"Bộ trưởng phải nhận thấy bệnh của mình để sửa"

15:28, 14/06/2012
|

(VnMedia) - "Chất vấn là việc làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn. “Anh” có rõ trách nhiệm của anh thì mới nhận thấy bệnh của anh để anh sửa" - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền trao đổi với VnMedia bên lề Quốc hội sáng 14/6.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: “Anh” có rõ trách nhiệm của anh thì mới nhận thấy bệnh của anh để anh sửa


- Ông từng nói rằng, chất vấn và trả lời chất vấn là làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng. Ông có thể giải thích rõ về điều này?

 

Mỗi Bộ trưởng phải thuộc (tường tận - pv) lĩnh vực quản lý của mình. Lĩnh vực quản lý nhà nước có rất nhiều nội dung, nhưng phân thành hai mảng. Một là quản lý chính sách, hai là tổ chức thực hiện, chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách.

 

Khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng phải phân định được cái gì thuộc về chính sách. Yếu kém về mặt chính sách là gì? Anh không rà soát, không tổng kết, không hỏi ý kiến của những người chịu sự tác động của điều chỉnh để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội về những vấn đề hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện chính sách nên tạo ra những lỗ hổng trong quản lý nhà nước thì anh phải nói rõ năng lực của anh đến đâu, trách nhiệm đến đâu.

 

Cái thứ hai là tổ chức thực hiện. Trong tổ chức thực hiện thì quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Anh đã làm tốt chưa, anh đã chỉ đạo thường xuyên chưa, và trách nhiệm của anh tới đâu?. Trách nhiệm ở đây theo phân cấp, nhưng phải rõ. 


Nếu chúng ta cứ nói rằng giải pháp sắp tới Bộ trưởng làm gì... cái đó cần thiết, nhưng cái cần thiết hơn hết mà ngay tại điều 2 Luật Giám sát của Quốc hội đã quy định rằng, chất vấn là việc làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn. “Anh” có rõ trách nhiệm của anh thì anh mới nhận thấy bệnh của anh để anh sửa, còn nếu không rõ bệnh thì làm sao mà sửa được?

- Nhưng có ý kiến cho rằng, theo cơ chế của mình thì một việc nhưng có nhiều cơ quan liên quan nên nói Bộ trưởng nhận trách nhiệm rất khó…?

 

Đúng là mỗi một Bộ hiện nay quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, và giữa các Bộ thì có mối quan hệ phối hợp. Tuy nhiên, vì “anh” thống nhất quản lý nhà nước ở lĩnh vực của anh thì anh phải chịu trách nhiệm, không thể nói là không chịu trách nhiệm được.

 

Anh phải chịu trách nhiệm về liên đới, trách nhiệm về quản lý cán bộ, kiểm tra cán bộ, kiểm tra thanh tra và chỉ đạo điều hành, còn việc phối hợp giữa các bộ như thế nào thì đó là trách nhiệm chung của Chính phủ. Ở đây thiếu luật về nền công vụ nhà nước. Luật này quy định ở mỗi cấp thì trách nhiệm tới đâu; trong nền công vụ đó, mối quan hệ giữa các cấp về trách nhiệm như thế nào… luật đó chúng ta thiếu và chúng ta chưa làm. Tôi kiến nghị mãi rồi mà vẫn chưa làm.

 

Luật cán bộ công chức, Luật viên chức có rồi, nhưng Luật công vụ quy định về trách nhiệm của cán bộ công chức, quy định về mối quan hệ trách nhiệm, giới hạn trách nhiệm và phạm vi trách nhiệm và người chịu trách nhiệm, việc xử lý trách nhiệm đó… Những quy định này thì Luật công chức, viên chức thiếu. Vẫn chỉ có văn bản rải rác, văn bản quy phạm.

 

- Vậy vì sao mà luật này chưa được làm, thưa ông?

 

Thì người ta đang xây dựng, nhưng mà đang khó và chưa thấy trong chương trình. Một nền hành chính mà không có luật về nền công vụ nhà nước thì rất không rõ trách nhiệm.

 

- Ông thấy các Bộ trưởng trả lời thế nào?

 

Hôm qua, có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời tốt, thẳng thắn, nắm được vấn đề và nhận được khiếm khuyết của mình. Còn các Bộ trưởng khác cứ nêu giải pháp, thực trạng. Giải pháp thực trạng ai chả biết? Vấn đề là anh phải nhìn thấy được khuyết điểm của anh, nhìn thấy được trách nhiệm của anh, nhìn thấy năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong Bộ của anh… thì anh mới chỉ đạo được.

 

- Còn với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì sao, thưa ông?

 

Cũng vẫn còn chung chung, dù rất cầu thị nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm ở đâu. Ví dụ như vụ sông Tranh chẳng hạn. Với vụ việc này thì trách nhiệm thiết kế thế nào, trách nhiệm nghiệm thu ra sao, đã xử lý đến đâu, tất cả những người đó đều phải làm rõ trách nhiệm.


Kể từ đấy (khi sự cố xảy ra - PV) đến giờ, bao nhiêu tháng rồi, nửa năm nay rồi, các cơ quan nhà nước đã thanh tra, kiểm tra, kết quả như thế nào, phải nói rõ với dân là chúng tôi đã thanh tra thế này, đã kiểm tra thế này, chúng tôi đã xử lý cán bộ thế này… Không thể nói chung chung là chúng tôi đang tìm cách khắc phục… không thể nói thế được. Tôi không hỏi cái đó, tôi muốn hỏi rằng, liên quan đến sự cố đó thì trách nhiệm của những người có liên quan là như thế nào, phải trả lời rất rạch ròi như thế.

 Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội

 

- Theo ông, có cách nào để “ép” các Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong khi chưa có Luật Công vụ không?

 

Trong khi chưa có Luật công vụ thì Luật tổ chức Chính phủ, các Nghị định về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, một số văn bản pháp luật có liên quan cũng quy định khá đầy đủ, khá rõ trách nhiệm của Bộ trưởng và những người thi hành công vụ. Luật cán bộ công chức cũng có quy định rồi.

 

Vấn đề là Quốc hội phải tăng cường chất vấn và giám sát, phải sít sao. Ở các nước gọi là sự truy đuổi, sát sao của đại biểu của dân đối với những người thực hiện công quyền. Còn đại biểu của mình đôi khi cũng hơi hiền lành, cũng hết sức chia sẻ cho nên Bộ trưởng thì có ông thấy trách nhiệm của mình, có người chưa. Việc đó vẫn diễn ra.

 

Ở mỗi vị trí đều có trách nhiệm của mình. Đại biểu của dân thì phải giám sát, truy đến cùng trách nhiệm, để cho những người có quyền lực như vậy người ta thấy được trách nhiệm trong việc thực hiện. Nhà nước giao cho anh quyền lực, và anh thực hiện quyền lực đó phải vì dân. Tất nhiên là luật của ta đang thiếu…

 

- Thế nhưng, nếu sau mỗi một kỳ họp như thế này mà Bộ trưởng vẫn không nhận thấy trách nhiệm và vẫn nói chung chung thì sao?

 

Thì đương nhiên là các đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, rồi xem xét có bầu lại hay không bầu lại. Nhưng bỏ phiếu tín nhiệm cũng đang bất cập về cơ chế. Theo tôi, bỏ phiếu tín nhiệm thì phải có đủ thông tin, phải có quy trình. Tất cả những cái đó phải rất bài bản, không thể cứ nói bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu tín nhiệm được, phải có luật, phải có cơ chế, có quy phạm, có chế định cung cấp thông tin.

 

Đại biểu Quốc hội mà không có thông tin thì làm sao mà bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng được? Hàng tháng, hàng năm, Bộ trưởng phải gửi báo cáo về trách nhiệm của mình, về kiểm điểm của mình để các đại biểu biết là ông ấy làm cái gì và ông ấy không làm cái gì.

Ngoài ra còn có cơ chế giám sát, yêu cầu đưa ra Quốc hội điều trần ở các uỷ ban …

 

- Chính phủ có trách nhiệm gì về các Bộ trưởng, thưa ông?

 

Chính phủ phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ những điều hành kinh tế, xã hội của đất nước.

 

Nhưng thực ra, mỗi Bộ trưởng là một Chính phủ trên một lĩnh vực. Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ, nói đến Bộ trưởng tức là nói đến Chính phủ trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước, chứ không phải nói đến Bộ trưởng là nói đến riêng ông Bộ trưởng đó. Và người ta phê phán các Bộ trưởng tức là người ta phê phán Chính phủ.

 

Theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội thì các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ với tư cách là thành viên, còn chịu trách nhiệm trước Quốc hội với tư cách là đại diện cho Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó. Luật quy định rất rõ rồi.

 

- Xin cảm ơn ông!


Xuân Hưng - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc