(VnMedia) - Chiều nay (18/6), cùng với 4 bộ luật khác, Luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm mới có lợi cho người lao động như quy định lương tối thiểu, thời gian nghỉ thai sản,...
Theo dự thảo luật Lao động sửa đổi, tiền lương làm thêm được tính như sau: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Riêng với người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Một trong những vấn đề mà rất nhiều cử tri quan tâm, đó là thời gian nghỉ thai sản của nữ cán bộ công nhân viên. Quá trình thảo luận trước đó, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định nên để chế độ thai sản là 6 tháng và cho rằng đây là quy định rất tiến bộ nhằm bảo đảm sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Về quy định về tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật cơ bản giữ như hiện hành (nam 60, nữ 55) nhưng theo UBTVQH có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao".
Lương tối thiểu sẽ phải đảm bảo mức sống tối thiểu |
Với nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này.
Đặc biệt, Điều 92, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.
“Tùy theo từng thời kỳ, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động”.
Trong khi đó, Điều 93 của dự thảo quy định “Khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động.”
Đây có thể được coi là dự luật được người dân chờ đợi nhất trong kỳ họp Quốc hội này.
Theo chương trình, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Xuất bản sửa đổi.
Ý kiến bạn đọc