Núi phế thải cao 190m sắp ập xuống đầu hàng trăm dân

14:09, 22/04/2012
|

(VnMedia)- Trong khi các nạn nhân của vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên vẫn đang bị vùi sâu dưới lớp đất đá, thì chỉ cách đó khoảng 20km, hàng trăm người dân thuộc 9 xóm xã Phúc Hà. TP. Thái Nguyên cũng đang nơm nớp sống trong lo sợ tai họa từ bãi thải mỏ than Khánh Hòa.
 

Mỏ than Khánh Hòa của Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV), nằm ngay trên địa bàn thành phố Thái Nguyên cũng có một núi đất đá thải nằm sát nhà của hàng trăm người dân.
 
Theo ông Nguyễn Đức Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, xã có 14 xóm thì hiện tới 9 xóm nằm sát bãi thải. Diện tích của xã là hơn 600ha thì hiện mỏ đã lấy gần 300 ha. "Những năm gần đây, do phương tiện khai thác của mỏ được đầu tư hiện đại thì diện tích đất bị thu hồi làm bãi thải càng lớn, khoảng 20- 30 ha/ năm”- ông Nhất cho biết.

Hiện Công ty Than Khánh Hòa có 2 bãi đổ thải (là bãi thải Nam và bãi thải Tây) nằm trên địa bàn xã Phúc Hà. Bãi thải Nam có 6 tầng đổ thải, đỉnh cao nhất là 160m, khảng cách từ chân bãi thải tới tầng cao nhất là 300m; bãi thải Tây có 3 tầng đổ thải, đỉnh cao nhất là 80m. Trong khoảng cách 200m tính từ chân bãi thải có 288 hộ sinh sống và một số công trình trụ sở hành chính của địa phương gồm trụ sở Đảng ủy- UBND xã, Trường mầm non, trạm y tế… Trong đó có 112 hộ nằm trong phạm vi từ 0m- 12m tính từ chân bãi thải; 85 hộ nằm trong phạm vi 50m- 100m; 91 hộ nằm trong phạm vi 100m- 200m. 

Chỉ cần ra khỏi trụ sở UBND xã là đã thấy núi đất đá thải cao ngất ngay phía sau. Ngay bên cạnh trụ sở UBND xã là trường mầm non. Cô Thu Hà, Phó Hiệu trưởng cho biết trường hiện có 150 cháu, do nằm ngay dưới chân bãi đất đá thải nên không chỉ nguy hiểm mà còn rất bụi, nhất là những hôm nắng thì các cô phải lau nhà hàng chục lần. Để đảm bảo an toàn cho các cháu, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị di dời khỏi khu vực này. Tuy nhiên, chỉ sau khi xảy ra vụ sạt lở bãi thải ở mỏ than Phấn Mễ, trường mới nhận được lệnh di chuyển sang trường tiểu học Phúc Hà, nằm cách vị trí này mấy trăm mét.

Nhưng, trường tiểu học chỉ là một trong số các điểm cần phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm, bởi ngay bên cạnh trường, hiện trụ sở UBND xã, trạm y tế cũng còn chưa biết phải di chuyển đi đâu.

Từ trụ sở UBND xã xuống các xóm là một con đường trải bê tông. Chỉ con đê đắp đất chạy dọc một bên đường, ông Nhất cho biết trước kia đây là nhà dân, nhưng hiện đã phải di dời để mỏ làm bãi đổ thải. Dù đã đắp đê chắn, nhưng do con đường liên xã nằm quá gần bãi thải nên luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
 
Vì vậy, ngày 9/3/2012, tại công văn gửi Công ty Than Khánh Hòa, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà khẳng định: “Qua nhiều năm giải phóng mặt bằng mở rộng bãi đổ thải, đến nay bãi thải đã ra đến gần đường bê tông liên xã, đây là tuyến đường giao thông chính của địa phương, có mật độ người và các phương tiện giao thông qua lại nhiều. Trong quá trình đổ thải, đá từ trên bãi thải đã nhiều lần lăn xuống đường bê tông và lăn vào các phương tiện giao thông gây thiệt hại về tài sản và nguy hiểm tới tính mạng của nhân dân. Trong thời gian tới nếu công ty không có biện pháp đảm bảo an toàn hiệu quả, việc đổ thải của công ty sẽ rất nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này…”.
 
Ngày 17/4/2012, trong cuộc họp giữa chính quyền và Công ty Than Khánh Hòa xác định hiện có 6 vị trí nguy hiểm. Vì vậy đã yêu cầu với mỗi vị trí nguy hiểm, công ty phải có giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn như đắp đê, dừng đổ thải và thường xuyên kiểm tra hàng ngày.
 
Ông Đặng Xuân Lý, Phó giám đốc Công ty than Khánh Hòa cho biết hiện nơi cao nhất bãi thải Nam đã lên tới gần 190m trong khi theo thiết kế chỉ được cao tới 150m. Nguyên nhân là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên chưa mở rộng được diện tích bãi thải.
 
Theo ông Lý, việc đắp đê ở chân bãi thải chỉ giúp ngăn đá lăn khi xe đổ thải, chứ sẽ không có tác dụng nếu xảy ra sự cố như ở Phấn Mễ.
 
VnMedia ghi lại một số hình ảnh:
 

 Ảnh minh họa

   Trạm Y tế xã Phúc Hà nằm ngay dưới chân núi đất đá thải.


 Ảnh minh họa

 Sát bên cạnh Trạm Y tế là Trường mầm non…


 Ảnh minh họa

 ….và trụ sở UBND xã.


 Ảnh minh họa

Sau khi xảy ra vụ sạt lở ở Phấn Mễ, trường mầm non xã Phúc Hà đã nhận được lệnh phải di chuyển đến địa điểm khác an toàn hơn.



 

 Ảnh minh họa

 Ngôi nhà của bà Dương Thị Minh ở xóm 8 xã Phúc Hà chỉ cách núi đất đá thải 1 con đường, không chỉ lo lắng vì sống quá gần bãi thải mà hàng ngày phải chịu cảnh bụi bặm


 Ảnh minh họa

  Người phụ nữ này không khỏi lo lắng khi phải sống ngay cạnh bãi thải


 Ảnh minh họa

 Vết tích còn lại của một khu dân cư giờ đã phải nhường mặt bằng cho bãi thải mỏ than.


 Ảnh minh họa

 Con đê mỏng manh dưới chân núi đất đá thải này chỉ có tác dụng ngăn đá lăn khi xe đổ thải và nước sít từ bãi thải.


 Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Đức Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, không dấu được lo lắng khi hiện còn hàng trăm người dân sống trong khu vực nguy hiểm.


 Ảnh minh họa

 Công văn của UBND xã Phúc Hà gửi Công ty Than Khánh Hòa.


 Ảnh minh họa

 Con đường bê tông liên xã nằm ngay sát bãi thải, vì vậy mà UBND xã Phúc Hà đã có công văn yêu cầu Công ty Thanh Khánh Hòa phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.


 Ảnh minh họa

 Những ngôi nhà này nằm sát chân bãi thải mà không hề có đê chắn đá lăn.


 Ảnh minh họa

 Ông Đặng Xuân Lý, Phó giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, cho biết hiện nơi cao nhất bãi thải Nam đã lên tới gần 190m trong khi theo thiết kế chỉ được cao 150m. Nguyên nhân là do chưa mở rộng được diện tích bãi thải.


Lam Nguyên - Ảnh: Việt Hằng

Ý kiến bạn đọc