(VnMedia) - Sáng 30/5, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trình bày trước Quốc hội bản Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Dự thảo Luật bao gồm 5 chương, với 50 điều…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) |
Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005. Ngày 3/6/2008, Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung của 8/46 điều để thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường chế tài trong xử lý vi phạm và kịp thời điều chỉnh đối với một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.
Có thể kể ra một số tồn tại trong việc thi hành Luật Xuất bản trong 6 năm qua như: Xuất bản tác phẩm không thông qua nhà xuất bản; Nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến; Vẫn còn hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép và phát tán các tài liệu sai trái, bất hợp pháp; Phát hành xuất bản phẩm nội dung bị cấm, mê tín dị đoan vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thêm vào đó, tình trạng “xóa sổ” dần hệ thống cửa hàng, hiệu sách cấp huyện, xã tại hầu hết các địa phương do nhận thức về hoạt động xuất bản còn chưa đầy đủ và sâu sắc, coi công tác phát hành xuất bản phẩm như một ngành kinh doanh hàng hóa thông thường; Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động xuất bản phát triển chưa được quan tâm đúng mức và ban hành kịp thời...
Một điều rất quan trọng, đó là Luật Xuất bản hiện hành mới chỉ điều chỉnh các lĩnh vực xuất bản, in xuất bản phẩm và phát hành xuất bản phẩm. Còn lĩnh vực in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (in báo chí, tem chống giả...) thì lại do Nghị định khác của Chính phủ điều chỉnh (Nghị định số 105/2007/NĐ-CP).
Lần này, Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng, v.v...) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.
Ngoài ra, trước xu thế phát triển nhanh của công nghệ thông tin ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản, quy định của Luật về xuất bản trên mạng internet chưa theo kịp sự phát triển và còn quá sơ sài, cần thiết phải sửa đổi cho cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn.
Những năm qua, nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến |
Sẽ có Nhà xuất bản điện tử
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này bao gồm 5 chương, với 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.
Dự thảo có nhiều điểm mới so với Luật xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản năm 2008. Đáng chú ý, trong những điểm đổi mới là Dự thảo có hẳn một điều (Điều 15) quy định về Nhà xuất bản điện tử.
Theo đó, Nhà xuất bản điện tử là nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên thiết bị số, môi trường mạng. Dự thảo Luật quy định, đối tượng được thành lập Nhà xuất bản điện tử là Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp Trung ương và cấp Tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định.
Nhà xuất bản điện tử tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu.
Cơ quan, tổ chức đáp ứng đủ các quy định nói trên được thành lập nhà xuất bản điện tử khi có đủ các điều kiện như: Có máy chủ đặt tại Việt Nam, có tên miền Internet Việt Nam để xuất bản trên môi trường mạng; Có hệ thống thiết bị về công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành và quản lý phục vụ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; Có nhân lực đủ trình độ để vận hành và quản lý.
Còn theo điều 44, xuất bản phẩm điện tử phát hành trên môi trường mạng, thiết bị số phải được xuất bản, lưu hành hợp pháp và phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trước khi phát hành.
Tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử trên môi trường mạng, thiết bị số phải thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 44, và phải thông báo bằng văn bản với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi phát hành. Các quy định chi tiết Điều này sẽ được Chính phủ quy định.
Nếu được Quốc hôi thông qua, Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, thay thế Luật Xuất bản ngày 3/12/2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 3/6/2008.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc