An toàn vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp

10:02, 30/06/2012
|

(VnMedia) - Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp và trong các làng nghề, với tổng số lao động gần 150.000 người, trong đó, hơn 1.200 doanh nghiệp có yếu tố độc hại và hơn 80.000 lao động tiếp xúc với các yếu tố độc hại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh nghề nghiệp sẽ ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có những biện pháp ngăn chặn và quản lý hiệu quả.

Một thực tế đã tồn tại từ lâu và cũng là khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đó là hầu hết người sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, chỉ tập trung sản xuất và chú ý đến hiệu quả kinh doanh. Bản thân người lao động một phần do không hiểu biết, một phần do chuyện “miếng cơm, manh áo” nên cũng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe và quyền lợi của mình, dẫn đến tồn tại tình trạng mất ATVSLĐ và hình thành các bệnh nghề nghiệp ở nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Một con số thực sự đáng lo ngại cho công tác an toàn lao động hiện nay là trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp mới chỉ có 7 doanh nghiệp thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đã có nhiều lao động mắc bệnh nghề nghiệp dẫn đến bị điếc, sạm da... 93 doanh nghiệp đo môi trường lao động và 124 doanh nghiệp khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Qua hoạt động kiểm tra công tác y tế lao động ở 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cuối tháng 9 vừa qua càng cho thấy tình trạng mất ATVSLĐ và sự thờ ơ của các doanh nghiệp đối với vấn đề này thực sự đáng báo động.

Chỉ có 5/14 doanh nghiệp xây dựng được chính sách sức khỏe người lao động; 6/14 doanh nghiệp có cán bộ y tế; 3/14 doanh nghiệp bố trí trang bị thuốc và phác đồ sơ cấp cứu; 4/14 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; 3/14 doanh nghiệp đo môi trường lao động và lập hồ sơ vệ sinh lao động; 5/14 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động... và không một doanh nghiệp nào tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Công tác kiểm tra mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn trong các khu, cụm công nghiệp, đối với lao động ở các làng nghề thì vấn đề còn bức xúc hơn rất nhiều, bởi các yếu tố độc hại, nguy hiểm cho người lao động tập trung chủ yếu ở các làng nghề và chưa có bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nào từ phía ngành chức năng.

Được biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị quản lý Nhà nước về chính sách lao động thường xuyên phối hợp với Trung tâm huấn luyện ATVSLĐ, Bộ Lao động, các địa phương, các doanh nghiệp để tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, cấp giấy chứng nhận, thẻ an toàn cho chủ sử dụng lao động, người lao động... Đồng thời kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách lao động ở các doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động-Môi trường và Giám định y khoa Bắc Ninh cũng tổ chức công tác tuyên truyền và tập huấn về an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động với những nội dung thiết thực như: Tập huấn về tác hại nghề nghiệp và biện pháp phòng, chống; phổ biến các văn bản pháp quy, nâng cao hiệu quả làm việc là sức khỏe lao động; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; cấp phát tờ rơi, pano, áp phích về an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp... nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như người lao động nhận thức đầy đủ về vấn đề an toàn cho bản thân, song xem ra hiệu quả vẫn chưa thực sự khả quan, vẫn phổ biến tình trạng mất ATVSLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Có lẽ biện pháp tiên quyết nhất để bảo đảm ATVSLĐ và hạn chế bệnh nghề nghiệp hiện nay chính là phải phát huy được vai trò của các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể và nhất là vai trò của tổ chức công đoàn trong mỗi doanh nghiệp, đơn vị để cùng tham gia vào công tác này. Ngoài ra, ngành chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành mạng lưới ATVSLĐ, mạng lưới y tế lao động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm về chính sách lao động, an toàn lao động... để từ đó buộc các doanh nghiệp phải đưa hoạt động này vào nền nếp, song song với sự phát triển sản xuất, kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp hiện nay.


Thanh Hà

Ý kiến bạn đọc