Tấm gương trọn đời vì nước, vì dân

10:23, 19/05/2012
|

Hôm nay, cả nước tưng bừng kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay đúng vào dịp Ban Bí thư tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ là một lần chúng ta thấy rõ hơn giá trị to lớn về tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời Hồ Chí Minh. Một trong những tư tưởng vĩ đại nhất mà Người để lại cho Đảng ta, dân tộc ta là tình yêu thương con người, vì con người, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến con người, chăm lo phát triển con người.

Cả cuộc đời, Bác đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí; cho cụ già, trẻ em, các cháu gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược; từ Bắc đến Nam... Bác tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là tư tưởng lớn lao và cũng là thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng trách nhiệm và tình thương bao la, Đảng đã lãnh đạo dân tộc ta vượt qua muôn vàn chông gai thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt, thực hiện đường lối Đổi mới, Đảng đã quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc đưa đất nước phát triển; vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới. Đó là thành quả vĩ đại từ giá trị to lớn của tư tưởng vì dân, thương dân mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tuy nhiên, soi mình vào thực tiễn, vẫn còn đâu đó tình trạng đội ngũ cán bộ của Đảng làm phiền dân, chưa thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; vẫn còn biểu hiện của sự quan liêu, cửa quyền, xa dân. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ cán bộ ngại tiếp xúc với dân, thiếu quan tâm đến cuộc sống của người dân. Tình trạng trên dẫn đến việc cán bộ “mắc” bệnh quan liêu, có những hành động đi ngược lại lợi ích của đa số nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, của Nhà nước; làm giảm hiệu lực thực thi pháp luật.

Sinh thời, Bác từng dạy: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Tư tưởng đó của Người mang bản chất cốt lõi là Đảng, Nhà nước không có lợi ích gì khác ngoài việc chăm lo cuộc sống hạnh phúc, ấm no trong độc lập, tự do, hòa bình thật sự của nhân dân. Vì vậy, chính sách của Đảng, quyết sách của Nhà nước; hành động của từng cán bộ, đảng viên đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là vì nhân dân. Đó là giá trị nhân văn cao đẹp, là biểu hiện tiến bộ của xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tư tưởng thương dân, vì dân của Bác mãi mãi là ánh đuốc soi sáng cho tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, đạo đức của mỗi chúng ta; nâng bước ta đi trên những chặng đường gian lao mà đầy vinh quang phía trước.

Thiết thực kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu, mà hơn lúc nào hết phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc cùng tinh hoa văn hóa thế giới. Đó là tài sản vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, học Bác và làm theo Bác đặt ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng sự nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định; chủ động, tự giác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta thực sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Để Đảng ta thực sự là Đảng do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, trên hết và trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nắm vững những nội dung cốt lõi được xác định trong Chỉ thị 03 “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  để tự soi mình, tự sửa chữa, hoàn thiện mình; kết hợp chặt chẽ giữa nói với làm. Mọi hành động, lời nói; mọi chủ trương, quyết sách đều phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết; tích cực sửa chữa, gạt bỏ bệnh quan liêu, hành chính, mệnh lệnh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Học Bác và làm theo Bác phải rất tự giác và trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày trong đời sống, sinh hoạt, công tác của từng cán bộ, đảng viên, quần chúng. 


(theo Quân đội Nhân dân)

Ý kiến bạn đọc