(VnMedia) - Trước việc phản ứng của Sở Giao thông vận tải và Hiệp Hội vận tải Hà Nội về việc đóng cửa bến xe Lương Yên từ 1/7, đơn vị quản lý bến xe vừa đề xuất lùi thời hạn di dời bến đến hết quý 3/2012.
>>>Chưa thể “đóng cửa” bến xe Lương Yên vào 1/7
Văn bản đề xuất vừa được ông Trần Ngọc Thiều, Giám đốc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên (đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên), chi nhánh của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc gửi lên Sở Giao thông Vận tải nêu rõ, việc đóng cửa biến xe này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải quản lý hơn 300 đầu xe. Vì thế, công ty chưa thể đóng cửa bến xe từ 1/7 theo yêu cầu của chủ đầu tư để xây dựng tòa nhà hỗn hợp cao tầng, mà cần phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể và phải chờ quyết định của Sở Giao thông vận tải.
“Thời gian chấm dứt hoạt động hợp lý nhất của bến xe là kéo dài đến hết quý III năm 2012. 3 tháng có lẽ là thời gian phù hợp để nhà xe tìm bến mới để tiếp tục hoạt động,” ông Thiều bày tỏ quan điểm.
Theo ông Giám đốc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, từ năm 2010, công ty đã có dự định đóng cửa bến xe Lương Yên. Vì thế, tất cả các hợp đồng công ty ký với doanh nghiệp vận tải ở đây chỉ đến hết ngày 30/6. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công ty mới đủ điều kiện để ra thông báo và đề nghị cơ quan chức năng xem xét đóng cửa bến
Lo ngại xe khách chạy dù sau di dời bến
Trước quyết định trên của đơn vị quản lý bến xe, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội cho rằng, thời hạn chót đóng bến Lương Yên vào tháng 9 tới sẽ làm cho đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác, sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp chỉ trong một tuyến.
“Việc bố trí xe tại các bến, phân bổ số lượng như thế nào là do quyết định của Sở Giao thông Vận tải. Các đơn vị vận tải chỉ thực hiện theo đúng lộ trình đã được quy định,” ông Liên chia sẻ.
Đang hoạt động, đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên bỗng dưng xin đóng cửa bến gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. |
Tuy nhiên, ông Liên cũng đặt ra câu hỏi, các doanh nghiệp vận tải làm thế nào để ổn định hành khách để không chồng chéo tuyến lên nhau do việc điều chuyển xe về các bến sẽ làm tăng tần suất xe hoạt động, trong khi lượng khách lại hạn chế.
“Khung giờ chạy xe sẽ có sự thay đổi nếu như các đầu xe của bến Lương Yên chuyển về các bến. Một số nhà xe do không cạnh tranh được thị phần khách nên sẽ nảy sinh chạy dù,” ông Liên nhận định.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải, ông Liên kiến nghị nên kéo dài hoạt động bến xe Lương Yên chậm nhất hạn chót xóa sổ bến là vào 31/12 năm nay.
Chờ Sở Giao thông ... gỡ rối
Chiều 12/6, trước thời hạn di dời, hàng trăm lượt xe khách vẫn hối hả ra vào bến xe Lương Yên đón, trả khách. Tuy nhiên, đằng sau sự hối hả đó là nỗi lo lắng của cánh tài xế và chủ xe trước tình cảnh bến xe sắp ngừng hoạt động.
“Cả tuần nay chủ xe chúng tôi chạy tá hỏa khắp nơi đi tìm bến mới nhưng chưa tìm được bến thích hợp. Bến vào được thì thời gian chạy oái oăm hoặc rất ít khách. Bến Gia Lâm khả thi nhất cả về hướng tuyến và lượng khách từ bến Lương Yên sang, nhưng nốt xe còn lại không hợp lý cho hành khách ruột”, anh Hoàng Văn Thành lái xe 14B-00159 chạy tuyến Lương Yên - Quảng Ninh cho biết.
Theo anh Thành, nếu bến xe Lương Yên di dời, đơn vị quản lý bến xe cần tạo điều kiện cho nhà xe thời gian chuẩn bị phương án. Hơn nữa, thành phố cũng phải có kế hoạch sắp xếp các đầu xe ở bến Lương Yên về các bến hợp lý nhất và phải thay đổi lịch trình về bến, xuất bến để chủ phương tiện không bị thiệt thòi.
Không chỉ những nhà xe đang hoạt động tại bến Lương Yên không biết đi đâu về đâu mà các doanh nghiệp đang hoạt động tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình cũng đều tỏ ra rất lo lắng, bởi: Nếu số lượng xe lớn như vậy mà chuyển về các bến xe làm tăng tần suất xe hoạt động, trong khi lượng khách lại hạn chế. Hiện tại cung vượt quá cầu thì việc tiếp tục bổ sung xe vào khai thác sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho các doanh nghiệp.
Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, bến xe này có thể đạp ứng thêm vài chục xe nữa tuy nhiên việc điều chỉnh hướng tuyến rất khó vì lượng khách có hạn. “Nếu Sở Giao thông xếp thêm xe, bến Giáp Bát đáp ứng khoảng gần 30 đầu xe chạy các tuyến Quảng Ninh và Hải Phòng. Tuy nhiên, tôi chỉ e lượng khách có hạn nến tăng tần suất lượt xe dẫn đến việc gây khó khăn cho nhà xe đang hoạt động ổn định trong bến”, ông Thành nói.
Theo Giám đốc bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc, đến nay bến xe này vẫn thoáng có thể đáp ứng thêm rất nhiều đầu phương tiện. Vì thế, nếu bến xe Lương Yên đóng cửa và Sở Giao thông có kế hoạch cụ thể thì bến Gia Lâm có thể đáp ứng thêm gần 200 lượt xe/ngày. “Chỉ cần nhà xe đáp ứng đầy đủ yêu cầu vận tải hành khách chúng tôi sẽ tạo điều kiện hoạt động ở bến xe Gia Lâm”, ông Trúc khẳng định.
Trước đó, Công ty Lương thực cấp I Lương Yên (đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên), chi nhánh của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã liên tục có những văn bản gửi Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu chấm dứt hoạt động bến xe Lương Yên từ ngày 1/7, để bàn giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam thực hiện dự án Xây dựng công trình hỗn hợp nhà cao tầng.
Ý kiến bạn đọc