(VnMedia) - Nếu nói siêu thị không phải là chợ, thì theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ không còn… chợ.
Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ không xây mới các chợ ở khu vực nội đô từ vành đai 2 đến trung tâm; Hạn chế xây xựng các các chợ ở khu vực từ vành đai 2 đến Sông Nhuệ và khu vực phát triển mới.
Theo đó đối với khu vực nội đô, từ vành đai 2 đến trung tâm, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ, Thành phố sẽ đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới các đại siêu thị và siêu thị hạng II, III tại các khu vực chợ cũ có quy mô diện tích đất chợ nhỏ hơn 3000m2, trên các đường phố thương mại, ở khu vực di dời các cơ sở sản xuất và công sở, ở các khu chung cư được cải tạo.
Trong tương lai, người Hà Nội sẽ không còn được đi chợ đúng nghĩa? |
Tại các khu vực từ vành đai 2 đến Sông Nhuệ (phía nam sông Hồng), bao gồm các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một hần huyện Từ Liêm và một phần huyện Thanh Trì, Thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo các siêu thị hiện có; giữ nguyên các đại siêu thị và siêu thị hạng II, III.
Tại khu vực này, Hà Nôi cũng sẽ xây dựng mới các đại siêu thị và siêu thị hạng II theo các tuyến đường chính và đường hướng tâm, ở những vị trí giao thông thuận lợi, ở các khu đô thị mới, ở các chợ hiện có được nâng cấp, khu vực di dời các xí nghiệp và cơ sở sản xuất, khu tập thể cũ được cải tạo; Xây dựng các siêu thị hạng III ở các khu dân cư và các chợ nhỏ được chuyển đổi.
Hà Nội cũng dự kiến sẽ xây dựng chuỗi đô thị từ Sông Nhuệ đến vành đai 4, bao gồm quận Hà Đông, đô thị thuộc toàn huyện Từ Liêm, toàn huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín. Theo đó, trong khu vực này sẽ giữ nguyên các siêu thị hiện đại; xây dựng mới các đại siêu thị và siêu thị hạng II dọc tuyến vành đai 3 và 3,5, ở các vị trí giao thông thuận lợi trên các trục hướng tâm về đô thị trung tâm.
Thành phố cũng sẽ xây dựng các siêu thị hạng III ở các khu dân cư, đồng thời nâng cấp và cải tạo các siêu thị hiện có và các chợ chuyển đổi.
Các khu vực đô thị Mê Linh, Đông Anh, Long Biên (Gia Lâm), theo bản quy hoạch, sẽ giữ nguyên các siêu thị hiện dại; xây dựng đại siêu thị, siêu thị hạng II và III phù hợp theo quy mô dân cư đô thị, ở các chợ được nâng cấp hoặc chuyển đổi, ở vị trí giao thông thuận lợi, theo vành đai và trục quốc lộ.
Tại các đô thị vệ tinh bao gồm các đô thị Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Thành phố sẽ nâng cấp và cải tạo các siêu thị hiện có; xây dựng mới đại siêu thị, siêu thị hạng II và III ở các chợ được nâng cấp hoặc chuyển đổi, ở vị trí giao thông thuận lợi.
Trong khi đó, Thành phố cũng sẽ xây dựng mới các siêu thị hạng II và III phù hợp theo quy mô dân cư đô thị.
Bỏ chợ làm siêu thị: nên hay không?
Theo khái niệm mới, người ta gọi các chợ vẫn tồn tại hàng trăm năm qua là “chợ truyền thống”, còn các siêu thị là “chợ hiện đại”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, siêu thị không thể gọi là chợ và chỉ có “chợ mới là chợ”.
Vậy, đối với các đô thị, đặc biệt là đối với Hà Nội, liệu có nên phá bỏ, nâng cấp tất cả các chợ thành siêu thị hay không? Và nếu làm theo cách này, chúng ta sẽ được gì, mất gì?
Từ số này, VnMedia sẽ giới thiệu với quý độc giả chùm bài về thực trạng chuyển đổi chợ Hà Nội thành siêu thị nói riêng, cũng như những ý kiến của người dân, của chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề tưởng như rất đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng với đời sống vật chất và tinh thần của người dân đô thị nói chung: Chợ.
Ý kiến bạn đọc