(VnMedia) - “Nếu tìm được nguyên nhân để sửa chữa thì mới khắc phục được căn bản sự cố, còn không thì không thể chắc chắn việc mặt cầu Thăng Long có tiếp tục hư hỏng sau đợt sửa chữa hay không”, PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng trao đổi với VnMedia.
>>>>Sửa xong mặt cầu Thăng Long trước 19/5
- Sau 3-4 lần sửa chữa, đêm 15/5 vừa qua, mặt cầu Thăng Long lại tiếp tục được sửa chữa thêm lần nữa với quy mô lớn. PGS nói sao về việc này?
Tất nhiên khi hư hỏng người ta phải khắc phục sửa chữa. Nhưng để hư hỏng và buộc phải sửa chữa thì ban đầu là do không đảm bảo chất lượng công trình nên tạo ra sự cố, gây hư hỏng. Còn khi đã sửa chữa rồi mà vẫn tiếp tục hư hỏng, xuống cấp thì có 2 vấn đề: nếu hỏng ở những chỗ đã sửa thì có nghĩa là việc sửa chữa chưa đảm bảo và đạt yêu cầu. Còn nếu hỏng chỗ khác, những chỗ trước kia chưa xuất hiện, bây giờ mới xuất hiện là do làm không đạt yêu cầu.
Bất cứ công trình nào, khi có sự cố người ta đều phải sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, với những nước kinh tế chưa phát triển, người ta thường có xu hướng muốn tận dụng nên đành chấp nhận hỏng đâu sửa đấy, sai đâu sửa đấy trong lúc chưa có tiền.
Tuy nhiên, theo tôi, sau khi tận dụng nốt để sửa chữa những chỗ hư hỏng, đến khi có tiền rồi thì có lẽ nên làm mới lại hoàn toàn. Khi đó, sẽ phải đảm bảo yêu cầu đúng nghĩa của cụm từ chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ đúng thì phải tạo được sản phẩm đạt yêu cầu. Điều đó mới là đúng nghĩa là chuyển giao công nghệ một cách đầy đủ.
PGS Nguyễn Văn Hùng trao đổi với VnMedia. Ảnh: Xuân Tùng |
- Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa lần này đã là lần thứ 4, thứ 5. Nhưng nếu không tìm ra nguyên nhân thì rõ ràng không thể tìm ra biện pháp sửa chữa?
Chính vì chưa tìm được nguyên nhân nên không thể khắc phục được sự cố một cách triệt để. Nhưng không lẽ chúng ta lại không tìm được nguyên nhân? Ở đây chắc chắn phải có nguyên nhân vì khi đã có hư hỏng là có nguyên nhân. Qua công trình này, cần phải đề phòng ở những lần tới. Khi làm ở những cầu khác hay làm mới trải thảm mặt cầu Thăng Long, không để lặp lại sự cố tương tự thì đỡ phải trả giá.
- PGS cho rằng, phải tìm được nguyên nhân mới khắc phục được sự cố. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu?
Tôi đã nói nhiều lần, sở dĩ mặt cầu nứt như vậy là do lực kết dính giữa lớp nhựa trải và lớp bề mặt dưới của cầu không tốt. Nếu giải quyết được bài toán ấy, vấn đề nứt hay đùn đẩy vật liệu hoặc lồi lõm, gồ ghề sẽ không xảy ra.
- Vậy theo PGS nếu cứ tiếp tục vá víu như hiện nay thì sau lần sửa chữa này, mặt cầu Thăng Long còn tiếp tục nứt?
Nếu họ tìm được nguyên nhân để sửa chữa thì mới khắc phục được căn bản còn không chỉ giải quyết những chỗ hư hỏng đã nhìn thấy hoặc đã bôc lộ, chứ không thể chắc chắn việc mặt cầu Thăng Long có tiếp tục hư hỏng tiếp hay không.
Cầu Thăng Long phải chịu tải trọng lớn, xe ô tô nhiều, mật độ giao thông lớn. Ngoài ra, còn có tác động của môi trường. Tuy nhiên, vấn đề căn bản vẫn là con người, vấn đề nhân tài.
- Không chỉ có mặt cầu Thăng Long mà thời gian gần đây, nhiều cây cầu lớn khác ở Hà Nội: Vĩnh Tuy, Thanh Trì… đều gặp sự cố trên bề mặt. PGS nói sao về hiện tượng này?
Tôi cho rằng như vậy là chất lượng có vấn đề. Có thể có nhiều nguyên nhân: do tiến độ thi công gấp rút, quy trình công nghệ không đảm bảo, chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao… nên chất lượng mới như vậy. Rõ ràng, qua các sự việc này, theo tôi chúng ta nên nâng thời gian bảo hành của các công trình lên, gắn trách nhiệm của chủ thầu với các đơn vị liên quan.
Tôi cho rằng, để sửa chữa được hư hỏng ở các cây cầu này thì phải tìm ra nguyên nhân, sai sót để sau này khi chúng ta xây dựng các cây cầu khác sẽ không lặp lại lịch sử ấy. Phải rút được kinh nghiệm của mỗi đơn vị liên quan khi xảy ra sự việc. Phải thấy được cái sai ở đâu và biết được cái sai thì mới loại trừ được hiện tượng sự cố các công trình xây dựng.
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!
Cuối năm 2009, cầu Thăng Long được đầu tư hàng chục tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ, thay lớp bê tông nhựa trên mặt cầu rộng 16,5 m, dài gần 1,7 km. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi thông xe, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khiến đơn vị thi công phải bóc lớp bê tông và sửa chữa lại với kinh phí 8 tỷ đồng.
Dù đã được thảm lại, song 2 năm qua mặt cầu Thăng Long vẫn liên tục nứt nẻ và bị lồi lõm. Cuối năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa dự án sửa chữa cầu Thăng Long vào danh sách 1 trong 5 dự án trọng điểm phải thanh kiểm tra chất lượng. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các đơn vị thực hiện dự án đã áp dụng giải pháp thiết kế và sử dụng kết cấu chưa phù hợp, thiết kế hệ thống thoát nước không đồng bộ dẫn đến đọng nước làm hư hỏng mặt đường. Đoàn kiểm tra đã đề xuất phải kiểm điểm việc quản lý dự án cũng như quản lý chất lượng xây dựng công trình đối với những người chịu trách nhiệm.
Ý kiến bạn đọc