(VnMedia) - Phát biểu tại hội trường sáng nay (4/6), đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị: Nếu phiếu không quá bán thì phải trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc cách chức…
Sáng nay (4/6), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án Đổi mới hoạt động của Quốc hội. Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên), bỏ phiếu tín nhiệm đã được ghi nhận tại Hiến pháp nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa một lần làm thực tế. “Bỏ phiếu tín nhiệm nhưng thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mặc dù đã có các quy định nhưng chưa có tiêu chí để bỏ phiếu đối với một chức danh nên cùng một sự kiện, đại biểu này thấy cần, đại biểu khác là thấy không cần bỏ phiếu. Vì vậy người bị bỏ phiếu không tâm phục khẩu phục.” – đại biểu Lê Thị Nga nói.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên) |
Phân tích về sự cần thiết của hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Thị Nga nói: "Qua giám sát, phát hiện người đó có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng, thì để chứng minh được vi phạm này của một vị Bộ trưởng hay trưởng ngành trở lên, với phương thức bầu hay giám sát hiện hành của Quốc hội là rất khó".
“Ngay trong trường hợp có thiệt hại nghiêm trọng cũng khó qui trách nhiệm cá nhân, nhất là trong tình hình hiện nay, các quyết định quan trọng đều mang danh ý kiến Ban Cán sự, tập thể trước khi cá nhân quyết định” - đại biểu Nga nhấn mạnh.
Trong điều kiện Đảng thống nhất, lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu các Đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước như hiện nay, đại biểu tỉnh Thái Nguyên phân tích:
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chức danh này đều được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng quản lý chặt chẽ, thì ý kiến của Đảng đối với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng. Nếu không có quy định rõ ràng về sự phối hợp giữa Đảng, đoàn Quốc hội với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về vấn đề này, thì bỏ phiếu tín nhiệm khó có thể thực hiện trên thực tế”.
Phải xây dựng tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm
Trước những thực trạng trên, đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra kiến nghị về một giải pháp đồng bộ cho hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, UBTVQH xây dựng dự thảo quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó cần xây dựng tiêu chí và căn cứ rõ ràng trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân theo quy định của pháp luật, cũng như dựa trên việc xây dựng rõ ràng trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi có sự kiện xảy ra.
“Căn cứ tiêu chí rõ ràng vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính. Đặc biệt, tiêu chí rõ ràng sẽ tránh được hiện tượng người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt, nhất là những nhóm giải pháp đụng đến lợi ích của các nhóm dân cư. Nó cũng giúp tránh được xu hướng vì sợ bị bỏ phiếu tín nhiệm mà người đứng đầu chọn giải pháp an toàn, tránh đương đầu với những vấn đề nóng, vì thế không bảo vệ được quyền lợi của số đông người dân” – đại biểu tỉnh Thái Nguyên phân tích.
Cần xây dựng tiêu chí và căn cứ rõ ràng để bỏ phiếu tín nhiệm |
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị có hai hình thức bỏ phiếu, đó là bỏ phiếu định kỳ và bỏ phiếu bất thường khi có sự kiện về việc người có chức danh có vi phạm.
“Bỏ phiếu định kỳ giúp người đứng đầu năng động hơn, luôn tìm cách lãnh đạo bộ máy hiệu quả hơn, tránh mặc cảm bị bỏ phiếu vì đây là hoạt động định kỳ được tiến hành với nhiều đại biểu. Bỏ phiếu định kỳ lần cuối còn là tài liệu khá chuẩn xác để chuẩn bị nhân sự cho khóa sau. Vì vậy chỉ tiến hành vào cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ khi đã có một khoảng thời gian cần thiết để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, đặc biệt là đối với những người mới từ lĩnh vực khác chuyển đến” – đại biểu Lê Thị Nga đề nghị.
Để có căn cứ bỏ phiếu chính xác, trước khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, theo đại biểu tỉnh Thái Nguyên, người được giới thiệu cần có chương trình hành động để đại biểu Quốc hội có căn cứ để bầu và căn cứ để theo dõi người đứng đầu có thực hiện đúng lời hứa hay không. Đồng thời, mỗi chức danh cần có bảng tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, có nhận xét của cơ quan có thẩm quyền. Kết quả bỏ phiếu phải được công khai tại Quốc hội.
Hoạt động bỏ phiếu bất thường, tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm được tiến hành khi có sự kiện xảy ra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của chức danh khiến dư luận cử tri bức xúc hoặc qua kết quả giám sát, thẩm vấn. Để thực hiện được chủ trương này, theo đại biểu Lê Thị Nga, sau mỗi cuộc giám sát, chất vấn cần có Nghị quyết làm rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể để khắc phục những sai sót làm căn cứ cho việc bỏ phiếu.
Đối với phạm vi bỏ phiếu, do số lượng các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất lớn (500 người), đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cần căn cứ vào thẩm quyền các chức danh và thông lệ quốc tế. “Căn cứ vào đó thì việc bỏ phiếu chỉ nên là các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên, các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống nên giao cho UBTVQH tổ chức lấy ý kiến Quốc hội” – đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề xuất.
Một điều hết sức quan trọng mà dư luận gần đây đang quan tâm, đó là kết quả bỏ phiếu và xử lý sau khi có kết quả bỏ phiếu. Theo đại biểu Lê Thị Nga, kết quả bỏ phiếu có thể là các chức danh được tín nhiệm cao hoặc tín nhiệm thấp. “Việc công khai số phiếu tín nhiệm cao là một hình thức khen thưởng xứng đáng đối với người đứng đầu. Nếu phiếu không quá bán thì phải trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc cách chức” – bà Nga thẳng thắn đề xuất.
Trong phần đề xuất của mình, đại biểu Lê Thị Nga cũng nêu lên một vấn đề mà trước đó chưa có đại biểu nào đề cập đến, đó là sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của Đảng.
“Trong điều kiện Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, rất cần thiết phải có quy chế phối hợp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng với Đảng đoàn Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm. Bằng những văn bản quy định cụ thể, rõ ràng, thì quyết định phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội là tổ chức có thẩm quyền của Đảng trong việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ vừa thực hiện được việc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ theo đúng nguyên tắc, điều lệ của Đảng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định” - đại biểu Lê Thị Nga tin tưởng nói.
Ý kiến bạn đọc