Phải có mặc cả, trả giá mới là… chợ!

10:08, 24/06/2012
|

(VnMedia) - Chợ không chỉ là nơi giao lưu kinh tế mà còn là một nét văn hoá đặc trưng của từng vùng, miền và mỗi quốc gia. Có người nói, phải có cãi nhau, có mặc cả, trả giá… mới là chợ. Điều này có vẻ hơi quá, không phải là không có lý…


>>Xóa chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>Hà Nội sẽ không còn chợ?
 

Chợ, nơi giao lưu tình cảm…

 

Mỗi sáng, ngày nắng cũng như ngày mưa, đi chợ đã là một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu của bà Hà (Ngõ 84, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội). Có những hôm, bà đi tới 3 vòng chợ, nhìn hàng nọ, ngó hàng kia, trả lời câu mời của cô hàng cá, gật đầu cười với cô hàng rau…

 

Hôm nay, lúc bà đi qua dãy hàng cá, một cô bán cá gọi í ới: Bà ơi, hôm nay nhà con tát đầm, con chọn cho bà một con "xịn" nhất nhé. Qua dãy hàng thịt, lại có lời mời: Bà ơi, hôm nay lợn đen ngon lắm, nuôi toàn bằng bỗng rượu thôi. Con cắt cho bà miếng đầu rồng như mọi khi nhé?...


 Ảnh minh họa

 Bà ơi, con chọn cho bà con cá "xịn" nhé - ảnh minh họa

 

Sau khi mua mấy bìa đậu phụ ở một hàng “ngon nhất chợ”, bà ghé qua hàng rau quen mọi khi, nhưng thấy chỗ ngồi bỏ trống. Chị hàng bún bên cạnh cất tiếng: Bà ơi, hôm nay giỗ mẹ nó, nó nghỉ rồi! Bà giật mình: Ơ, nhanh nhỉ, mới đây thế mà đã một năm rồi à.

 

Cả hai vợ chồng bà Hà về hưu đã lâu, hai người con của ông bà cũng đã trưởng thành, nhất là cô con gái đi làm cho “Tây”, kinh tế khá giả nên lúc nào cũng sẵn sàng đưa mẹ đi siêu thị, mua sắm thoải mái. Nhưng, chỉ thỉnh thoảng bà mới đến siêu thị để “thay đổi không khí”, còn thì, bà vẫn thích đi chợ hơn. Nó như một thú vui không thể thiếu của tuổi già. "Tôi cũng rất thích siêu thị, mặt hàng phong phú, mát mẻ sạch sẽ, văn minh, nhưng không thể đi hàng ngày như đi chợ được" - bà Hà nói.

 

Hôm nào nhà có việc, cần mua nhiều thực phẩm, chồng bà Hà lại đi theo, xách đỡ cho bà cái làn thức ăn, túi hoa quả, kiên nhẫn một cách vui vẻ nhìn vợ mặc cả, trả giá… Cô con gái, ngày thường bận bịu cũng nhờ mẹ đi chợ để mua những món mà siêu thị ở khu đô thị Trung Hoà, Nhân Chính nhà chị không thể có được. Mỗi cuối tuần, chị lại cùng mẹ đi vài vòng quanh chợ để thưởng thức cái không khí thân quen từ những ngày còn chưa đi lấy chồng…

 

Bà Hà chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn người Hà Nội thích thú với việc đi chợ mỗi ngày như thế. Bà nói, “không thể tưởng tượng được nếu một lúc nào đó, Hà Nội không còn chợ mà chỉ có siêu thị”.

 

Chợ, nét văn hoá…

 

Chợ là một phần không thể thiếu của người Việt, kể cả người thành thị. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng này mà mới đây, Bộ Công thương đã tổ chức một hội thảo có tên: Mô hình tổ chức, quản lý chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam . Tại hội thảo này, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chợ là một nét văn hoá không thể tìm thấy ở siêu thị.

 

Theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Dũng, bên cạnh việc trao đổi, mua bán thông thường, chợ còn là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè, thông tin về tình cảm gia đình, chòm xóm… vậy nên, chợ là một nét văn hoá. “Văn hoá kẻ chợ” mang trong mình biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa cũ xưa, dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi tắn bởi sự sôi động, ồn ào.


 Ảnh minh họa

Đi chợ vào ngày Tết là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt

 

Trong khi thế mạnh của siêu thị là giá cả niêm yết rõ ràng, người mua không sợ bị mua hớ thì ông Dũng cho rằng, điều thú vị khi đi chợ còn là thoả sức trả giá. “Luật bất thành văn, đã là chợ phải có chuyện người bán nói thách, buộc người mua phải tự tìm đúng giá trị của món hàng. Trả giá cũng là một nét văn hoá của chợ”– ông Dũng nói.

 

Kiến trúc sư này cũng chia sẻ rằng, “trả giá là một kỹ năng xã hội mà nhiều người sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu nó. Đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường, kỹ năng mua bán “sành điệu” và cơ hội cho người bán hàng nắm được khẩu vị của người mua hàng”. Thực tế cũng cho thấy, giá niêm yết ở siêu thị đôi khi trở thành giá để nhiều người nội trợ tham khảo và mặc cả khi đi chợ.

 

Chợ không chỉ có ý nghĩa với người địa phương. Khi đến một đô thị nào đó, ngoài việc đến vô vàn các điểm hấp dẫn, khách du lịch thường ưa thích khám phá và tiêu tốn nhiều thời gian vào việc đến các chợ truyền thống. Nơi đây, nhiều người trong số họ tìm thấy được quá khứ, hiện tại vùng miền thông qua những hàng hóa, nông sản, thực phẩm, đồ mỹ nghệ, thủ công...


Nhận xét về “hậu quả” của việc bỏ chợ xây siêu thị, kiến trúc sư Nguyễn Văn Dũng “nhắc nhở”: Tại sao khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng rồi mà nhiều siêu thị, trung tâm thương mại vẫn phải nấp dưới cái tên chợ truyền thống cũ: Chợ Hàng Da, Chợ Cửa Nam , Chợ Mơ, Chợ Bưởi? Có phải người ta vẫn còn lưu luyến, hàm ơn tên đất, tên người xưa không? Hay là vì người ta phải “tâm phục khẩu phục" văn hoá giao lưu, văn hoá kinh doanh và cả văn hoá di sản Việt mà cha ông ta để lại?”

 

Sau khi đặt câu hỏi, ông Dũng đã khẳng định: "Thực tế, người mua đi chợ phiên, chợ ngày không mảy may chú ý đến tên chợ, ấy thế mà người mua nhớ người bán và ngược lại, tạo thành dấu ấn giao lưu trao đổi cả hàng hoá và tâm hồn. Sự vắng bóng vài ba bữa khiến người ta cảm thấy thiếu nhau… Sự liên tưởng ẩn dấu bên trong ký ức cả hình ảnh lẫn âm thanh chỗ thì ồn ào náo nhiệt, chỗ thì chen chúc, ồn ã quyện cả mùi cá tôm, rau quả. Cái tên chợ bản thân nó đã nói lên truyền thống lịch sử của đất và người rồi…”

Một vị nguyên là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, khi tham gia hội thảo đã khẳng định: “Chợ phải ồn ào, phải có mặc cả, phải cãi nhau, đó mới là dân chủ. Vào chợ mà cứ nem nép, giữ gìn ý tứ thì không phải là chợ nữa.”  Có thể, có người cho rằng điều này là lạc hậu, cổ hủ hay là tư duy bảo thủ, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, văn hóa chợ cần phải được bảo tồn, và chắc chắn rằng, sẽ không thể bảo tồn bằng cách thay chợ bằng siêu thị.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc