Tập huấn báo chí về phòng, chống rửa tiền

12:12, 26/05/2012
|

(VnMedia) - Ngày 25/5, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho đội ngũ những người làm báo.


 Ảnh minh họa

Toàn cảnh buổi tập huấn

 

Tại buổi tập huấn, ban tổ chức và đại diện Cục phòng chống rửa tiền, Ngân hàng nhà nước; Cục báo chí, Bộ TT&TT và hơn 50 học viên đã đi sâu trao đổi các nội dung: Rửa tiền và tác hại của rửa tiền; Chuẩn mực Quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Thực trạng công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam; Vai trò của báo chí với công tác tài chính, ngân hàng.

Theo khái niệm được đưa ra tại Hội nghị, rửa tiền là việc “xử lý” tiền do phạm tội mà có, nhằm che đậy nguồn gốc tiền bất hợp pháp thu được từ những hành vi phạm tội. Tài trợ khủng bố là là hành vi của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, trực tiếp hoặc gián tiếp dưới bất kỳ hình thức nào, cố ý cung cấp hoặc huy động tiền hay tài sản, với mục đích sử dụng hoặc biết tiền hay tài sản đó được sử dụng một phần hay toàn bộ vào hoạt động khủng bố, cho kẻ khủng bố hoặc tổ chức khủng bố.

 

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, tội phạm rửa tiền liên quan nhiều đến tội tham nhũng. Trong khi đó, ở Việt Nam , cho đến nay loại tội phạm này vẫn chưa bị đẩy lùi, ngăn chặn mà thậm chí đang phát triển tinh vi.

 

Do vậy, những người làm báo viết về kinh tế tài chính chống tham nhũng phải tự trang bị cho mình nhận thức để tự tin viết, tuyên truyền cho người dân đối với lĩnh vực khó và nhạy cảm này một cách chính xác.

 

Tham gia thuyết trình tại buổi tập huấn, chuyên gia về phòng chống tội phạm rửa tiền, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Các nhóm tội phạm tạo ra tiền bất hợp pháp, sau khi tìm cách “rửa” tiền sẽ quay lại, dùng những đồng tiền phi pháp đó làm lũng loạn hệ thống luật pháp, mua chuộc những cán bộ liên quan đến định chế tài chính, từ đó mở rộng phạm vi tội phạm, tăng tội phạm và tăng tham nhũng.

 

Theo ông Ngọc trong kế hoạch hành động về phòng, chống rửa tiền thì điều đầu tiên, quan trọng nhất là hình sự hóa rửa tiền và hình sự hóa tài trợ cho khủng bố. Hiện nay, Quốc hội cũng đang thảo luận về Luật phòng, chống rửa tiền và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 này.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc