Nhận diện những hành vi “tham nhũng vặt”

15:52, 14/05/2012
|

Một loại tham nhũng không kém nguy hại xuất phát từ lòng tham vặt và tư tưởng méo mó "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", từ quan niệm sống đã trở thành phổ biến "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu"…

 

Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày qua các giao dịch bình thường trong xã hội. Đôi khi nó chỉ là những món quà để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản hối lộ "nho nhỏ" như: nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền "bồi dưỡng", "tiền trà nước";

 

Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được "thông cảm" bằng vài trăm nghìn đồng; Cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu mãi lộ một vài trăm nghìn đồng/xe. Việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải có quà cáp hoặc có quan hệ mới xong.

 

Chuyện sinh viên đưa phong bì cho thầy, cô để xin điểm, để hỏi đề thi..., hay tệ hại hơn là chạy trường, chạy lớp, chạy hội đồng chấm luận văn, các hội đồng xét duyệt đề tài khoa học không còn "xưa nay hiếm". "Lót tay" ở bệnh viện đã thành "chuyện thường ngày". Muốn có một phòng điều trị cho người nhà không thể không có tiền "trà nước" cho người làm công tác này, muốn cho cô y tá nhẹ tay tiêm, hay thay tấm gạc không thể thiếu mấy chục nghìn đồng bởi lệ như thế, không thể không làm thế. Nhiều trường hợp tiền viện phí chỉ bằng một nửa "lệ phí"...

 

Rồi nữa, làm thủ tục tại cơ quan nhà nước cũng không ít nhiêu khê. Chuyện nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... xảy ra với không ít người, nhưng nếu kín đáo kẹp mấy trăm nghìn đồng vào hồ sơ, cơ sự có thể khác. Nộp hồ sơ “một cửa” cũng có thể bị từ chối, nếu có thể được nhận thì "một cửa" cũng trở thành "nhiều cửa", bởi mỗi lần đến hẹn lại được nhân viên hướng dẫn phải làm thêm một loại giấy tờ mới... Chuyện làm "sổ đỏ" phức tạp hơn nhiều, đương nhiên số tiền "lót tay" cũng phải nhiều hơn và không chỉ riêng với cán bộ địa chính.


 Ảnh minh họa

 Loại tham nhũng vặt xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau.

 

Điều đáng nói là không chỉ người công tác trong bộ máy hành chính mới tham nhũng vặt và có cơ hội tham nhũng. "Cò" bệnh viện, "cò"giấy tờ chỉ là anh xe ôm, chị hàng nước cũng có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày nhờ đi đêm với "người trong cuộc". "Cò" nhà đất có khi chỉ là anh nông dân chân đất, chị nhân viên quèn của huyện, xã với những mối dây "liên kết", họ kiếm được từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng cho mỗi phi vụ. Theo một nhà kinh tế, chỉ một nhóm "cò" đất bằng con đường hối lộ đã thao túng cả "bộ sậu" lãnh đạo cấp quận, huyện. "Cò" đã trở thành một thứ nghề công khai trong xã hội và nghề ấy sống bằng tham nhũng...

 

Loại tham nhũng như vừa nói ở trên xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau.

 

Tham nhũng vặt mà biểu hiện của nó là "văn hóa phong bì" đã len vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" người ta lặng lẽ công nhận thứ văn hóa này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan. Do đó tham nhũng vặt đang diễn ra từng ngày, từng giờ, không chỉ làm băng hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền.

 

Tệ nạn này hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới. Tham nhũng vặt là một yếu tố làm tăng "áp suất" của những bức xúc xã hội, do vậy, trên nhiều khía cạnh, nó nguy hại như tham nhũng lớn…

 

Phòng, chống tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của các cơ quan chức năng trong bộ máy công quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và mỗi người dân. Tham nhũng xuất phát từ lòng tham, nếu các doanh nghiệp và người dân dung dưỡng cho lòng tham ấy, hoặc dựa trên sức mạnh đồng tiền để đạt được mục đích thì chính họ đã góp phần làm tha hóa xã hội. Như thế, họ vừa là nạn nhân trực tiếp vừa là thủ phạm của tệ nạn tham nhũng.


(theo Hà Nội Mới)

Ý kiến bạn đọc