(VnMedia) - Đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị: trong điều kiện ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực độc quyền hoàn toàn, phải để Nhà nước định giá cụ thể đối với giá bán lẻ, không để doanh nghiệp tự định giá”.
Sáng nay (28/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Giá. Những vấn đề như chọn mặt hàng nào đưa vào diện bình ổn và quản lý giá các mặt hàng thiết yếu như thế nào… được các đại biểu đặc biệt quan tâm góp ý. Trong số đó, điện là mặt hàng khá “nóng” tại Nghị trường.
Theo đại biểu Trần Văn Tấn, “trong điều kiện ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền hoàn toàn, về phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, khai thác điện phải để Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá bán lẻ, không để doanh nghiệp tự định giá”.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, để Bộ Công thương vừa kiểm soát giá, vừa hoạch định chính sách với ngành điện là không hợp lý.
“Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại. Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.” – ông Hải phân tích.
Đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng cho biết: “hiện nay chức năng kiểm soát về giá được giao cho Cục điều tiết điện lực, tuy nhiên Cục này vẫn là một cơ quan nằm trong Bộ Công thương nên tôi nghĩ chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ.”
Cũng quan tâm đến giá điện, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế ) đồng ý với quan điểm Nhà nước phải định giá giá bán lẻ điện. Theo ông, chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá.
“Nếu chúng ta thả cái này (giá điện - PV) ra thì ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay. Thời gian vừa qua, chúng ta thấy ngành điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá điện và trao đổi là đã có sự cân nhắc rất kỹ để Chính phủ từng bước nâng dần lên. Giả sử chúng ta không quy định giá bán lẻ điện nữa mà để cho ngành điện thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp.” - đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế lo lắng.
Đại biểu Mạo cũng băn khoăn về tính khả thi của giá bán lẻ điện bình quân. “Chúng ta hiểu là khi ngành điện bán thì bán với nhiều giá cho nhiều đối tượng và sau một thời kỳ thì tính bình quân giá bán bằng cách lấy doanh số bán ra của điện chia cho tổng sản lượng điện đã bán để tính giá bình quân. Nhà nước quản lý thế nào, để biết doanh nghiệp đó bán đúng giá quy định của Nhà nước?.
Nhà nước vẫn phải cần quản lý giá điện |
Ý kiến trái chiều về mặt hàng sữa
Một trong những mặt hàng được khá nhiều đại biểu quan tâm là sữa. Đại biểu Trần Văn Tấn khẳng định rằng, hiện nay mặt hàng sữa đã trở thành mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người và là một trong các yếu tố tác động đến vấn đề dinh dưỡng và chất lượng dân số. Do vậy, việc thực hiện bình ổn giá đối với tất cả các loại sữa là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Cao Bằng Đinh Thị Mai Lan lại có ý kiến ngược lại. Theo đại biểu Lan, nên xem xét và loại bỏ sữa ra khỏi danh mục vì sữa không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, trừ những sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý. “Theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới cũng như của Chính phủ trong Nghị định 21 năm 2006 thì sữa công thức chỉ là thực phẩm bổ sung cho sữa mẹ” - đại biểu Mai Lan nói.
Đại biểu tỉnh Cao Bằng cũng dẫn chứng, hiện thị trường sữa đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu, hơn nữa Chính phủ không khuyến khích sử dụng sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, trong khi bộ quy tắc của Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu hạn chế sữa công thức cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
Bình ổn giá: Lợi bất cập hại?
Trong khi phần lớn các đại biểu tranh luận về mặt hàng bình ổn và nhiều ý kiến muốn mở rộng thêm mặt hàng đưa vào danh sách bình ổn thì ngược lại, quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lại là “đừng quá kỳ vọng vào vấn đề bình ổn giá”.
Đại biểu TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: loại nào có quỹ bình ổn, loại nào không có quỹ bình ổn cũng phải làm rõ: “Từ kinh nghiệm lập quỹ bình ổn xăng, dầu, tôi đề nghị Bộ Tài chính nên có báo cáo cho Quốc hội biết hiệu quả của quỹ bình ổn như thế nào để chúng ta an tâm quy định về biện pháp phải bình ổn”.
Theo ông Trần Du Lịch, mở rộng mặt hàng bình ổn có khi “lợi bất cập hại”. Theo ông, “càng mở rộng, Nhà nước càng hiện diện quá nhiều ở thị trường nhưng không quản lý được, không làm tốt được thì không hay chút nào.”.
Ý kiến bạn đọc