(VnMedia) - Liên quan đến loạt bài Chợ đô thị mà VnMedia đang đăng tải, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội viên hội Kiến trúc sư Việt Nam), vừa có bài viết gửi VnMedia, trong đó là hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với Sở Công thương Hà Nội về bản quy hoạch mạng lưới chợ... Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bài viết này.
Hà Nội - Kẻ Chợ đã bước qua 1000 năm lịch sử và dự định bước tiếp một chặng ngắn nữa với kế hoạch biến các chợ thành siêu thị hay theo như bản quy hoạch là “Chợ hiện đại” - thứ mà nhiều ý kiến cho rằng không phải là chợ.
Đối với bản thuyết minh tóm tắt “quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch chợ Hà Nội) do Viện Nghiên cứu Thương mại lập và chủ đầu tư là Sở công thương Hà Nội, dài 50 trang và có 2 bản vẽ minh họa, chúng tôi có 5 câu hỏi mong được các quý vị liên quan, hy vọng có lời giải đáp.
1/ Bản Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở dự báo nhu cầu dịch vụ bán buôn, bán lẻ Hà Nội với dân số năm 2015 là 7,2 triệu, năm 2020 là 8 triệu.... tầm nhìn 2030 với dân số đạt 9,4 triệu người, thu nhập năm 2015 là 3.300USD, năm 2020 khoảng 5.300USD và 11.000USD vào năm. Tương ứng với các thời điểm ấy, dịch vụ bán lẻ hiện đại là 40%, 60% và 80%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2015 là 19 tỷ USD, 2020 là 45,6 tỷ USD (một con số chính xác đến 1 dấu phẩy?).
Cung theo bản Quy hoạch, năm 2015, nhu cầu bán buôn hàng công nghiệp tiêu dùng là 12 tỷ USD, nông sản 6 tỷ USD. Năm 2020 nông sản 12 tỷ USD. Trung bình giao dịch thương mại mỗi người Hà Nội năm 2015 là 2.100 USD. Năm 2020 là hơn 5.000 USD...
Xin hỏi ngay hôm nay (2012), thu nhập bình quân của Hà Nội là bao nhiêu và tổng mức giao dịch hàng hóa là bao nhiêu? Bởi, bản Quy hoạch xây dựng với mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 18-20%, giai đoạn 2016 là 17-18%... nhưng thực tế 2011 chỉ đạt 12%, năm 2012 dự báo chỉ đạt 6-7%... Kinh tế toàn cầu khó khăn, ảnh hưởng hưởng đến Việt Nam, đến Hà Nội..., vậy bản Quy hoạch này có cần làm lại từ đầu không, hay nói cách khác là điều chỉnh, thay đổi cơ bản về nội dung...?
Có thể chúng ta sẽ xây dựng 2 kịch bản khác nhau với 2 dự báo mầu hồng và mầu xanh, để bản Quy hoạch ra đời có giá trị thực tiễn, hay nói một cách khác bản Quy hoạch này tránh được số phận là Quy hoạch treo.
Mạng lưới chợ Hà Nội hiện tại |
Mạng lưới chợ Hà Nội theo bản Quy hoạch chợ... của Sở Công thương |
2/ Hầu hết các bản Quy Hoạch của Việt Nam hiện nay có chung sự hạn chế phối hợp đa ngành . Điều đó thể hiện rõ trong bản Quy hoạch chợ: sự cô lập của quy hoạch chợ với quy hoạch giao thông, trong quy hoạch giao thông thì lại có sự rời rạc giữa giao thông đường bộ/đường thủy/cơ giới/phi cơ giới/giao thông cá nhân/giao thông công cộng...Việc này rõ ràng ảnh hưởng đến quy hoạch chợ vì chợ là đầu mối giao thương (viết tắt của giao thông và thương mại).
“Lộ thông thì tài thông”..., lộ “tắc” đương nhiên là tài cũng “tịt”..., đó là chưa kể quy hoạch dân cư, không gian công cộng, khu công nghiệp, quy hoạch nông nghiệp, vùng nguyên liệu, thủy lợi... Một bản quy hoạch chợ mà thông tin đầu vào thiếu nhiều như vậy thì có nên vội vàng trình bầy, thông qua các cấp quản lý hay không? chúng ta sẽ khắc phục sự bất cập này bằng cách nào?.
Có một gợi ý cụ thể tại Manila (Philippines) hay Bangkok (Thái Lan) - nơi ngay bây giờ có mức thu nhập mà Hà Nội hy vọng đạt được 10-20 năm tới: Tại 2 thành phố này, các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đều gắn kết, tiếp cận trực tiếp đến các nhà ga của hệ thống giao thông công cộng, vận chuyển nhanh, khối lượng lớn (MRT)..., còn các chợ truyền thống hầu như được duy trì và tiếp tục phát triển.
3/ Chúng ta thảo luận nội dung “chợ gắn với mô hình phân phối hiện đại”, “chuyển đổi mô hình quản lý các chợ” và “xu hướng xây dựng lại chợ truyền thống”..., thực tế các mô hình chuyển đổi chợ Hà Nội trong thời gian qua là từng bước tư nhân hóa tài sản công cộng. Xu hướng này có phải là quá trình tất yếu không?
Chúng ta đã có một đánh giá nào thật thuyết phục lợi và hại của quá trình tư hữu cho công cộng không nếu xét ở khía cạnh phát triển và thoái biến chất lượng sống đô thị, xét ở khía cạnh phát triển bền vững, nơi đô thị cần thiết và có thể chia sẻ bình đẳng các cơ hội cho tất cả cư dân thành phố? Và bản “ Quy hoạch chợ” sẽ dành ưu tiên mục đích phát triển chợ công cộng mới hay khuyến khích việc tư nhân hóa các chợ công cộng ?
4/ Cho dù những tin tức đây đó rất lạc quan rằng gói cứu trợ đang tác động tích cực đến nền kinh tế, các ngân hàng đang cho vay dễ hơn để thị trường bất động sản khởi sắc trở lại, thì hàng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến giá cả thực phẩm leo thang; chất lượng, nguồn gốc hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng ngày càng cách xa sự hiểu biết của người tiêu dùng và như vậy ảnh hưởng trực tiếp (phần đa là tiêu cực) đến cuộc sống người sản xuất lẫn người tiêu dùng ...
Có một gợi ý cụ thể về mô hình Chợ Rau hữu cơ Thanh Xuân, đã thực nghiệm từ năm 2009 với 1, 5 Ha trồng rau hữu cơ tại Thanh Xuân - Sóc Sơn, 20 hộ nông dân cung cấp 20 loại rau hàng ngày cho 500 gia đình Hà Nội. Mô hình đang nhân rộng gấp 2-3 lần. Rau quả hữu cơ được bán kèm theo niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Có trang tin điện tử và rau đến tận nhà, khách hàng cũng đến tận ruộng mua rau. Rau quả bán cho người già về hưu với đồng lương ít ỏi nhưng khiếp hãi về rau quả hóa chất... nhưng cũng bán cho các người nước ngoài khó tính tại phiện chợ Tây cuối tuần Quảng Bá .
Tiện đây cũng có câu hỏi: nếu như công nghiệp ô tô xe máy, tầu thủy, thép, xi măng, điện tử, giầy da, may mặc, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, du lịch.... trong thời gian tới không thuận lợi thì có thể nông nghiệp với nông sản chất lượng cao có được ưu tiên cho kinh tế Hà Nội không? Nếu có, mô hình sẽ như thế nào để đóng góp tích cực, chủ động cho một ngã rẽ có nhiều hy vọng thành công cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô ?
Xóa chợ để xây siêu thị, Hà Nội có chủ động mở một ngã rẽ có nhiều hy vọng thành công cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô ? |
5/ Qua thông tin đại chúng, ta được biết có nhiều ý kiến đồng tình rằng chợ thân thiết, quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, hỉnh ảnh đô thị hôm nay và ngày mai. Chúng ta đã có không ít lời phàn nàn vì thiếu đường đi, trường học, không gian công cộng, cây xanh mặt nước... vậy chúng ta sẽ có cơ hội bớt đi lời phàn nàn về thiếu chợ nếu cùng chung sức để Hà Nội có nhiều chợ, nhiều chợ thân thiện và làm cuộc sống của tất cả cư dân thành phố trở nên tiện lợi.
Chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn làm cho cuộc sống cư dân đô thị hôm nay hạnh phúc hơn và để lại những ký ức tốt đẹp về một Hà Nội thân thiện, thịnh vượng... Quy hoạch chợ Hà Nội không thể thực hiện theo cái cách đơn giản, đơn tuyến và đơn độc như đã làm mà cần có sự tham gia đa ngành, rộng rãi, công khai hơn...
Cuộc hội thảo “Mô hình tổ chức, quản lý chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức mới đây là một ví dụ rất có giá trị, với sự tham gia đóng góp của các chuyên gia có chuyên môn sâu sắc đối với quy hoạch chợ đô thị nói chung. Tuy nhiên, nó cũng là một sự gợi mở cho những ai có tấm lòng yêu quý Hà Nội, có trách nhiệm với Chợ Hà Nội và cuộc sống Hà Nội tương lai.
Ý kiến bạn đọc