(VnMedia) - Váy áo xúng xính, một chút son phấn tô hồng đôi má, đôi môi…các bé đang mang trong mình loại virus HIV/AIDS chẳng có khác biệt. Những gương mặt ngây thơ, vô tư ca hát, quên hết những cái chết đang cận kề.
Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Báo điện tử VnMedia phối hợp với Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Nga (Hải Phòng) và độc giả đã đến thăm hỏi, tặng quà 21 cháu bé bị nhiễm HIV/AIDS đang được Trung tâm Thanh Xuân (số 60 Nguyễn Văn Hới – Thành Tô – Hải An – Hải Phòng) nuôi dưỡng.
Mỗi phần quà bao gồm quần áo, sữa và đồ chơi tuy có giá trị vật chất không lớn nhưng gửi gắm vào đó là những tấm lòng trân thành, tình thương yêu chia sẻ sâu sắc của độc giả VnMedia dành cho các cháu bé có số phận không may mắn.
Những phận người tột cùng bất hạnh
Nụ cười hồn nhiên khi được chụp ảnh |
Váy áo xúng xính, một chút son phấn tô hồng đôi má, đôi môi…nếu không phải chúng tôi đã có dịp gặp các bé trước đó, được biết về hoàn cảnh của các bé thì chắc chắn sẽ chẳng ai nhận ra, những gương mặt xinh xắn, đáng yêu ấy đang mang trong mình loại virus chết người.
Đêm hội của các bé giản dị nhưng đầy ắp hạnh phúc, yêu thương. Những gương mặt ngây thơ, rạng ngời hạnh phúc vì được là diễn viên trong chính đêm hội của mình. Các tiết mục văn nghệ đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn”, được chính các mẹ ở Trung tâm dàn dựng, dạy các bé. Thế mà cũng chuyên nghiệp lắm, những động tác múa thuần thục, đẹp mắt đã nhận được sự tán thưởng nhiệt tình từ phía khán giả.
Hoạt cảnh Tấm và Cám được các bé diễn lại đầy cảm xúc. Trong vở diễn có cảnh cô Tấm ngồi trước mộ mẹ khóc rấm rức vì bị mẹ con Cám bắt nạt. Bé Thùy (5 tuổi) đã khiến chúng tôi nghẹn đắng nước mắt. Tiếng khóc như chính tiếng lòng của cô bé mồ côi. Bé Thùy cũng chẳng còn mẹ. Cô bé được sinh ra đúng ngày cha chết vì AIDS ấy đã bị người mẹ nhẫn tâm rũ bỏ khi vừa tròn 1 tháng tuổi. Cũng bởi lẽ ấy, bà nội gọi Thùy là Ớt, bà bảo cuộc đời bé cay như Ớt là thế. Thương cháu nhưng bà nội già và nghèo quá, chẳng thể cưu mang nên buộc lòng phải gửi bé vào mái nhà Thanh Xuân này.
Sau tiết mục diễn kịch là một bài đồng ca. Tất cả các bé xếp hàng ngay ngắn và say sưa hát vang. Trong số ấy, bé Khánh Linh (6 tuổi) nổi bật hơn hẳn bởi gương mặt xinh xắn, mái tóc tém dễ thương. Khánh Linh được sinh ra bởi một người phụ nữ bán dâm đẹp nổi tiếng ở vùng Cát Bà – Hải Phòng. Bố mẹ Khánh Linh đều đã chết bởi căn bệnh thế kỷ, để lại cô bé cho bà ngoại mới ngoài 60 nhưng nhìn già nua, khắc khổ như bà lão 80. Bé Linh không tránh khỏi “bản án tử” thừa hưởng từ bố mẹ nên sức đề kháng rất kém. Với đồng tiền công 20 nghìn/ngày của bà không đủ điều kiện để chăm sóc cô bé. Khi mới được các mẹ ở Trung tâm đón về, toàn thân cô bé bị lở loét, ngứa ngáy, các mẹ phải thuốc men chạy chữa mãi, bé Linh mới khỏi.
Ngôi nhà hạnh phúc của trẻ có HIV
Các bé nhiễm HIV hồn nhiên múa hát trong Tết thiếu nhi |
Ở Trung tâm Thanh Xuân này, 21 đứa con của mẹ Thủy (Bác sỹ Phạm Bích Thủy – Giám đốc Trung tâm ) đứa nào cũng đặc biệt bởi chúng có những hoàn cảnh xuất thân tột cùng bất hạnh. Cả 21 cháu đều dương tính với HIV/AIDS, trong số đó có 4 cháu mồ côi một vế, 6 cháu mồ côi cả hai vế, 7 cháu may mắn còn bố mẹ nhưng hai cặp bố mẹ đang phải chấp hành án tù còn 5 cặp bố mẹ đang đối mặt với cái chết bởi AIDS giai đoạn cuối, 3 cháu bé không có bố còn mẹ bỏ đi mất tích, một cháu bé 16 tháng tuổi bị mẹ ruột bỏ rơi ở Bệnh viện, cũng chẳng biết bố đẻ còn sống hay đã chết.
Được thành lập hơn 3 năm nay theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hải Phòng, tuy điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm còn thiếu thốn nhưng với những đứa trẻ bất hạnh có H, nơi đây như một ngôi nhà bình yên của chúng trong những ngày còn được hưởng dương.
Hiện nay, theo tiêu chuẩn chế độ, mỗi ngày một cháu được 21 nghìn đồng tiền ăn uống, sinh hoạt. Số tiền ít ỏi ấy, dù các mẹ ở Trung tâm có khéo “liệu cơm gắp mắm” đến mấy, bữa ăn của các bé vẫn chẳng thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của những cơ thể héo mòn vì bệnh tật. Thi thoảng có nhà hảo tâm ủng hộ, có mạnh thường quân giúp đỡ, bữa ăn của các bé có thêm sữa, thêm thức ăn nhưng cũng chẳng thường xuyên. Các bé có sức đề kháng yếu, ốm đau liên miên, trong các đợt dịch sốt hay chân tay miệng, bao giờ các bé cũng là những bệnh nhân đầu tiên của Viện nhi. Hàng ngày, các bé được uống thuốc kháng virus chết người, thứ thuốc ấy giúp các bé kéo dài hơn sự sống nhưng cũng khiến thân thể các bé mệt mỏi, héo mòn.
Có một hạnh phúc lớn lao mà có lẽ ít đứa trẻ bệnh tật như các bé được hưởng, đó là niềm hạnh phúc được đến trường. Các bé đến tuổi đi học đều được Trung tâm tạo điều kiện, được các trường học trong khu vực đón nhận. Trong năm học 2011- 2012, có 10 cháu được đến trường thì cả 10 cháu đều là học sinh khá giỏi. Thế nhưng, để các bé có sức khỏe đến trường đều đặn hơn, vẫn cần lắm những tấm lòng chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc