Lương tối thiểu: Cải cách theo hướng tăng dần

14:00, 15/06/2012
|

(VnMedia) - Sáng nay (15/6), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn tại hội trường đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo hướng tăng dần mức lương tối thiểu...

Tham nhũng chưa được đẩy lùi

Báo cáo giải trình tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tham nhũng, lãng phí tuy đã từng bước được kiềm chế, song vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Theo Phó Thủ tướng, những lĩnh vực phát sinh tình trạng tham nhũng nhiều nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp... đã gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Chính phủ cũng sẽ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.

 Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Về khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng thừa nhận hiện đang là vấn đề nổi lên được Quốc hội và cử tri quan tâm. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải quyết KNTC; tổ chức đối thoại với người KNTC, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia của luật sư, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giải quyết KNTC bảo đảm giải quyết có lý, có tình, dứt điểm từ cơ sở.

Liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi đất, nhất là trong thực hiện cưỡng chế của các địa phương, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các hạn chế, yếu kém... chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tự giác chấp hành, trong trường hợp buộc phải cưỡng chế thì cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật.”
 
Lương tối thiểu: 5 lần điều chỉnh vẫn chưa đạt
 
Liên quan đến vấn đề tiền lương, Phó Thủ tướng thừa nhận, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, đã tăng 233% nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

“Chính sách tiền lương chưa động viên được cán bộ, công chức, người lao động gắn bó, tận tâm với công việc và còn nhiều tồn tại khác như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.” - Phó Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo hướng tăng dần mức lương tối thiểu.
 
Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng điều chỉnh chế độ cho phù hợp.

Củng cố, xây dựng tuyến biên giới
 
Liên quan đến vấn đề xây dựng khu kinh tế quốc phòng, đồn biên phòng, đường tuần tra biên giới và trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, việc củng cố và xây dựng tuyến biên giới đất liền dài hơn 4.000 km của nước ta là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược cả trước mắt và lâu dài.
 
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo”, đã triển khai xây dựng trên địa bàn 20/25 tỉnh biên giới với tổng chiều dài là 2.016 km đường, cầu cống bằng bê tông cốt thép.

Về xây dựng đồn biên phòng, từ năm 2000 đến nay, 247/432 đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới đã được xây dựng và phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 100% đồn biên phòng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, từ năm 2000 đến nay, nước ta đã triển khai xây dựng 22 khu kinh tế quốc phòng tại các tỉnh biên giới, đón nhận gần 85 nghìn hộ dân đến sinh sống, giúp dân tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng và phát triển các khu kinh tế quốc phòng, theo đó đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng 32 khu kinh tế quốc phòng và đầu tư chuyển tiếp 21 khu đang triển khai.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc