tương lai, chúng ta phải tính toán đến việc vận hành một nền kinh tế khi nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, diện tích bị thu hẹp do nước biển dâng và cả hệ lụy của quá trình tăng dân số, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát.”

 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của đaị biểu Quốc hội, kết luận mang tính định hướng, giao Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đề án và tổ chức thực hiện.

 

“Do chúng ta đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2012 có nói về nội dung lớn của Đề án này nên Quốc hội sẽ không ra Nghị quyết riêng. Trong kỳ họp này sẽ có một kết luận về đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện. Hàng năm, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội cùng với báo cáo việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội đó.” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc