Sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng:: Hà Nội kỷ luật hàng chục lãnh đạo và cán bộ

16:58, 26/06/2012
|

(VnMedia) - Do để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng, năm 2011, hàng chục Chủ tịch, Phó chủ tịch và cán bộ cấp phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị xử lý kỷ luật…
 
Ngày 26/6, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo các Quận, Huyện, Sở, Ban, Ngành về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau một thời gian duy trì, lập lại trật tự xây dựng hết sức nghiêm túc, vừa qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra nghiêm trọng ở cả nội thành và ngoại thành, với mức độ và tính chất trầm trọng hơn.
 
Theo đó, từ 1/1/2010 đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có 1.104 trường hợp lấn chiếm đất đai để xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công; 490 trường hợp xây dựng không phép; 100 trường hợp xây dựng sai so với giấy phép; 6 trường hợp xây dựng gây lún nứt, ảnh hưởng đến công trình liền kề và môi trường xung quanh.
 
Quá trình thanh kiểm tra cho thấy, các công trình vi phạm tập trung chủ yếu là lấn chiếm đất đai để xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công và ở nơi chưa có quy hoạch xây dựng như Quốc Oai, Sóc Sơn, Từ Liêm…
 
Nhận định về nguyên nhân, Chủ tịch Thành phố cho rằng, còn nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm, ý thức chấp hành các quy định về trật tự xây dựng yếu kém. Công tác kiểm tra, kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn ngay từ ban đầu của lực lượng quản lý trật tự xây dựng chưa kịp thời và thường xuyên.
 
Trong khi đó, theo nhận định của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, để xảy ra tình trạng sai phạm tràn lan nói trên, ngoài những nguyên nhân khách quan như do đô thị hóa nhanh, quy chế chưa theo kịp, nhận thức của một số công dân còn thấp... thì nguyên nhân chủ quan là do cán bộ quản lý nhà nước cấp phường, xã, thị trấn, về quản lý đô thị thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát và giải quyết, buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
 
Một số quận, huyện chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, thiếu giám sát kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước cảu cấp dưới dẫn đến tình trạng công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, vi phạm trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chưa được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh triệt để.
 
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cũng nhận định, sở Xây dựng là cơ quan tham mưu cho Thành phố trong lĩnh vực trật tự xây dựng nhưng chưa chỉ đạo chặt chẽ, thiếu kiểm tra thường xuyên, tham mưu chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cơ quan xây dựng, công an, cung cấp điện nước và chính quyền địa phương gtrong quá trình xử lý công trình vi phạm cũng chưa kịp thời.

 Ảnh minh họa

 Tình hình vi phạm trật tự xây dựng đang trở lại nghiêm trọng hơn - ảnh minh hoạ


Tham gia Hội nghị, hầu hết lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban, ngành của Thành phố cho biết, đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành phố về việc xem xét trách nhiệm cán bộ quản lý trong lĩnh vực trật tự đô thị, tổ chức họp kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm.
 
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá, trong khi các chủ đầu tư cố ý làm sai thì các đơn vị quản lý đã không phát hiện xử lý ngay từ đầu; Các quy định của Thành phố rất đầy đủ, nhưng chính quyền, thanh tra xây dựng bỏ qua quy trình, quy phạm nên không phát hiện vi phạm. Trong khi đó, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận, để xảy ra vi phạm là bài học sâu sắc và phải nghiêm túc rút kinh nghệm.
 
Cách xử lý nể nang, né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm là tình trạng xảy ra phổ biến, đặc biệt là tại các huyện. Theo ông Lê Văn Thư Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, cách giải quyết ở nhiều nơi vẫn theo kiểu tình làng xã. Có trường hợp Chủ tịch, phó Chủ tịch xã có quan hệ họ hàng, anh em nể nang…
 
Kỷ luật hàng loạt cán bộ
 
Trước tình trạng sai phạm diễn ra tràn lan và ngày càng nghiêm trọng, trong các năm qua, các quận, huyện đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
 
Đặc biệt, riêng năm 2011, UBND quận Hai Bà Trưng đã kỷ luật 4 Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND phường và một số cán bộ thanh tra xây dựng cấp phường, cấp quận; tại quận Ba Đình đã khiển trách 4 Chủ tịch UBND cấp phường và thanh tra xây dựng; tại quận Tây Hồ xử lý kỷ luật 3 Chủ tịch phường, 1 bí thư phường và thanh tra xây dựng.
 
Tại quận Hoàn Kiếm, lãnh đạo Quận cũng đã xử lý kỷ luật Chủ tịch, phó Chủ tịch phường, Chánh Thanh tra, phó Chánh Thanh tra xây dựng quận, 1 cán bộ thanh tra xây dựng phường và 1 cán bộ trật tự xây dựng quận.
 
Còn huyện Sóc Sơn, riêng năm 2011 đã xử lý kỷ luật Chủ tịch xã, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra xây dựng huyện…, 
 
Xây dựng chế tài với lãnh đạo quận, huyện
 
Để chấn chỉnh tình trạng, theo ông Nguyễn Thế Thảo, chính quyền Thành phố sẽ thực hiện thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, đặc biệt “sẽ xây dựng những chế tài cụ thể đối với những thanh tra trật tự xây dựng cấp phường và cấp quận, chủ tịch phường, phó chủ tịch phường phụ trách, chủ tịch quận, phó chủ tịch quận phụ trách nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng."

Theo đó, "sẽ có thể áp dụng các biện pháp từ mức nhẹ nhất là thuyên chuyển công tác, đến các hình thức nặng hơn là cách chức đối với cả những chủ đầu tư vi phạm và cả cán bộ buông lỏng quản lý trật tự xây dựng”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh. 
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị các cấp, các ngành, trong đó cấp ủy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai các quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản và quản lý trật tự xây dựng.
 
Tăng cường trách nhiệm cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, giám sát của nhân dân. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, chính quyền thành phố với cơ sở để tăng cường công tác quản lý không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới trên địa bàn. Phải xử lý các trường hợp vi phạm theo thứ tự ưu tiên.
 
Đối với những công trình sai nghiêm trọng, đồng chí Bí thư yêu cầu phải áp dụng các biện pháp cứng rắn. 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc