(VnMedia) - Sáng nay 13/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đầu tiên tại hội trường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang là người đầu tiên đăng đàn.
Các câu hỏi của đại biểu sáng nay rõ ràng, tập trung vào 2 vấn đề là đất đai và môi trường. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Quang Minh chưa làm các đại biểu hài lòng.
Đất đai: “Làm thế nào?”
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Nam Định) cho rằng, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng trong tham mưu cho Chính phủ, nhưng “rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”. Đại biểu Sơn đặt câu hỏi: “Để giải quyết những vấn đề tồn tại, đề nghị Bộ trưởng cho biết đã, đang và sẽ có giải pháp cụ thể gì để giải quyết những bức xúc của cử tri”.
Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đặt câu hỏi: “Hiện nay đang tồn tại một số hạn chế và bất cập trong chính sách huy động tích tụ đất đai thời hạn, hạn điền trong giao đất, chuyển giao quyền sử dụng đất trong nông nghiệp để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và hiện đại. Trách nhiệm là người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng sẽ đề xuất và kiến nghị gì với Trung ương để giải quyết những tồn tại trên, đặc biệt sắp tới sẽ sửa đổi Luật đất đai?”
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn tại hội trường |
Trong khi đó, quan tâm đặc biệt đến vấn đề phức tạp trong khiếu nại liên quan đến đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành trong vai trò tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách và trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc.
"Tại sao kết quả giải quyết của ta đạt được rất cao, trên 90% mà người dân vẫn còn khiếu nại nhiều, liệu các giải pháp ta đưa ra như thế có vấn đề không? Trong khi chờ đợi sửa Luật đất đai và một số văn bản dưới luật có liên quan Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng làm gì để tham mưu cho Chính phủ giải quyết dứt điểm các điểm nóng về lĩnh vực đất đai?” - đại biểu Kim Bé hỏi.
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói rằng, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực khá bức bách trong vấn đề quản lý tài nguyên. Theo Bộ trưởng, từ khi có luật đất đai 2003 đến nay, nổi lên một loạt vấn đề phức tạp tại các địa phương. “Nguyên nhân dẫn đến tình hình này trước hết là do công tác tổ chức bồi thường hỗ trợ ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng trong quá trình thuhồi đất, mặt khác, tiến hành chưa cương quyết”.
Bộ trưởng cho rằng, vấn đề thu hồi, đền bù đất đai liên quan đến lợi ích của nhà nước và người sử dụng đất và đây là nguyên nhân cơ bản dẫn tới khiếu kiện, điển hình là giá đất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đánh giá rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ cũng có nghị định 69 và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có bước tiến đáng kể. Đã giải quyết tương đối cơ bản những vấn đề liên quan giá đất, bồi thường. “Còn vấn đề hỗ trợ, quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi so với trước đây, tình hình cải tiến nhiều, người dân đồng tình hơn”- Bộ trưởng nhấn mạnh và tiếp tục khẳng định, Nghị định 69 góp phần căn bản trong vấn đề giải quyết bức xúc…
Trước cách trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “nhắc nhở”: “Tôi thấy đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé hỏi một câu rất rõ mà đồng chí Bộ trưởng chưa trả lời, những vấn đề tồn đọng bức xúc, khiếu nại, tố cáo, ý kiến của Bộ trưởng giải quyết thế nào và bao giờ xong? Tôi biết chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 513 tồn đọng, trong năm nay phải cố gắng gỡ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé hỏi chỗ đó, Bộ trưởng trả lời thêm, đồng chí nói rõ trong lĩnh vực đất đai của đồng chí.”
Tuy nhiên, sau lời gợi ý này của Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường lại một lần nữa làm đại biểu thất vọng khi 2 lần lặp lại câu “làm thế nào”.
“Trong tổng kết vừa qua, trong giải quyết đơn thư khiếu nại Thủ tướng chủ trì thì hiện nay còn khoảng trên 500 đơn, hướng tới là cần phải tập trung các địa phương, trong đó có các cơ quan Trung ương nữa thì làm thế nào tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài này. Hướng là như vậy, còn cụ thể giải quyết từng vụ việc thế nào thì đó là trách nhiệm của địa phương, trong đó có tham mưu của chúng tôi để làm thế nào tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc kéo dài đó.”
Môi trường: “bao giờ?”
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi thị An (đoàn Hà Nội) chất vấn thẳng về thái độ của Bộ trưởng về phương hướng giải quyết một số vụ việc nổi cộm trong thời gian gần đây cũng như vấn đề tồn tại của môi trường.
“Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết để các dòng sông Việt
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng khẳng định “về trách nhiệm của Bộ tài nguyên và môi trường, quan điểm của chúng tôi là chúng ta không hy sinh môi trường bằng mọi giá”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng không nêu ra được giải pháp cụ thể nào và cho rằng, “đây là câu hỏi hết sức hóc búa.”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn sáng 13/6 |
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội lại phải nhắc nhở: “Đồng chí An có hỏi là dòng sông xanh thì liệu có trở lại được không. Bộ trưởng có làm cho trở lại dòng sông xanh được không.?” và Bộ trưởng lại tiếp tục trả lời: “Theo tôi, vấn đề là thời gian thì đến bao giờ? Nhưng hướng và quyết tâm của chúng ta là kiên quyết phải làm xanh lại. Bao giờ xanh lại thì cũng cần phải có thời gian.”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng không nói nhiều đến trách nhiệm của ngành mà nhấn manh: “Ở đây, tôi muốn nói ý thức của người dân, ý thức của doanh nghiệp để chúng ta bảo vệ môi trường này. Khi đạt đến một trình độ nhất định thì các vấn đề sẽ dần được giải quyết hết.”
.
Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Hai Bộ trưởng trả lời khá đây đủ, nhưng cũng có những việc cần phải giải thích bổ sung thêm để trong quá trình triển khai công việc của ngành mình. Ông cũng cho rằng, “những vấn đề mà các đại biểu quan tâm là những vấn đề lớn mà Bộ trưởng đã phát biểu trả lời chất vấn cũng như đã hứa trước Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng tiếp tục thực hiện tốt”.
Ý kiến bạn đọc