(VnMedia) - Là người đầu tiên “đăng đàn” trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, tối 13/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã làm rõ những vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ dành cho doanh nghiệp…
Bắt đầu từ ngày 13/5, Đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ phát sóng chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”. Những câu hỏi của người dân sẽ được chuyển đến các Bộ trưởng qua hình thức trao đổi, phỏng vấn.
Đây cũng được coi làm một diễn đàn để người đứng đầu các bộ, ngành thông tin công khai các vấn đề kinh tế, xã hội được đông đảo dư luận người dân quan tâm. Theo đó, các Bộ trưởng sẽ lần lượt giải đáp, trả lời thắc mắc, băn khoăn của người dân và doanh nghiệp về chính sách điều hành của bộ.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, việc tham gia chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” thể hiện vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về mọi mặt, đồng thời cũng là thể hiện trách nhiệm của bộ máy Chính phủ trong điều hành, vận hành nền kinh tế.
Trước khi chương trình diễn ra, một số người dân cho biết họ đã gửi câu hỏi đến chương trình và hy vọng sẽ được các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, rõ ràng những vấn đề mà dư luận quan tâm.
Tối qua (13/5), trong buổi phát sóng đầu tiên của chương trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã làm rõ những vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ dành cho doanh nghiệp cũng như những chính sách tài chính, tài khoá từ nay đến cuối năm 2012. VnMedia xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.
Chữa bệnh cho nền kinh tế
Thưa Thống đốc, chỉ số tăng trưởng Quý I/2012 là 4%, ở mức rất thấp. Có ý kiến cho rằng giải pháp kiềm chế lạm phát là hơi quá mức và ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Thống đốc có bình luận gì về ý kiến này?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Nền kinh tế của chúng ta cũng giống như cơ thể của một con người và cơ thể đó đã mắc bệnh khá nặng. Về kinh tế vĩ mô, chúng ta đã phải uống những liều thuốc để trị bệnh, và những liều thuốc đó có những tác dụng phụ mà chúng ta đã lường được: đó là tăng trưởng kinh tế đã giảm sút.
Giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế là hai vấn đề luôn luôn mâu thuẫn lẫn nhau, thường được mặt này thì mất mặt kia, và việc thể hiện rằng tăng trưởng kinh tế quý I ở mức 4% là điều chúng ta lường trước được.
Việc doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn hiện nay cũng là điều chúng ta lường đón trước được, bởi vì DN của Việt Nam sử dụng lượng vốn vay ngân hàng rất lớn. Bước sang năm 2012, số lượng các DN cũng như khối lượng về tín dụng cung ứng cho các DN đã giảm sút một phần rất lớn, do vậy các DN khó khăn.
Hiện nay, căn bệnh về kinh tế vĩ mô của chúng ta đã được khắc phục một bước rất cơ bản, căn cơ, cũng giống như cơ thể của chúng ta về cơ bản đã chữa được bệnh. Nhưng người bệnh còn đang hết sức yếu, nếu chúng ta không có những biện pháp hỗ trợ thì người bệnh rất khó vượt qua thể trạng yếu đó.
Bình thường, trong giai đoạn này, bác sĩ hay cho thuốc bổ để cho cơ thể nhanh chóng bình phục, nhưng trong giai đoạn này cũng không thể cho cơ thể chế độ ăn uống bình thường như trước đây, vì chính bản thân cơ thể đó mắc bệnh là do trước đây đã ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Do vậy, người bệnh vẫn tiếp tục phải kiêng khem, phải có những chế độ chữa bệnh tiếp theo. Nhưng để cho người bệnh có sức lực để hồi phục dần dần, thì phải có những liều thuốc bổ. Những gói giải pháp hiện nay của chính phủ trong chính sách tiền tệ hay chính sách tài khoá là ở những liều thuốc như thế, chứ không phải chính phủ thay đổi toàn bộ những chính sách điều hành của mình.
Tôi xin khẳng định rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là liều thuốc căn cơ, liều thuốc cơ bản, liều thuốc lâu dài, không phải chỉ cho năm nay mà cho suốt 5 năm trong kế hoạch kinh tế này.
Với những thông tin mà Ngân hàng Nhà nước thu nhận được, thì DN hiện nay đã có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ngắn hạn ở mức 15% và thấp hơn hay chưa thưa Thống đốc?
Tôi có thể trả lời ngắn gọn: Có những DN vô cùng dễ, và có những DN vô cùng khó khăn. Bởi vì ngay cả trong văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng nói rõ là lãi suất đó được áp dụng đối với những DN đáp ứng được các yêu cầu của thể lệ tín dụng, của những tổ chức tín dụng.
Do vậy, có thể khẳng định, đáp ứng được những yêu cầu thì hết sức dễ dàng tiếp cận. Nếu DN nào đến làm với các tổ chức tín dụng đáp ứng được những yêu cầu mà vẫn chưa vay được thì tôi đề nghị đến làm việc ngay với ban lãnh đạo của ngân hàng đó, hoặc là phản ánh với Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi kịp thời can thiệp để các DN đó có thể vay vốn được.
Nhưng cũng có rất nhiều DN thuộc những đối tượng ưu tiên của chúng ta, nhưng do không đáp ứng được những điều kiện, thể lệ tín dụng của các tổ chức tín dụng thì họ có thể vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn này.
Có những DN vô cùng dễ, và có những DN vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng - ảnh minh hoạ |
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ khó tiếp cận được nguồn vốn khi tài sản thế chấp thì không có, nợ quá hạn cũng vẫn còn. Vậy, Ngân hàng Nhà nước có làm gì để tháo gỡ những rào cản này?
Biện pháp lãi suất chỉ là một trong tổng thể rất nhiều biện pháp. Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động để tạo tiền đề cho việc giảm lãi suất cho vay, chúng ta đã giảm lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các tổ chức tín dụng có những biện pháp thích hợp để tái cơ cấu lại các khoản nợ phù hợp với tình hình tài chính thực tế của các DN, tạo điều kiện cho các DN giảm áp lực về vay nợ ngân hàng, cũng như tạo điều kiện để DN tiếp xúc với khoản vay để vượt qua khó khăn hiện nay v.v…
Hiện nay, chúng tôi cũng còn nhiều giải pháp nữa cũng sẽ được lần lượt công bố, và chúng tôi hy vọng rằng, các biện pháp của chính sách tiền tệ kết hợp với các biện pháp của chính sách tài khoá sẽ góp phần tháo gỡ đáng kể những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp.
Không được xa rời mục tiêu kiềm chế lạm phát
Trước đây, một số ngân hàng thương mại cũng đã công bố hạ lãi suất cho vay và cũng đã công bố gói nghìn tỷ nọ nghìn tỷ kia với những mức lãi suất rất thấp. Nhưng thực tế thì những gói cho vay được giải ngân rất ít. Vậy, trong lần hạ lãi suất cho vay lần này, Thống đốc sẽ làm gì để thúc đẩy những ngân hàng thương mại cho vay ra với mức lãi suất đã công bố?
Thứ nhất là nó phụ thuộc vào năng lực tài chính của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, tình hình tài chính còn chưa lành mạnh, do vậy còn khó tiếp xúc được với các gói đó của các ngân hàng thương mại.
Như tôi đã trình bày trong phần đầu, thì chúng ta sẽ cố gắng đến mức tối đa để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng chúng ta cũng không bao giờ được xa lệch khỏi mục tiêu là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Do vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, trong những giai đoạn này cũng chính là một giai đoạn thử thách đối với những DN. Những doanh nghiệp nào đủ sức sống vươn lên thì tiếp tục tồn tại và phát triển, mặc dù có thể gặp khó khăn trước mắt nhưng hệ thống ngân hàng sẽ cho phép tái cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay mới để tiếp tục sống.
Nhưng những DN không có cách gì vươn lên được, hoặc có thể vượt lên được trong giai đoạn hiện nay thì cũng lại gặp khó khăn khi có bất kỳ một biến động nào của xã hội, thì cũng phải chấp nhận đào thải để đảm bảo chương trình tái cơ cấu của nền kinh tế.
Thống đốc có thể cho biết lộ trình giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước đến cuối năm 2012 sẽ được thực hiện như thế nào? Lãi suất cuối năm 2012 sẽ là bao nhiêu?
Nếu các diễn biến tiếp tục diễn ra như chúng ta dự báo và cũng như diễn ra trên thực tế trong giai đoạn hiện nay, thì cuối năm nay lạm phát sẽ ở mức 8,5%. Khi đó, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng sẽ ở mức khoảng 9-10%. Đó là mục tiêu điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Xin cảm ơn Thống đốc!
Không chỉ các giải pháp tiền tệ mà một loạt chính sách giãn, hoãn thuế cũng vừa được công bố trong tuần qua. Liệu các chính sách tài khoá này đã trúng và đủ để phối hợp cùng chính sách tiền tệ gỡ khó cho doanh nghiệp? Những doanh nghiệp nào sẽ tiếp nhận được sự hỗ trợ của gói giải pháp 29 nghìn tỷ? Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ sẽ trực tiếp giải đáp các vấn đề này trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tuần tới. |
Ý kiến bạn đọc