Những câu hỏi "hóc búa" dành cho các Bộ trưởng

06:52, 16/06/2012
|

(VnMedia) - Trong các kỳ họp Quốc hội, hoạt động chất vấn trực tiếp bao giờ cũng được cử tri cả nước chờ đợi nhất. Là người đại biểu của dân, những đại biểu Quốc hội luôn chuẩn bị cho mình những câu hỏi sắc sảo, dồn đuổi buộc các Bộ trưởng phải thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mà họ quản lý. VnMedia xin trích đăng một số những câu hỏi “hóc búa” đó.
 
Bao giờ dân chúng tôi được sống sạch? (hỏi Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang)
 
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Việc triển khai chậm chương trình mục tiêu quốc gia, hôm phát biểu giải trình tại thảo luận hội trường kinh tế - xã hội, Bộ trưởng có nói việc triển khai chậm nhưng tốt. Tôi cho rằng, chậm là có khuyết điểm, chậm là có lỗi với nhân dân, bởi vì chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, chương trình việc làm, chương trình dạy nghề, chương trình đưa thông tin miền núi, vùng dân tộc thiểu số, chương trình về y tế, văn hóa, giáo dục chậm thì làm sao mà tốt được thưa Bộ trưởng.?
 
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Câu hỏi của cử tri và của đại biểu Quốc hội chúng tôi hỏi là bao giờ thì đồng chí phải trả lời, đồng chí được Thủ tướng Chính phủ giao trả lời chứ không phải đồng chí lại hỏi lại chúng tôi rằng “vấn đề là bao giờ?”. Cho nên, tôi xin đồng chí cho biết, đồng chí nắm tiền, nắm quyền, đồng chí nắm quy hoạch cho nên tôi nghĩ đồng chí phải trả lời cho cử tri cả nước rằng, bao giờ thì dân chúng tôi được sống sạch, trong lành trên các lưu vực sông?
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ): Bộ trưởng có thống nhất với cử tri là Việt Nam do quản lý nhà nước giao đất quá lỏng lẻo như trên gây lãng phí và tệ nạn tham nhũng cũng xảy ra từ đây.
 
Có chuyện chạy dự án không? (hỏi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh)
 
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng): Từ lâu nay dư luận vẫn râm ran về chuyện chạy dự án với muôn vàn nẻo đường mà chúng ta ít khi bắt được tận tay, nhưng không có lửa thì làm sao có khói? Đặc biệt là chuyện chạy dự án đối với dự án do Bộ kế hoạch và đầu tư chỉ định thầu ngày càng chạy nhiều hơn. Xin Bộ trưởng khẳng định có chuyện chạy dự án như dư luận của nhân dân hay không? Nếu có thì giải pháp nào, đến bao giờ dẹp được câu chuyện chạy dự án này.?
 
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An): Bộ có hiến kế gì để cứu các công trình, dự án dở dang trong điều kiện chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và tài chính chặt chẽ để có thể đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả trong cuộc sống?
 
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội): Vì sao trong khi các ngân hàng thương mại đang lãi lớn, thu nhập của lãnh đạo và nhân viên cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của xã hội, người dân và doanh nghiệp không vay được vốn thế mà Bộ trưởng vẫn định dùng số tiền ít ỏi của dân để trả nợ xấu cho ngân hàng thương mại? Vậy sẽ có bao nhiêu con đường, bệnh viện, trường học không được xây dựng vì ngân sách phải trả nợ xấu cho các ngân hàng đó? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với nhân dân về đề xuất như thế này?
 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Vào tháng 10/2011, Bộ trưởng đã thấy khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản như Bộ trưởng đã nói, nhưng Bộ vẫn tham mưu xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 là tăng từ 6 - 6,5% để rồi hôm nay, trong báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư có ghi: Với khó khăn của cả nền kinh tế thế giới và trong nước, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6- 6,5% rất khó có thể đạt được. Bộ đưa ra dự báo cả năm có thể đạt từ 5,5 - 6%, vậy dự báo này có cơ sở khoa học hay không?
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Có bao nhiêu dự án đầu tư không hiệu quả? Có bao nhiêu dự án đầu tư lãng phí, không sử dụng được gây thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ đồng và theo đó thì chủ yếu ở đâu và diễn ra trầm trọng nhất từ khi nào kể từ năm 2000 đến nay.?

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: phải chăng ở đây thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết cũng như trách nhiệm đối với nhân dân?


Tại sao viễn thông làm được mà điện không làm được?
(Hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng)
 
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Bộ trưởng hãy cho biết trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đã để tồn tại quá lâu dài sự độc quyền của ngành điện lực và ngành xăng dầu. Tôi đề nghị Bộ trưởng hãy trình bày, giải thích tại sao yêu cầu phá độc quyền của hai ngành này là rất cấp bách, nhưng lộ trình để có thể xóa được độc quyền của ngành điện lực lại có thể kéo dài tới 17 năm?
 
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tái chất vấn): Bộ trưởng có nói đây (ngành điện – PV) là một ngành rất quan trọng, đặc biệt nhưng thực tế ở đất nước ta chúng ta đã có một thực tiễn xóa bỏ độc quyền của ngành bưu chính viễn thông. Đây là một bài học rất tốt bởi vì ngành bưu chính viễn thông cũng từng được coi là một ngành kinh tế đặc biệt, một doanh nghiệp đã từng được coi là độc quyền tự nhiên giống như ngành điện hiện nay, nhưng với quyết tâm thì đã nhanh chóng xóa bỏ được độc quyền, đã phát triển ổn định và đem lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Theo tôi, cần phải có một kế hoạch thật tích cực để rút ngắn lộ trình này và càng rút ngắn được thì càng tốt. Tôi có đủ cơ sở và niềm tin là Bộ trưởng sẽ làm được việc này, phải chăng ở đây thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết cũng như trách nhiệm đối với nhân dân?
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tình trạng thương lái nước ngoài vào Việt Nam… không những đi vào ngõ ngách mà còn lũng đoạn về sản phẩm hàng hóa, về giá cả lừa gạt, gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn, nếu các cơ quan chức năng muốn vào cuộc cũng khó tìm. Đề nghị Bộ trưởng giải trình thêm, là đằng sau những lừa gạt về kinh tế đó có âm mưu gì về vấn đề chính trị, gây rối, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia hay không?
 
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): Bộ trưởng cho biết vì sao khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng ngay với mức tăng cao, nhưng khi giá xăng dầu thế giới hạ thì trái lại giá xăng dầu trong nước hạ không kịp thời, rất chậm, mức hạ không đáng kể. Ở đây có sự tác động của lợi ích nhóm và liên quan đến độc quyền doanh nghiệp xăng dầu hay không?
 
Bao giờ hết "sâu mọt" trong ngành công an? (Hỏi Bộ trưởng Trần Đại Quang)
 
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cụ thể của Bộ công an trong vụ việc này, lý do vì sao bị can Dương Chí Dũng lại trốn thoát được? Bộ trưởng cho biết Bộ đã thực hiện những giải pháp gì để sớm bắt được đối tượng này?
Cử tri vẫn phản ánh, có một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông còn có tiêu cực. Nhận tiền mãi lộ rồi bỏ qua vi phạm. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân góp phần làm mất an toàn giao thông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong vấn đề này?
 
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Đồng chí có giải pháp gì có thể thanh lý những con sâu, con mọt trong ngành, để lực lượng công an chúng ta sẽ trong sáng trở lại, và hình ảnh lại đẹp như xưa. Đồng chí có thể đưa một cái hạn không? Ví dụ, hết nhiệm kỳ Quốc hội lần này thì ngành Công an có thể thanh lý hết những hiện tượng đó không?
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh: Tham nhũng trong ngành công an có nhiều không? tăng hay giảm và có biện pháp khắc phục ra sao?


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc