UNDP "mổ xẻ" chuyện giá điện ở Việt Nam

10:48, 16/05/2012
|

(VnMedia) - UNDP đánh giá rằng, Việt Nam đang áp dụng giá trần đối với điện và mức trợ giá gián tiếp rất lớn đối với năng lượng. Những chính sách này là không bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người khá giả hơn là cho người nghèo…

 

Phát biểu tại Hội thảo Biến đổi khí hậu tổ chức tại Hà Nội ngày 15/5, ông Koó Neejes, Cố vấn chính sách biến đổi khí hậu UNDP Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của UNDP, dự báo đến năm 2030, than sẽ đáp ứng hơn 56% toàn bộ công suất sản xuất điện. Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn than mỗi năm. Tiêu thụ các sản phẩm xăng, dầu đã tăng lên rất nhanh và trong 5 năm tới, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu dầu hoàn toàn nếu xét về mặt khối lượng.

 

UNDP phân tích, giá điện tại Việt Nam được quy định theo mức giá trần và có sự khác biệt giữa các đối tượng sử dụng khác nhau. Giá than trong nước được định giá thấp hơn so với thị trường thế giới để có thể sản xuất điện và các ngành công nghiệp liên quan ở mức giá rẻ. Ngoài ra, biện pháp trợ giá trực tiếp (là các trường hợp ngoại lệ) cũng đã được sử dụng.

 

Báo cáo của UNDP cho biết, IEA ước tính, các khoản trợ giá tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch (gián tiếp) theo cách tiếp cận “giá trần” ở Việt Nam là 2,1 tỷ USD trong năm 2007, 3,56 tỷ USD năm 2008, 1,2 tỷ USD năm 2009 và 2,93 tỷ USD năm 2010, chủ yếu phân bổ cho ngành điện. Theo tính toán này, thì số tiền phân bổ cho ngành điện dao động từ 1 đến 4% GDP tính theo giá trị của USD hiện tại.

 

Theo phân tích của UNDP, các khoản lỗ của ngành điện ở các doanh nghiệp nhà nước cuối cùng lại do Chính phủ gánh chịu. Về cơ bản, đó chính là các khoản trợ giá gián tiếp. Hiện nay, các kế hoạch định giá theo khung biểu giá đang áp dụng đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt và đối với các đối tượng sử dụng thương mại và công nghiệp. Năm 2011, Chính phủ giao cho EVN nhiều quyền hơn trong việc định giá điện, nhưng trong giai đoạn này và cả năm 2011, EVN chỉ tăng giá điện ở mức tỷ lệ thấp hơn lạm phát.

 

Biểu giá điện trung bình năm 2010 tại Việt Nam ước tính là 7cent Mỹ/kWh, trong khi giá trung bình của khu vực ASEAN là 10 cen Mỹ. Trong khi đó, theo tính toán của UNDP, để trở nên bền vững về mặt tài chính, mức tăng biểu giá điện ước tính phải cao hơn mức lạm phát từ 10-30% giá hiện hành là cần thiết. “Giá điện thấp là yếu tố trở ngại để người sử dụng đầu tư vào công nghệ có hiệu suất năng lượng cao hơn. Trong ngành công nghiệp, tiêu thụ điện đã tăng với tỷ lệ nhiều hơn so với tiêu thụ than trước bối cảnh giá than tăng tới 40% so với các mức tăng giá điện thấp hơn” - ông Koó Neejes cho biết.

 

Theo báo cáo “các chính sách tài khoá về nhiên liệu hoá thạch và phát thải khí nhà kính ở Việt Nam” của UNDP, Luật Điện lực 2004 và chính sách sau đó nhằm cải cách các thị trường điện bằng việc tạo cạnh tranh trên thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ. Theo đó, EVN đề ra các mục tiêu cắt giảm chi phí, giảm tổn thất và nâng cao hiệu suất sử dụng điện, tiến tới đặt giá theo thị trường.

 

Tuy nhiên, UNDP nhận xét, quá trình cải cách này quá chậm do các khoản nợ và thua lỗ rất lớn. UNDP dự báo còn tăng theo đà tăng giá nhiên liệu hoá thạch thế giới cũng như nhu cầu và nhập khẩu gia tăng. “Và những mất mát này trở thành rào cản đối với việc đầu tư để nâng cao việc cung cấp điện, ví dụ từ các nguồn năng lượng tái tạo và việc cải thiện phân phối điện” - báo cáo nhấn mạnh.

 

Quỹ bình ổn giá được xây dựng từ các khoản phụ phí thu theo mỗi lít sản phẩm dầu mỏ tinh chế bán ra để giải quyết tình trạng giá tăng từ đầu năm 2009. Nhưng đến đầu năm 2011, quỹ bình ổn cạn kiệt và việc tự do hoá giá bán bước đầu phải dừng lại để đối phó với lạm phát. Trong cả năm 2011, mức thua lỗ từ việc bán lẻ xăng dầu đã trở nên nghiêm trọng. Chính phủ phải tạm thời ngừng áp dụng thuế nhập khẩu và cho phép tăng giá bán lẻ xăng, dầu thêm 15%, song các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu bán lẻ vẫn bị thua lỗ.


 Ảnh minh họa

Việc trợ giá điện mang lại lợi ích cho người khá giả hơn là người nghèo - ảnh minh họa

 

“Nếu tiếp tục duy trì các khoản trợ giá điện, tăng các chi phí phát điện và tăng sản lượng sẽ dẫn đến thua lỗ nhiều hơn và sẽ không vững về mặt tài chính, giảm khả năng đáp ứng nhu cầu điện của EVN. Hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí là cần thiết để duy trì và cung cấp điện cho công nghiệp và hộ gia đình. Chắc chắn hỗ trợ này sẽ còn diễn ra - điều đó cũng có nghĩa là các doanh nghiệp năng lượng thiếu các yếu tố kích thích để nâng cao hiệu suất” - UNDP khẳng định.

 

Theo UNDP, việc cung cấp các nguồn (tài chính và tài nguyên) của nhà nước để phát điện và các khoản bù lỗ phải thực hiện sau thua lỗ do mức giá quy định dễ dẫn đến sử dụng các nguồn tài chính, năng lượng kém hiệu quả hơn so với trường hợp của thị trường cạnh tranh.

 

UNDP cho rằng, những chính sách này là không bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người khá giả hơn là cho người nghèo. Các hộ giàu hơn với các mức tiêu thụ năng lượng cao hơn có thể hưởng lợi nhiều nhất từ trợ giá. “Cải cách tài khoá trong lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch có thể có có các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường” - UNDP nhấn mạnh.

 

Mặc dù vậy, UNDP cũng thừa nhận, EVN cũng như các nhà lãnh đạo chính trị kiên quyết sẽ tiếp tục cải cách. Đầu năm 2102 EVN tuyên bố sẽ cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cũng như giảm tổn thất điện. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ cải thiện hiệu quả việc sử dụng điện trong tất cả các ngành, trong khi tiến tới giá thị trường, cho phép tiếp tục tăng giá điện và giảm các khoản trợ giá của nhà nước.

 

Tuy khuyến khích cải cách tài khoá, nhưng UNDP cũng kiến nghị rằng, cải cách cần diễn ra dần dần và có giai đoạn, để tránh những cú sốc trên các thị trường khác nhau và tránh tăng lạm phát. “Ví dụ ban đầu tiến hành loại bỏ dần các mức giá trần khác nhau, tiếp theo là áp dụng khôn ngoan một số loại thuế được lựa chọn”.

 

Đặc biệt, UNDP lưu ý, quá trình cải cách cần có biện pháp bảo vệ các hộ, người lao động có thu nhập thấp và các đối tượng chịu tác động khác từ cải cách tài khoá trong lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc