(VnMedia) - Cho đến nay, nạn bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nóng và được xã hội đặc biệt quan tâm vì nó liên quan đến cả tương lai của đất nước. Đã có nhiều bài viết phản ánh, cũng như đưa ra những nhận định, giải pháp hạn chế bạo lực học đường nhưng xem ra cũng chưa thật sự hiệu quả, thể hiện ở việc côn đồ học sinh ngày càng nhiều và mức độ ngày một nguy hiểm hơn.
* Bạo lực học đường: Liều lĩnh côn đồ áo trắng
Bạo lực do game online, do xã hội
Đã số các nhận định của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên giảng dạy tại các trường THPT, THCS đều cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ việc các em bị ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoài như phim, ảnh, trò chơi điện tử, game bạo lực… nên dần đến bị nhiễm các tư tưởng bạo lực, thích thể hiện mình qua các trò bạo lực.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề từ phía phụ huynh học sinh thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường do game online thì hầu như rất ít. Điều này thể hiện qua việc, bạo lực học đường đã lan sang cả nữ sinh, đối tượng mà lâu nay người dân vẫn cho là “phái yếu” và hầu như rất ít em chơi trò game online.
Theo anh Phan Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Truyền thông Môi trường PhanPhan) nhận định rằng, “Nếu như cách đây khoảng hơn 5 năm, tình trạng bạo lực học đường diễn ra đối với nữ sinh là vô cùng hiếm, có nhiều trường hầu như không có vụ việc nào. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng nữ sinh thanh toán nhau bằng dao, bằng gậy diễn ra ngày một nhiều và diễn biến hết sức phức tạp”.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nữ sinh đánh nhau, “xã hội hiện nay học sinh lại quá dễ dàng để có thể truy cập những website đen, những thông tin “bẩn” từ nhiều nguồn khác nhau. Truyền hình thì chiếu toàn những phim có tính chất bạo động, chém giết,… đã vô tình lôi kéo những em học sinh muốn trở thành đại ca, đàn anh đàn chị như trên phim ảnh, sách báo”, anh Tùng chia sẻ thêm.
Hình ảnh nữ sinh vừa là chủ mưu vừa là người ra đòn trong các trận chiến ở lứa tuổi "áo trắng" không còn là hình ảnh xa lạ nữa. |
Nhìn nhận từ phía gia đình, nhà trường
Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ game online, do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan truyền thông đã dẫn đến việc học sinh “thích” đánh nhau, thích được làm đại ca để mọi người “kính nể” thì có một nguyên khác mà các chuyên gia tâm lý phân tích – đó là do nền giáo dục nước nhà chưa hiệu quả và hệ lụy từ gia đình.
Tại buổi hội thảo Phòng chống bạo lực trong nhà trường do Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh tổ chức. TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó trưởng Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm, cho rằng “Điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn như hiện nay là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em không gần gũi, chia sẻ”.
Có cùng nhận định với TS Hồng, Th.S. Phạm Phúc Thịnh - Chuyên gia Giáo dục cũng nhìn nhận rằng, “nếu chịu khó ngồi đọc những thông tin chung quanh các vụ bạo lực học đường thì dễ dàng nhận thấy một đặc điểm chung đó là sự “không ngờ” của gia đình các hung thủ. Hầu như cha mẹ của hung thủ nào cũng đều bất ngờ trước việc làm của con cái mình, thậm chí có cha mẹ còn nói rằng con cái của họ là những đứa con ngoan trong nhà.
Áp lực cơm áo gạo tiền của cuộc sống đang làm cho bố mẹ và con cái trong ngôi nhà dần dần xa cách nhau, bố mẹ quá căng thẳng trong việc tìm kiếm vật chất nên khi trở về nhà đã quá mệt mỏi, không còn thời gian đâu để lắng nghe, trò chuyện với con cái. Con cái thì cũng không muốn nói chuyện với cha mẹ vì thấy cha mẹ hình như không hiểu được mình, lúc nào cũng chỉ mắng mỏ hoặc giảng “đạo đức”.
“Vì thế, có thể thấy, trong vấn đề bạo lực học đường, sự thiếu quan tâm của gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em lứa tuổi teen là một nguyên nhân quan trọng. Chính vì vậy, mỗi người làm cha mẹ hãy tự trách bản thân mình trước khi trách xã hội”, Th.S Thịnh cho biết thêm.
Nền giáo dục nước nhà cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong vấn đề giảng dạy nhân cách, lối sống của học sinh, theo các chuyên gia giáo dục, “nhiều học sinh cá biệt nhưng nhà trường vẫn chưa có biện pháp giáo dục riêng, quan tâm chia sẻ tâm trạng của các em mà chỉ biết kiểm điểm khuyển trách. Trong khi đó, việc dạy và học môn công dân – môn học về đạo đức, lối sống thì lại quá khô khan, dạy theo kiểu qua loa, cuốn chiếu thì khó mà giải quyết dứt điểm nạn bạn lực học đường”.
Bài 3: Làm gì để bảo vệ con trước bạo lực học đường?
Ý kiến bạn đọc