Người Hà Nội sẽ đi chợ ở đâu?

18:13, 22/06/2012
|

(VnMedia) - Hà Nội dự kiến thay thế tất cả chợ bằng các loại siêu thị từ nhỏ đến lớn, với mong muốn người dân sẽ có cách sống văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi không còn chợ, liệu người dân có vào siêu thị để… đi chợ?

 Ảnh minh họa

 
>> Hà Nội sẽ không còn chợ?

Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 411 chợ, riêng nội thành, bình quân 1 quận có 10,3 chợ lớn nhỏ các loại.
 
Tính thì nhiều chợ như vậy, nhưng theo đánh giá của Sở Công thương, số lượng chợ hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các hộ kinh doanh và nhu cầu mua sắm hàng hoá của dân cư, nhất là các hàng hoá thuộc nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
 
Dự kiến, tất cả những chợ lớn nhỏ này rồi đây sẽ được cải tạo, chuyển đổi, xây dựng lại... thành các siêu thị loại I, loại II, loại III... mà người ta gọi là “chợ hiện đại”, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tuy nhiên, liệu tất cả người dân Hà Nội có vào siêu thị để mua sắm thay cho đi chợ như các nhà quản lý mong muốn? Hãy thử “ngó qua” vài cái chợ mà Hà Nội đã phá bỏ để xây chợ mới hoặc làm siêu thị.
 
Chợ không còn là chợ
 
Chợ Hàng Da trước đây vốn là chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau cỏ và chủ yếu bán da trâu bò sống được phơi khô. Tới khoảng năm 1937-1938, chợ Hàng Da được xây mới và từ đó dần trở nên thân thuộc với người Hà Nội. Trước đây, mặt ngoài của chợ bán đồ hộp, bên trong bán rau quả, thực phẩm. Tầng 2 bán vải, đồ may sẵn và quần áo cũ..., bán mua tấp nập đúng kiểu... chợ.
 
Giờ đây, trên nền đất cũ, biển ngoài vẫn có chữ “Chợ Hàng Da”, nhưng thực chất, chợ này hầu như không có người... đi chợ. “Muốn xây mới, muốn cải tạo thế nào thì cải tạo, nhưng chợ vẫn phải là chợ” - bà chủ cửa hàng Phúc Ân ở 91 Hàng Điếu, một người đã sống gần trọn đời ở con phố nằm ngay trước cửa chợ Hàng Da khẳng định.

 Ảnh minh họa  Ảnh minh họa

 Chợ Hàng Da mới...

...và cái nhìn tiếc nuối của người Hà Nội


Theo lời bà chủ cửa hàng Phúc Ân, từ ngày chợ Hàng Da được xây lại, bà mới bước chân vào “trong đó” (bà không gọi là chợ) một lần. “Đấy, cô nhìn xem, trông có giống cái chợ không? Xung quanh thì bịt kín, bên ngoài thì treo đầy tranh ảnh... Nhiều người đi qua còn không biết đấy là cái chợ. Họ hỏi tôi: Bà ơi, ở trong kia người ta làm cái gì hả bà?.” – bà cụ nói.
 
“Theo tôi, không nên phá chợ cũ xây siêu thị. Chỗ nào chợ là chợ, chỗ nào siêu thị là siêu thị. Siêu thị nên làm ở ngoài phố... từ xưa ở đây là chợ thì cứ để là chợ. Nếu nó sập sệ thì sửa sang cho gọn gàng.” – bà Phúc Ân nói.
 
“Gọi là xây chợ thôi, chứ như thế này là mất chợ, mất cả khung cảnh chợ Hàng Da cũ rồi” – con trai bà cụ Phúc Ân buồn bã nói thêm.
 
Tương tự chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam giờ đây cũng không còn là chợ. “Ối giời, cái biển “đểu” thế thôi cô ơi, bên trong đâu có phải là chợ” - một bác xe ôm thốt lên khi thấy có người hỏi về cái chợ Cửa Nam.

 Ảnh minh họa

Nơi mà người ta gọi là "chợ Cửa Nam"


Người xe ôm này cho biết: "Tuy mặt ngoài chợ vẫn có cái biển ghi là “Chợ Cửa Nam”, nhưng bên trong “biến tướng”, chỉ còn một cái khoảnh rất nhỏ có bầy bán một số mặt hàng. Mà cái gì cũng đắt lắm, bày cho vui thế chứ ai mua?”.
 
Một trong những chợ tồn tại từ rất lâu giữa lòng Hà Nội, với sự buôn bán khá sầm uất, đó là chợ Mơ. Vài năm nay, chợ Mơ được phá đi xây mới với tên gọi “Dự án Chợ Mơ - khối văn phòng”, với quy mô 20 tầng và một bãi đỗ xe với sức chứa 500 ô tô. Trò chuyện với người viết bài này, bác Đàm Quang Hùng, ở ngõ 490 Bạch Mai (đối diện với chợ Mơ) ngán ngẩm nói: “Chỗ này sắp khánh thành rồi, nhưng rồi nó cũng như cái chợ Hàng Da thôi. Không thể gọi là chợ được nữa!”.
 
“Nhà báo nhìn xem, hàng trăm căn hộ thế kia, giá mỗi căn 7-8 tỉ. Toàn người ngoại thành bán đất có tiền đến mua để ở. Con cái họ về đây học, lại thiếu trường. Rồi thì 500 cái ô tô sẽ vào ra chỗ này, đường chỉ có tắc nặng thêm thôi. Mà, tắc quá, họ lại giải toả, mở đường thì chúng tôi đi đâu?” – Bác Hùng lo lắng nói nói thêm.

 Ảnh minh họa

Chợ Mơ rồi cũng như cái chợ Hàng Da thôi...


Người Hà Nội sẽ đi chợ... vỉa hè?
 
Những người làm quy hoạch nói rằng, phá chợ cũ làm siêu thị để người Hà Nội có cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Nhưng, thực tế thì có lẽ không phải như vậy.
 
Theo nhiều người dân sống xung quanh khu vực chợ Hàng Da, từ ngày chợ được xây mới, họ đi chợ ở... vỉa hè, ngõ xóm hoặc gánh hàng rong. Các ngõ nhỏ xung quanh khu vực này giờ đây trở thành những chợ tạm, chợ cóc. Các tiểu thương bán thịt, cá, thực phẩm... trong chợ trước đây, giờ đi thuê nhà trong ngõ để bán hàng. Một chỗ con con, cũng đến vài ba triệu.
 
“Không còn chợ thì cũng tiếc, nhưng mà chúng tôi vẫn mua được hàng ở ngoài, giá cả vừa phải, đồ tươi ngon. Nhiều món đồ như rau, thịt... họ bê đến tận nhà. Chỉ có điều, bây giờ quanh đây lộn xộn lắm. Chứ trước kia còn chợ thì không đến nỗi” - một người dân nói.

 Ảnh minh họa

 Mua bán ở trong ngõ thay vì vào chợ Hàng Da

 Ảnh minh họa

 Người dân đang và sẽ đi chợ ở vì không muốn vào nơi gọi là chợ Mơ


Trong khi đó, ông Đàm Quang Hùng cũng cho biết, từ ngày chợ Mơ bị phá đi để xây lại thành toà nhà tổng hợp, cả người mua, người bán không hẹn mà gặp, rủ nhau vào ngõ nhỏ để mua bán thực phẩm.
 
“Nhưng ngay cả khi sau này nó thành cái siêu thị hay cái chợ hiện đại gì đó, thì phần lớn người dân chúng tôi cũng không thể vào đó hàng ngày như đi chợ được. Chỉ những người thu nhập cao mới vào đó, còn chúng tôi thì đành đi chợ cóc, chợ tạm, hoặc mua của gánh hàng rong thôi. Không còn chợ, chúng tôi vẫn có những cách để thích nghi. Chỉ có điều, cứ bảo là xây siêu thị để có văn minh hơn, nhưng tôi e rằng, trật tự đô thị có khi lại còn đáng lo hơn” - ông Hùng bộc bạch.
 
Tương tự, với những người từng nhiều năm có thói quen đi chợ Cửa Nam, giờ đây, một là họ đi xa hơn, sang chợ Ngô Sĩ Liên hoặc mua tại các ngõ ngách, hàng rong như thường thấy ở các khu vực không có chợ khác.

“Nhưng nếu đúng là Thành phố có ý định phá hết chợ để làm thành siêu thị, tức là không còn cả cái chợ Ngô Sĩ Liên nữa, thì chắc là chúng tôi sẽ đi chợ... vỉa hè thôi. Người bán hàng cũng vậy, đuổi thì họ chạy vào ngõ, bắt làm sao được?.” - một người dân nói khi được hỏi về chuyện đi chợ trong tương lai.

 Ảnh minh họa

Nơi mà người ta gọi là "chợ Cửa Nam"


Một trong những chợ tồn tại từ rất lâu giữa lòng Hà Nội, với sự buôn bán khá sầm uất, đó là chợ Mơ. Vài năm nay, chợ Mơ được phá đi xây mới với tên gọi “Dự án Chợ Mơ - khối văn phòng”, với quy mô 20 tầng và một bãi đỗ xe với sức chứa 500 ô tô. Trao đổi với phóng viên, bác Đàm Quang Hùng, ở ngõ 490 Bạch Mai (đối diện với chợ Mơ) ngán ngẩm nói: “Chỗ này sắp khánh thành rồi, nhưng rồi nó cũng như cái chợ Hàng Da thôi. Không thể gọi là chợ được nữa!”.
 
“Nhà báo nhìn xem, hàng trăm căn hộ thế kia, giá mỗi căn 7-8 tỉ. Toàn người ngoại thành bán đất có tiền về đây mua để ở. Con cái họ về đây học, lại thiếu trường. Rồi thì 500 cái ô tô sẽ vào ra chỗ này, đường chỉ có tắc nặng thêm thôi. Mà, tắc quá, họ lại giải toả, mở đường thì chúng tôi đi đâu?” – Bác Hùng lo lắng nói nói thêm.

"Muốn nói gì thì nói, chợ vẫn phải là chợ!" - ý kiến này của bà chủ cửa hàng Phúc Ân có lẽ khiến nhiều người Hà Nội phải suy ngẫm...


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc