Sáng mai, Hà Nội và TP HCM sẽ đón nhật thực

20:48, 20/05/2012
|
Sáng mai 21/5, người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được ngắm một phần nhật thực trên bầu trời Việt Nam.

Các chuyên gia thiên văn học cho biết, chỉ ngư dân ở một số vùng châu Á và Bắc Mỹ sẽ ngắm được hiện tượng nhật thực hình khuyên. Vùng quan sát được hiện tượng này nằm trong dải hẹp khoảng 300 km kéo dài từ bờ biển phía đông Trung Quốc đến phía nam Nhật Bản, qua Thái Bình Dương và kết thúc ở vùng phía tây nước Mỹ.
 
Cảnh nhật thực trên bầu trời Hà Nội năm 2010.

Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM cho biết, Việt Nam không nằm trong vùng quan sát nhật thực hình khuyên, mà chỉ quan sát được nhật thực một phần nếu điều kiện thời tiết thuận lợi trong khoảng 1 tiếng ngay sau khi mặt trời mọc.

"Do Việt Nam nằm trong vùng nửa tối của bóng mặt trăng, đồng thời quá trình diễn ra hiện tượng vào rạng sáng và kết thúc sớm vào khoảng 6h sáng nên người quan sát tại Việt Nam sẽ chỉ xem được giai đoạn sau của hiện tượng", Tuấn Duy nói.

Đặng Tuấn Duy cho biết thêm, nhật thực một phần bắt đầu từ 3h56 theo giờ Việt Nam, còn pha hình khuyên bắt đầu lúc 5h06. Thời điểm Việt Nam quan sát được nhật thực một phần khi mặt trời mọc vào khoảng 5h17 tại Hà Nội và 5h30 ở TP HCM; và kết thúc khoảng 6h13 ở Hà Nội và 6h01 ở TP HCM khi mặt trời lên cao khoảng 10-12 độ.

So sánh giữa nhật thực toàn phần (trái) và nhật thực hình khuyên (phải). Nếu đứng trong vùng bóng tối (a), vùng bóng tối giả (b) và vùng bóng nửa tối (c) thì sẽ quan sát được tương ứng nhật thực toàn phần, hình khuyên và một phần. Đồ họa: HAAC.

Các chuyên gia khuyên người quan sát tại Việt Nam nên tận dụng thời cơ lần nhật thực hình khuyên sắp tới. Bởi phải đến 9/3/2016 người dân Việt Nam mới lại có thể quan sát hiện tượng trên lần nữa.

Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu.

Do đó mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời và hai vùng nửa tối tạo ra bởi mặt trăng sẽ mở rộng hơn so với khi nhật thực toàn phần, đồng thời xen phủ nhau tạo thành một vùng gọi là vùng bóng tối giả.

Cư dân những vùng trên trái đất bị vùng bóng tối giả này quét qua sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, còn trong vùng nửa tối sẽ quan sát được nhật thực một phần.

(theo Hà Nội mới)

Ý kiến bạn đọc