(VnMedia) - "Ở Việt Nam, khái niệm siêu thị khá mới, nhưng ở Châu Âu thì đây là khái niệm của 40 năm trước. Hiện nay các thành phố ở châu Âu đều có chợ nông dân và đây lại chính là khái niệm hiện đại" - TS Stephanie (tổ chức HealthBridge - Canada), nói.
>>"Mẹ tôi 90 tuổi vẫn thiết tha chống gậy ra chợ"
>>Phải có mặc cả, trả giá mới là chợ
>>Xoá chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>Hà Nội sẽ không còn chợ?
Không chỉ đánh giá bằng cảm tính, tiến sĩ Stephanie Greertman (tổ chức HealthBridge - Canada) đã có những phân tích hết sức sâu sắc về những giá trị thực tế chợ truyền thống đối với cả người dân đô thị cũng như những người nông dân.
Thay chợ bằng siêu thị: Tăng nguy cơ cho sức khoẻ
TS Stephanie |
“Từ bỏ các chợ thực phẩm truyền thống để chuyển sang phát triển các siêu thị và đại siêu thị đang mang lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội cũng như lối sống và kem theo đó là những tác động đến sức khoẻ của người dân thành phố” - TS Stephanie nói.
“Việc làm hạn chế sự tiếp cận của người dân tới thực phẩm tại các chợ truyền thống sẽ gây ra những tác động rất quan trọng đối với sức khỏe người dân đô thị. Khi không còn chợ và siêu thị gần nhà, người dân sẽ không đi mua sắm thường xuyên mà mua với số lượng nhiều hơn mỗi lần đi. Như vậy họ ít mua thực phẩm tươi sống hơn, thay vào đó là những thực phẩm đông lạnh và đã chế biến có hạn sử dụng dài. Việc sử dụng các sản phẩm giàu năng lượng nhưng ít chất dinh dưỡng này là nguy cơ gây ra các bệnh như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường…” - TS Stephanie lo ngại.
Ngoài ra, theo phân tích của bà Stephanie, về mặt bản chất, các siêu thị cần có bán kính phục vụ khách hàng lớn hơn so với chợ truyền thống để có thể đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Điều này có nghĩa là hầu hết người dân vẫn cần phải lái xe đến siêu thị khiến nhu cầu giao thông cơ giới gia tăng và gây thêm sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị.
Thiệt cho cả người tiêu dùng và sản xuất nội địa
Một điều có lẽ rất ít người nói đến do họ không nhận thức được hay vì nguyên nhân nào khác khiến nó bị bỏ qua, đó là lợi ích của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng khi phụ thuộc vào siêu thị. Mặt khác, chính những người sản xuất trực tiếp trong vùng lân cận cũng có nguy cơ bị mất thị trường.
Theo TS Stephanie, trước kia, những thực phẩm được bày bán chủ yếu là những sản phẩm được trồng và sản xuất trong vùng. Tuy nhiên, với sự gia tăng của toàn cầu hóa, điều này không còn đúng nữa.
“Khi một môi trường thực phẩm quá tập trung vào các siêu thị, lượng thực phẩm nhập khẩu sẽ gia tăng, bao gồm cả thực phẩm chế biến và tươi sống. Điều này không có nghĩa là bản thân các chợ không bán các thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, số lượng và chủng loại thực phẩm nhập khẩu ở chợ ít hơn nhiều so với ở siêu thị, có thể tới 90%. Thông thường, chợ là nơi bán chủ yếu những thực phẩm được sản xuất ở các vùng lân cận của thành phố.” - TS Stephanie phân tích.
Xóa chợ để xây siêu thị, nông dân Hà Nội có thể mất đi cơ hội cung cấp hàng hóa nông sản, còn người thành thị giảm cơ hội tiếp cận rau quả tươi |
Ngoài ra, bà còn cảnh báo, nếu quá tập trung vào phát triển siêu thị, quyền kiểm soát nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ được giao cho các công ty tư nhân. Các công ty sẽ quyết định bán sản phẩm gì, nhập thực phẩm từ đâu và sẽ mở siêu thị ở đâu.
“Cơ quan quản lý của thành phố có thể quy định những nơi mở siêu thị nhưng những công ty điều hành có thể đóng cửa những siêu thị ở những nơi không sinh lời. Như ví dụ của Brazil, sau cuộc khủng hoảng tài chính đầu năm 2000, các công ty đã quyết định đóng cửa một loạt siêu thị để đảm bảo lợi nhuận của mình, dẫn tới số lượng các siêu thị giảm từ 3,961 (năm 1996) xuống còn 2,962 (năm 2002).” - TS Stephanie dẫn chứng.
Trong khi đó, các chợ truyền thống đã hoạt động hàng trăm năm và khó bị đóng cửa bởi lý do khủng hoảng kinh tế. Những hộ kinh doanh nhỏ trong chợ cần ít lượng khách hàng hơn so với các siêu thị để duy trì lợi nhuận. Có thể có những người phải nghỉ bán, nhưng rất khó để toàn chợ đóng cửa vì lý do đó. .
"Vậy tác động của sự thay đổi về mặt thực phẩm khi thay chợ bằng siêu thị là gì? Đó là tác động về mặt kinh tế dẫn đến ít cơ hội việc làm, giảm cơ hội kiếm sống cho người nghèo đô thị, giảm việc làm... và tiền lưu thông trong nền kinh tế địa phương cũng ít hơn" - TS Stephanie nói.
Giấc mơ hiện đại hoá và bước đi “giật lùi”
Mọi người hẳn sẽ kinh ngạc khi ai đó cho rằng, việc thay chợ bằng siêu thị không những không phải là đang hiện đại hoá mà thực chất lại là một sự “giật lùi”. Tuy nhiên, TS Stephanie đã chứng minh đây là nhận định có cơ sở.
"Như thế nào gọi là hiện đại? Ở Việt Nam, khái niệm siêu thị khá mới, nhưng ở Châu Âu thì đây là khái niệm của 40 năm trước. Tuy nhiên, hiện nay các thành phố ở châu Âu đều có chợ nông dân và đây lại chính là khái niệm hiện đại" - TS Stephanie cho biết.
Hà Nội đang cố gắng xóa bỏ chợ để xây siêu thị, trong khi đó, "chợ nông dân" trong thành phố lại là khái niệm hiện đại ở Châu Âu |
“Văn minh, hiện đại có thể đang được dùng như một cái cớ để người ta từ bỏ các không gian truyền thống quen thuộc vốn tạo nên bản sắc và linh hồn thành phố. Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những kế hoạch xoá bỏ chợ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị. Thực tế đã cho thấy, những gì mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một cái giá rất đắt. ” - TS Stephanie “cảnh báo”.
Theo bà, chắc chắn vẫn có những cách để thực hiện các thay đổi tích cực trong khi vẫn tôn trọng các giá trị truyền thống đẹp đẽ.
“Một thành phố sống động vẫn có thể có sự pha trộn của nhịp điệu nhanh và chậm, của các tòa nhà cao tầng và thấp tầng, của các trung tâm thương mại và các khu chợ truyền thống ngoài trời cung cấp các thực phẩm tươi sống và các sản vật địa phương khác. Tất cả sẽ góp phần làm nên sức sống của một thành phố.” - Tiến sĩ khẳng định.
“Hãy làm sạch thay vì xóa bỏ các chợ để thay thế chúng bằng những siêu thị hay các chuỗi cửa hàng tiện ích lạnh lùng, vô cảm. Để đảm bảo các chợ dân sinh thực hiện chức năng hỗ trợ tốt cho cấu trúc kinh tế xã hội trong thành phố, điều quan trọng là tiếng nói của người bán hàng và khách hàng cần được cơ quan chức năng lắng nghe khi xây dựng các kế hoạch cải tạo lại chợ. Họ cần được tham gia công bằng vào các quá trình thương lượng, quy hoạch, thiết kế và xây dựng lại chợ.” - TS Stephanie chân thành góp ý.
Ý kiến bạn đọc