Hàng nghìn công trình sai phạm và chuyện “bao che, dung túng”

13:48, 03/06/2012
|

(VnMedia) - Hơn 2 năm qua, Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có những vụ vi phạm nghiêm trọng. Vì sao hàng nghìn trường hợp sai phạm có thể xảy ra ngay trước mắt cơ quan chức năng?

 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, thanh tra xây dựng các quận, huyện đã tăng cường công tác kiểm ta, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Nhiều công trình xây dựng có vi phạm đã được kiểm tra, xử lý, nhất là một số công trình vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

 

Từ ngày 1/1/2010 đến nay, thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có hơn một nghìn trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công, hơn năm trăm trường hợp xây dựng, cơi nới, lấn chiếm, xây dựng mới không phép. Xây dựng sai với giấy phép được phát hiện là 106 trường hợp.

 

Trong số các công trình xây dựng không phép bị phát hiện, chủ yếu tập trung tại địa bàn các huyện, (khoảng 93%).

 

Nhận xét về tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, nhiều chủ đầu tư, trong đó có cả tổ chức và công dân, cố tình vi phạm, thiếu ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật. Trong số các vi phạm nói trên, tập trung chủ yếu là xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thạch Thất, Từ Liêm, Sóc Sơn….

 

Theo “danh sách đen” Sở Xây dựng điểm mặt, một số trường hợp vi phạm gây bức xúc đang được tiến hành xử lý như Công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình sai phép tại số 12 ngõ 168 phố Thụy Khuê; các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Trung Văn (Từ Liêm); các công trình xây dựng không phép tại đường Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy); công trình sai phép tại số 55A, 55B Bà Triệu; các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng)…


 Ảnh minh họa

 Công trình sai phạm tại 55A Bà Triệu


 

Ai bao che, dung túng?

 

Điểm qua tình hình vi phạm kể trên, một câu hỏi mà dư luận đặt ra là: tại sao những công trình xây dựng lớn như vậy mà các cơ quan chức năng lại cứ để sự việc xảy ra nghiêm trọng rồi mới tìm cách xử lý? Chẳng lẽ, các chủ đầu quá tinh vi việc phát hiện sai phạm quá khó khăn, cần phải có nghiệp vụ cao mới phát hiện ra được?

 

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ 1/1/2010 đến nay, Hà Nội đã cưỡng chế, phá dỡ 601 công trình; yêu cầu tự phá dỡ 311 công trình và hiện vẫn đang tiếp tục giải quyết 788 công trình.

Câu trả lời là “hoàn toàn không”!. Theo nhận xét của Sở Xây dựng thì nguyên nhân chính của các sai phạm nói trên là do ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật của một bộ phận tổ chức, công dân rất kém. Tuy nhiên, chính vì để đưa ý thức chấp của người dân vào nề nếp, đi theo đúng quỹ đạo của luật pháp, Hà Nội đã giao trách nhiệm cho các lãnh đạo phường, quận, huyện và các địa phương cũng đã lập ra những đơn vị thanh tra.

 

Nhưng kết cục thì những “con voi” sai phạm to đùng vẫn chui lọt qua các “lỗ kim” là cơ quan quản lý địa phương. Và để khắc phục, Thành phố lại phải chi ra hàng đống tiền để tổ chức thanh kiểm tra và xử lý sai phạm. Đó là chưa kể đến số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng lãng phí khi những công trình sai phạm đó bị phá dỡ.


Đơn cử như công trình xây dựng tại 55A - 55B phố Bà Triệu được Sở Xây dựng cấp phép cho xây dựng 9 tầng với chiều cao 36,1m. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý "đội" thêm 3 tầng với chiều cao 5,2m so với GPXD đã được cấp trước đó. Chuyện xây thêm 3 tầng nhà chứ đâu có phải là thêm 3 hàng gạch mà các cơ quan chức năng không hay biết? Cũng tại quận Hai Bà Trưng, còn hàng loạt công trình sai phạm khác vẫn bị phát hiện như đã kể trên...

Theo nhận xét của Sở Xây dựng Hà Nội thì hiệu quả, vai trò quản lý Nhà nước về quản lý đô thị nói chung và quản lý trật tự xây dựng nói riêng của chính quyền cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Sự yếu kém thể hiện ở việc chậm phát hiện, tư tưởng né tránh, ngại va chạm của một số cán bộ công chức; công tác kiểm tra đôn đốc, hỗ trợ và tham mưu của các ngành cho Thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Chưa và chưa… rất nhiều cái “chưa” dẫn đến những vi phạm vẫn gia tăng hàng ngày và kỷ cương, phép nước vẫn bị coi thường. Tuy nhiên, trong số các cái “chưa” đó, có lẽ phải đặc biệt nhắc đến cả cái “chưa” xử lý cán bộ để lọt những sai phạm nói trên, dù là cố tình hay do năng lực yếu.

 

Chính Sở Xây dựng Hà Nội cũng phải thừa nhận, còn có hiện tượng bao che, dung túng cho hành vi vi phạm dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, gây bức xúc trong dư luận, nhưng việc xử lý cán bộ có vi phạm trong công tác quản lý chưa được thực hiện một cách triệt để, nghiêm khắc.

 

Như vậy, thì ngay cả những người “không xử lý người… không xử lý nghiêm sai phạm” cũng phải chịu trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém trong quản lý trật tự đô thị nói trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần phải xử lý những người bao che, dung túng cho những người chuyên… bao che dung túng sai pham!


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc