(VnMedia) - Đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân...
Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 vì cho rằng, đất đai đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là vấn đề liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm. Việc sửa đổi Luật đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay.
Một số nội dung quan trọng của dự án Luật như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai nên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Đất đai là vấn đề gây nhiều bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện |
Không thể lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại phiên thảo luận chiều 1/6, trong khi một số ít đại biểu cho rằng cần thời gian để chuẩn bị dự án Luật Đất đai sửa đổi, thì đa số đại biểu khẳng định, không thể lùi thời gian trình Luật này. Hơn nữa, các đại biểu cũng cho rằng, điều kiện để trình dự án Luật Đất đai đã chín muồi.
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Luật Đất đai sửa đổi cần được Quốc hội quan tâm đặc biệt bởi đây là vấn đề gây nhiều bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện trong thời gian qua.
Đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, đất đai cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng và tán thành việc đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và thông qua tại Kỳ họp 6. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ cần đảm bảo tốt nội dung sửa đổi dự án Luật quan trọng này.
Cũng đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai, đại biểu Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai còn nhiều nội dung có quan điểm khác nhau, nhưng việc sửa đổi này là hết sức cần thiết, được người dân và cử tri cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ. Đại biểu TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan soạn thảo gấp rút triển khai thực hiện.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thẳng thắn đề nghị không nên lùi thời hạn mà tiến hành cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với Luật Đất đai vì đã có đủ cơ sở để tiến hành sửa đổi, bổ sung dự án luật này do có quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ càng.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị đưa Luật Đất đai vào cho ý kiến ngay Kỳ họp thứ 4 vì đã quá cấp bách.
Song song với mối quan tâm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị không cho rút khỏi chương trình các dự án Luật liên quan đến qui hoạch và quản lý đô thị như Luật Quy hoạch, Luật Đô thị… và bổ sung Luật Đền bù, hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư để quản lý hiệu quả đất đai, phát huy quyền làm chủ người dân, nâng cao hơn nữa ý thức trong thực hiện qui hoạch, đầu tư của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý trong việc đánh giá về lợi ích mang lại từ các dự án phát triển KT-XH…
Cùng với Luật Đất đai sửa đổi, 2 Dự án Luật không nên bỏ khỏi chương trình năm 2013 là dự án Luật Quy hoạch và Luật Đô thị. Đó là ý kiến của đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng). Theo đại biểu này, nếu để chờ đến khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực (năm 2015) thì tình hình đất đai sẽ càng phức tạp, Trong khi đó, Luật Quy hoạch lẽ ra phải đi trước một bước nhưng hiện còn yếu kém.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (TP.Bình Định) đề nghị bổ sung Luật Đền bù hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư bởi theo ông, thời gian qua, nhiều hoạt động qui hoạch, đẩy nhanh tiến độ, chỉnh trang đô thị là cần thiết nhưng bị chậm trễ do cơ chế đền bù khi giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, hỗ trợ chưa phù hợp; nhiều dự án bị kéo dài… đã ảnh hưởng đến qui hoạch chung, khiến các địa phương bị động trong đầu tư và kinh doanh, đời sống người dân không ổn định, gây lãng phí, thiệt hại chung cho toàn xã hội.
Cũng tại phiên thảo luận chiều 1/6, các đại biểu đề xuất bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII và đưa vào Chương trình năm 2013 để sửa đổi, bổ sung các điều kiện, tiêu chí công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, thực hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc