Độc quyền giá điện sẽ còn kéo dài

12:51, 31/05/2012
|

(VnMedia) - Uỷ ban KH, CN&MT đề nghị Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Các đơn vị điện lực sẽ quyết định giá và cạnh tranh trên cơ sở khung giá đó...

Sáng 31/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.
 
Theo Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, qua tổng hợp ý kiến từ các đại biểu cho thấy, một số ý kiến đề nghị Nhà nước không nên can thiệp vào giá điện mà để thị trường tự điều chỉnh để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian qua.
 
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cho rằng trong thời gian vừa qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý. Chính vì vậy, ngành điện chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện, đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ sản xuất sử dụng ít điện năng.
 
Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến này, quy định tại khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Luật, bổ sung khoản 1a vào Điều 29 Luật Điện lực, liên quan đến chính sách giá điện, theo đó “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.
 
Theo Uỷ ban, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện.
 
Cách quản lý này cũng đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
 
Tuy nhiên, về vấn đề thị trường điện cạnh tranh, Uỷ ban KH, CN&MT cho rằng, trong một số năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. Theo đó, ở các mức độ, cấp độ phát triển khác nhau của thị trường điện lực cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá.
 
Uỷ ban cũng cho rằng, sự điều tiết của Nhà nước đối với giá điện có thể được thực hiện thông qua các chính sách thuế, các biện pháp kinh tế và tài chính hoặc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong giai đoạn nhất định khi xảy ra biến động bất thường về giá điện. Sự điều tiết giá điện không nhất thiết bao gồm việc Nhà nước phê duyệt, quyết định thường xuyên hoặc định kỳ một số loại giá điện.
 
Theo Uỷ ban, Nhà nước cũng cần định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

 Ảnh minh họa

 Các công ty điện sẽ quyết định giá bán điện theo hướng cạnh tranh, nhưng phải trong khung do Nhà nước quy định - ảnh minh hoạ


 
Giá điện cạnh tranh trong “khung” của Nhà nước

Tổng hợp ý kiến đại biểu cho thấy, có một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định. 
 
Tuy nhiên, Uỷ ban KH, CN&MT đồng ý với loại ý kiến thứ hai, đó là đề nghị Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân.  
 
Theo Uỷ ban, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế-xã hội của cả nước. Vì vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp sẽ được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó. Điều này bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng vẫn tạo chủ động cho doanh nghiệp, còn Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.
 
Về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, Uỷ ban KH, CN&MT đồng ý với dự thảo, đó là  “Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực là một trong những căn cứ lập và điều chỉnh giá điện”.
 
Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý các quy định này theo hướng làm rõ kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước tham gia kiểm toán các đơn vị điện lực và sự thống nhất với những quy định về định giá của Dự thảo Luật giá đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.
 
Về cơ cấu giá điện, theo lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, trước mắt giá phát điện được xác định theo cơ chế thị trường. Chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối điện rất cần có sự giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm bảo đảm mức giá điện vừa phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng điện, nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhưng cũng tạo động lực để thu hút đầu tư, khuyến khích cạnh tranh trong hoạt động điện lực.
 
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị, cơ cấu giá điện cũng cần phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong Dự thảo Luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Nhiều quốc gia đã công khai việc cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng sử dụng điện, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng kiểm soát được chi phí của mình khi sử dụng điện. 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc