(VnMedia) - Sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, với tỷ lệ 440 đại biểu tán thành trên 447 đại biểu có mặt.
Năm 2012: Bổ sung một loạt dự án luật
Theo quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Quốc hội sẽ Chuyển dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4;
Bổ sung dự án Luật việc làm, dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; Bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 4; Bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; Bổ sung dự án Luật biển Việt Nam vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3;
Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII 6 dự án bao gồm: Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật ban hành quyết định hành chính; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân;
Quốc hội cũng quyết định rút dự án Luật đô thị, Luật quy hoạch, Luật thư viện ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012;
Dự án Luật Đô thị sẽ không được xem xét trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2012 |
Năm 2013: Thông qua 12 dự án luật
Còn tại kỳ họp thứ 5 (năm 2013), Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án bao gồm: Luật hộ tịch; Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Luật đầu tư công, mua sắm công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật đất đai (sửa đổi); Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật việc làm; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật phòng, chống khủng bố; Luật giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 9 dự án, bao gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật hải quan (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến thông qua 10 dự án, bao gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật hải quan (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh |
Tại kỳ họp thứ 6 (2013), Quốc hội sẽ cho ý kiến 10 dự án, bao gồm: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật xây dựng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật phá sản (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo chất lượng của Luật, Nghị quyết lần của Quốc hội quy định rõ: “Trường hợp dự án luật, pháp lệnh trình không đúng kỳ hạn, tiến độ và không bảo đảm chất lượng thì không được đưa vào Chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội; đồng thời sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh trình không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng”.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình, Quốc hội quy định: “Khi đại biểu Quốc hội có đề nghị, kiến nghị về luật, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giúp đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình”.
Ý kiến bạn đọc