(VnMedia) - Trong khi xã hội vẫn còn quan niệm khắt khe về chữ trinh thì ngày nay, nhiều bà mẹ chồng vì muốn “chắc” có cháu bồng đã sẵn sàng chấp nhận con dâu hư còn hơn là không… đẻ được!
Theo thống kê tại bệnh viện phụ sản Trung ương, tỷ lệ vô sinh của Việt Nam hiện nay lên tới 8% các cặp vợ chồng, trong đó nguyên nhân vô sinh do nam giới chiếm 25-40%, do phụ nữ chiếm 40-55%. Tình trạng này chính là một trong những nguyên nhân khiến quan niệm vốn khắt khe của các bà mẹ chồng về đức hạnh của con dâu cũng bị lung lay.
Sáng đầu hè, ven hồ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) có rất nhiều người tập thể dục. Ở một chiếc ghế đá, 3 bà già đang ngồi nghỉ ngơi sau vài vòng đi bộ. Giọng một bà bỗng vống cao khiến người ngồi gần bất giác giật mình: “Ôi giời, ngoan, hiền mà không đẻ được thì cũng để làm gì. Dâu nhà bà, xấu một tí, hư một tí nhưng dù sao bà còn có cháu bế bồng”… Hóa ra, 3 bà đang nói chuyện về con dâu.
Trong câu chuyện, bà Châm (ở khu tập thể trên phố Nguyễn Chí Thanh) tâm sự, mấy năm nay hết sức buồn bực vì nỗi cô con dâu mãi chẳng chịu sinh cho bà một đứa cháu. Chồng bà Châm mất từ khi bà còn trẻ. Ở vậy nuôi đứa con trai độc nhất, bà những mong sau này con trai lấy vợ sẽ sinh cho bà vài đứa cháu để bớt cảnh mẹ góa con côi. Nhưng thật không may, cô con dâu đẹp người, đẹp nết từng khiến bà hết sức tự hào, đã không làm bà toại nguyện. Từ khi biết nguyên nhân hiếm muộn là do con dâu, bao nhiêu tình cảm tốt đẹp của bà cứ thế lụi dần.
Nó láo một tí, nhưng được cái.... mắn đẻ - ảnh minh họa |
“Tôi biết nó là đứa ngoan hiền, đảm đang. Nhưng ngoan gì thì ngoan, giỏi gì thì giỏi. Đàn bà mà không đẻ được thì vứt. Tôi mẹ góa con côi, bây giờ nó không có con thì làm sao mà chấp nhận được. – bà Châm cay nghiệt nói. Trong khi đó, hai bà bạn ngồi bên cũng đồng lòng tán thưởng, vì theo các bà, cháu quan trọng hơn con dâu.
Nỗi lo không có cháu bế khiến nhiều bà mẹ chồng ngày nay thay đổi quan niệm về cách chọn và đối xử với con dâu. Nhiều bà sẵn sàng chấp nhận có một đứa con dâu có tính cách ngang ngược, thậm chí hỗn hào chỉ còn hơn là một câu con dâu ngoan hiền mà… không biết đẻ.
Bà Hoa (phố Ngọc Khánh) có cô con dâu không được “nề nếp” cho lắm. Mặc dù cũng là công chức nhà nước, có ăn có học, nhưng cô ta thuộc diện đanh đá cá cầy hết chỗ nói. Mẹ chồng nói một câu, cô ta cãi… 3 câu. Nhiều khi, bà Hoa còn bị con dâu quát nạt chỉ vì bà làm sai điều gì đó đối với đứa cháu gái 2 tuổi. Biết ông bà yêu quý cháu, cô con dâu hơi một tí lại dọa bế cháu về nhà ngoại khiến bà Hoa lo sốt vó. Chồng bà Hoa thấy chướng mắt, nhiều khi định lên tiếng răn dạy con dâu nhưng bà toàn can ngăn ông. Bà bảo: “Thôi, ông ạ. Vợ chồng mình chỉ có một đứa cháu, giờ nó mà dỗi, nó bế đi mất thì làm thế nào. Nhịn nó một tí đi cũng chẳng sao. Nó phải cái hơi hỗn, nhưng biết cách chăm con. Đấy ông xem, cháu mình xinh đẹp, béo tốt thế cơ mà!”. Thế là, ông lại cho qua.
Mấy bà hàng xóm thấy con dâu bà Hoa hỗn láo với mẹ chồng, liền lên tiếng nhắc nhở cô ta. Không ngờ, bà Hoa đã chẳng cảm ơn, còn lên tiếng bênh con dâu. “Nó thế thì đã làm sao. Còn hơn, bà mất tiền tỉ mà đã có cháu bế chưa. Dâu nhà tôi hư còn hơn dâu nhà bà hỏng…. máy” – bà Hoa chì chiết bà hàng xóm có cô con dâu hiếm muộn, 2 lần đi Thái Lan làm thụ tinh nhân tạo mà vẫn không được.
Cũng với tiêu chí chọn cháu hơn chọn con dâu, nhiều bà mẹ chồng ngày nay không những chẳng xét nét chuyện trinh tiết, mà còn khuyến khích con trai “thử trước”, đến khi biết là có bầu thì mới cưới. “Thế cho nó chắc, chứ cưới về rồi mà lỡ không có con thì sao. Nhà người ta có tiền tỉ mà chạy chữa, chứ nhà mình lấy tiền đâu ra” – bà Minh (ngõ 84 – Ngọc Khánh) thật thà tâm sự.
Tuy nhiên, cũng chính vì những suy nghĩ kiểu như trên mà nhiều bà mẹ chồng đã phải ngậm đắng nuốt cay khi bị con dâu hư ngược đãi, hay thậm chí còn bẽ bàng vì nuôi con cháu người khác.
Bà Chi không biết rằng lâu nay mình bỏ tiền bỏ của đi chăm cháu người khác... - ảnh minh họa |
Con trai bà Thùy cưới vợ hồi đầu năm. Cô ta làm kế toán cho một công ty thuộc ngành điện. Tuy nhiên, dù đã có 2 đứa con, nhưng con dâu bà Thùy cứ như gái còn son. Suốt ngày, cứ nghe điện thoại bạn gọi là cô ta lại tếch đi cà phê cà pháo. “Tối nào cũng vậy, cứ chồng nó đi khoảng nửa tiếng (con trai bà Thùy làm bảo vệ đêm ở khách sạn) là nó lên xe đi chơi đến 12 giờ đêm mới về. Lúc đi thì ăn diện như ca ve. Tôi có nhắc thì nó quát, bảo là mấy năm rồi nó chửa đẻ hai đứa con, thiệt thòi chẳng được chơi bời gì. Bây giờ ông bà có cháu rồi, ở nhà mà chăm cháu cho nó đi giải trí. Thằng con tôi nó chán, đòi bỏ nhưng tôi không đồng ý. Bây giờ bỏ nó thì mình mất cháu.” – bà Thùy lo lắng nói.
Trong khi đó, bà Chi còn cay đắng hơn. Thấy cô con dâu là giảng viên đại học, dù vừa giỏi giang vừa khéo cư xử nhưng mãi không sinh cháu, bà tìm mọi cách hắt hủi, xúi bẩy con trai bỏ vợ. Anh chồng vì chán nản, đã quan hệ ngoài luồng với một cô gái làm nghề cắt tóc thanh nữ. Đến lúc cô này có bầu, bà mừng như bắt được vàng dù cô bé này mới 19 tuổi, tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, ăn nói chỏng lỏn khó nghe, ra dáng con nhà thiếu giáo dục.
Bà giục con trai bỏ vợ, cưới cô bé này về. Có con dâu mới, mỗi bước đi của nó bà lo thắt tim, vì nó có bầu mà chẳng giữ gìn, cứ phóng xe ầm ầm ngoài phố. Cuối cùng, con dâu bà đẻ non thiếu tháng. Thằng bé cũng vì thế mà mắc bệnh tim bẩm sinh. Ba năm trời, bà Chi bỏ tất cả tiền bạc dành dụm được, thậm chí bán cả căn hộ tập thể đang cho thuê để mang cháu đi chữa bệnh. Đùng một cái, trước khi quyết định mổ tim, bà mới biết kết quả thằng bé không phải cháu của bà. Dù vẫn yêu thương cháu, nhưng bà thấy lòng đau đớn, vừa tiếc, vừa thương cô con dâu cũ ngoan hiều hiếu thảo.
Ý kiến bạn đọc